Dow Jones lần đầu tiên đóng cửa trên 40.000 điểm, giá dầu tăng nhờ hy vọng về nhu cầu
Chứng khoán Mỹ đang có được sự chuyển biến tích cực sau khi trải qua sự khởi đầu quý 2 đầy chật vật trong tháng 4...
Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (17/5), với chỉ số Dow Jones đóng cửa trên mức chủ chốt 40.000 điểm lần đầu tiên trong lịch sử, trong bối cảnh nhà đầu tư tiếp tục căn chỉnh kỳ vọng về thời điểm Cục Dự trữ Liên bang (Fed) có thể tiến hành đợt giảm lãi suất đầu tiên. Giá dầu thô tăng và hoàn tất một tuần đi lên, sau khi những số liệu kinh tế Mỹ và Trung Quốc tuần này làm dấy lên hy vọng về sự khởi sắc của nhu cầu.
Lúc đóng cửa, Dow Jones tăng 134,21 điểm, tương đương tăng 0,34%, đạt 40.003,59 điểm. Trước đó, chỉ số này đã chớp nhoáng vượt qua mốc 40.000 điểm trong phiên ngày thứ Năm.
Chỉ số S&P 500 tăng 0,12%, chốt ở 5.303,27 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 0,07%, còn 16.685,97 điểm.
Cả tuần, Dow Jones tăng 1,2%, đánh dấu tuần tăng thứ 5 liên tiếp; S&P 500 tăng 1,5%; và Nasdaq tăng 2,1%.
Động lực tăng của thị trường trong tuần này là số liệu cho thấy chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 của Mỹ tăng ít hơn so với kỳ vọng. Sau báo cáo CPI, giới đầu tư gia tăng đặt cược vào khả năng Fed có hai đợt giảm lãi suất trong năm nay, với đợt giảm đầu tiên vào tháng 9.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng việc Fed chọn thời điểm nào để hạ lãi suất và sẽ hạ lãi suất mấy lần sẽ phụ thuộc nhiều vào áp lực giá cả trong những tháng tới. Ngoài ra, giới chức Fed cũng đã phát tín hiệu không vội vàng trong việc giảm lãi suất.
Phát biểu ngày thứ Sáu, Thống đốc Fed Michelle Bowman nhắc lại quan điểm rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm nếu chính sách tiền tệ duy trì ở trạng thái hiện tại. Dù vậy, bà cho rằng tình hình lạm phát sẽ không có sự cải thiện đáng kể trong năm nay và bà vẫn sẵn sàng cho việc tăng lãi suất nếu tiến trình giảm lạm phát rơi vào ngưng trệ hoặc bị đảo ngược.
“Thị trường đang tìm kiếm một chất xúc tác tiếp theo. Rất có thể, đó là một khả năng rõ ràng về việc Fed có sắp thực sự cắt giảm lãi suất hay không”, nhà quản lý danh mục Robert Pavlik của công ty Dakota Wealth nhận định với hãng tin Reuters.
Chứng khoán Mỹ đang có được sự chuyển biến tích cực sau khi trải qua sự khởi đầu quý 2 đầy chật vật trong tháng 4. Nếu tính từ đầu năm, S&P 500 và Nasdaq hiện tăng hơn 11% mỗi chỉ số, trong khi Dow Jones đã tăng hơn 6%.
Một số nhà đầu tư và chuyên gia phân tích đã bày tỏ lo ngại về việc liệu xu hướng tăng có thể duy trì trong bao lâu, chiến lược gia cấp cao Tom Hainlin của công ty quản lý tài sản US Bank Asset Management cho rằng sự kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế còn cao và lạm phát suy yếu là chất xúc tác hoàn hảo cho thị trường tiếp tục đi lên.
“Đó là một trạng thái kinh tế khá lạc quan, sẽ tồn tại ít nhất trong tương lai gần trong năm 2024 này. Chúng tôi cho rằng định giá cổ phiếu đang cao hơn một chút so với lịch sử, nhưng tăng trưởng lợi nhuận và mức độ ổn định của lợi nhuận cũng cao”, ông Hainlin nói với hãng tin CNBC.
Trên thị trường năng lượng, giá dầu thô Brent giao sau tại London tăng 0,71 USD/thùng, tương đương tăng 0,85%, chốt ở mức 83,98 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York tăng 0,83 USD/thùng, tương đương tăng 1,1%, chốt ở mức 80,06 USD/thùng.
Cả tuần, giá dầu Brent tăng 1%, đánh dấu tuần tăng đầu tiên sau 2 tuần giảm liên tiếp. Giá dầu WTI tăng 2%.
Tuần này, giá dầu được hỗ trợ bởi khả năng Fed sắp giảm lãi suất - một động thái có thể kích thích nhu cầu dầu. Lãi suất giảm trong khi nền kinh tế Mỹ không sụt tốc mạnh được xem là một “trạng thái vàng” cho tiêu thụ năng lượng.
Ngoài ra, giá dầu còn được thúc đẩy bởi số liệu khả quan về kinh tế Trung Quốc - nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới. Theo thống kê công bố tuần này, sản lượng công nghiệp của Trung Quốc tăng 6,7% trong tháng 4 so với cùng kỳ năm ngoái, cho thấy sự phục hồi trong lĩnh vực sản xuất của nước này tiếp tục được đẩy mạnh.
Bên cạnh đó, dữ liệu cho thấy tồn trữ dầu thô và các sản phẩm xăng dầu tinh luyện tại các trung tâm giao dịch trên toàn cầu giảm xuống cũng mang tới những hy vọng về nhu cầu. Sự suy giảm tồn trữ này đảo ngược xu hướng tăng tồn kho vốn đã gây áp lực giảm lên giá dầu thô trong những tuần trước đó.
Về nguồn cung, giới đầu tư trên thị trường dầu đang chờ những tín hiệu mới từ cuộc họp của OPEC+ vào ngày 1/6 tới. OPEC+ là liên minh giữa Tổ chức Các nước xuất khẩu dầu lửa (OPEC) và một số thành viên ngoài khối gồm Nga.
“Giá dầu Brent bây giờ vẫn đang thấp hơn 90 USD/thùng, mức mục tiêu không chính thức của Saudi Arabia và các nước sản xuất dầu khác. Bởi vậy, cuộc họp sắp tới của OPEC+ có thể đi đến quyết định duy trì kế hoạch cắt giảm sản lượng hiện tại”, nhà phân tích Ole Hansen của Saxo Bank nhận định trong một báo cáo.