Dow Jones “lội ngược dòng” ngoạn mục, giá dầu sụt 4% vì nỗi lo Covid ở Trung Quốc
Thị trường chứng khoán Mỹ có lúc giảm điểm mạnh trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (25/4), nhưng đảo chiều ngoạn mục và chốt phiên trong sắc xanh rực rỡ...
Tuy nhiên, giá dầu có thêm một phiên giảm sâu vì lo ngại phong toả chống Covid-19 ở Trung Quốc sẽ gây suy giảm nhu cầu tiêu thụ năng lượng.
Lúc đóng cửa, chỉ số Dow Jones tăng 238,06 điểm, tương đương tăng 0,7%, chốt ở 34.049,46 điểm. Trong phiên, có lúc chỉ số này giảm tới 488 điểm.
Chỉ số S&P 500 tăng 0,6%, chốt ở 4.296,12 điểm. Chỉ số Nasdaq tăng 1,3% chốt ở 13.004,85 điểm.
Mối lo về sự giảm tốc kinh tế toàn cầu trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc đã kéo lãi suất đi xuống trong phiên này. Lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ kỳ hạn 10 năm giảm về ngưỡng 2,8%, từ mức đỉnh của 3 năm gần 3% thiết lập trong tuần trước.
Lãi suất giảm đưa cổ phiếu công nghệ hồi mạnh, tạo ra một trụ đỡ cho các chỉ số. Microsoft tăng 2,4%, trở thành cổ phiếu tăng mạnh thứ nhì trong Dow Jones. Cổ phiếu Google tăng gần 2,9% và Facebook tăng 1,6%.
Cổ phiếu Twitter tăng 5,7% sau khi công ty mạng xã hội này tuyên bố chấp nhận lời chào mua đứt của tỷ phú Elon Musk định giá công ty ở mức khoảng 44 tỷ USD.
“Trong tuần này, chúng tôi chú ý nhiều đến cổ phiếu công nghệ vốn hoá lớn. Những cổ phiếu này đã bị bán quá nhiều rồi… nên giờ là lúc dòng tiền quay trở lại. Đang có cơ hội ở những cổ phiếu đó”, nhà quản lý danh mục Jeff Kilburg thuộc Sanctuary Wealth nhận định.
Tuần trước, Nasdaq rơi vào trạng thái thị trường đầu cơ giá xuống (bear market). Sau phiên hồi phục này, Nasdaq giảm 19,8% so với kỷ lục, tạm thoát khỏi thị trường đầu cơ giá xuống. Tuy nhiên, S&P 500 vẫn đang ở trong trạng thái thị trường điều chỉnh vì đang giảm 10,8% so với đỉnh.
Dow Jones đã có phiên giảm mạnh nhất kể từ năm 2020 vào hôm thứ Sáu và đã có 4 tuần giảm liên tiếp. S&P 500 và Nasdaq đã giảm 3 tuần liên tiếp.
Tuần này, Phố Wall tiếp tục đón nhận kết quả kinh doanh quý 1 của các doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt là báo cáo từ các công ty công nghệ lớn. Trong tuần, sẽ có khoảng 160 công ty trong S&P 500 công bố báo cáo, và thu hút sự chú ý lớn nhất sẽ là những cái tên như Amazon, Apple, Alphabet, Meta và Microsoft.
Mối lo về tăng trưởng kinh tế và nhu cầu tiêu thụ năng lượng đã kéo tụt giá dầu phiên này, khiến cổ phiếu năng lượng trở thành nhóm giảm mạnh nhất trong S&P 500. Chevron giảm 2,2%, trong khi Exxon Mobil trượt gần 3,4%.
Giá dầu Brent giao sau tại thị trường London giảm 4,33 USD/thùng, tương đương giảm 4,1%, còn 102,32 USD/thùng. Giá dầu WTI giao sau tại New York giảm 3,53 USD/thùng, tương đương giảm 3,5%, còn 98,54 USD/thùng.
Phiên giảm này đưa giá “vàng đen” xuống mức thấp nhất trong 2 tuần. “Triển vọng tăng trưởng kinh tế giảm trong năm nay, cộng thêm lãi suất tăng ở Mỹ, đã dẫn tới giảm dự báo về nhu cầu tiêu thụ dầu. Chiến tranh ở Ukraine và phong toả ở Trung Quốc càng kéo dài thì nhu cầu tiêu thụ năng lượng sẽ càng yếu”, một báo cáo của Eurasia Group nhận định.
Phong toả ở Thượng Hải đã bước sản tuần thứ tư. Lệnh xét nghiệm diện rộng tại quận lớn nhất của Bắc Kinh làm dấy lên lo ngại rằng thủ đô của Trung Quốc có thể cũng phải phong toả như Thượng Hải. Trung Quốc là nước nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới.
Tuần trước, giá dầu Brent và WTI giảm gần 5%. Với phiên giảm ngày thứ Hai, giá dầu đang thấp nhất kể từ ngày 11/4. So với mức đỉnh kể từ 2008 thiết lập đầu tháng 3, giá dầu hiện đã giảm khoảng 25%.
Gây áp lực giảm giá lên dầu phiên này còn là sự tăng giá của đồng USD. Đồng bạc xanh đạt mức tỷ giá 2 năm so với một rổ gồm các đồng tiền chủ chốt khác do khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tăng lãi suất quyết liệt trong năm nay.
Giá dầu vẫn đang được hỗ trợ bởi khả năng Liên minh châu Âu (EU) đưa ra lệnh cấm vận đối với dầu Nga.
Tờ The Times of London dẫn lời ông Valdis Dombrovskis, Phó chủ tịch điều hành Uỷ ban châu Âu (EC) nói rằng EU đang chuẩn bị “các biện phát trừng phạt thông minh” nhằm vào dầu Nga. Hiện chưa rõ liệu EU có đưa sự cấm vận trực tiếp đối với dầu Nga hay không.
“Dù EC đang soạn thảo gói trừng phạt thứ 6 đối với Nga, một lệnh cấm vận dầu Nga là điều khó xảy ra ở thời điểm này”, nhà phân tích Nikoline Bromander của Rystad Energy nhận định.