Dragon Capital thoái vốn và không còn là cổ đông lớn tại GEX
quỹ thành viên Amersham Industries Limited đã thoái 1,35 triệu cổ phần tại Gelex, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 1,8% vốn...
Tổng Công ty Cổ phần Thiết bị điện Việt Nam (mã GEX-HOSE) vừa báo cáo thay đổi về sở hữu của nhóm nhà đầu tư nước ngoài có liên quan không còn là cổ đông lớn của Tổng công ty.
Theo đó, trong ngày 7/6 vừa qua nhóm quỹ thành viên thuộc Dragon Capital thông báo bán ròng hơn 1,2 triệu cổ phiếu GEX - trong đó, quỹ thành viên Amersham Industries Limited đã thoái 1,35 triệu cổ phần tại Gelex, giảm tỷ lệ sở hữu xuống 1,8% vốn.
Trong khí đó, quỹ Samsung Vietnam Securities Master Investment Trust đã mua vào 150.000 cổ phiếu GEX, trước đó quỹ này không sở hữu cổ phần tại Gelex.
Do vậy, sau các giao dịch, tổng nhóm quỹ nắm giữ từ hơn 24,48 triệu cổ phiếu, chiếm 5,013% giảm xuống còn hơn 23,2 triệu cổ phiếu, chiếm 4,7679% vốn tại CII và cũng kể từ ngày 9/6, Dragon Capital đã không còn là cổ đông lớn tại Tập đoàn Gelex.
Trên thị trường, sau khi đạt đỉnh 28.500 đồng chốt phiên ngày 8/4, cũng là giá cao nhất trong 1 năm qua thì giá cổ phiếu này trải qua nhiều phiên tăng giảm và ngày 3/6 giá cổ phiếu GEX giảm còn 22.250 đồng/cổ phiếu.
Đến ngày 7/6, cổ phiếu GEX tiếp tục đà tăng đóng cửa ở mức 24.100 đồng/cổ phiếu, ước tính theo thị giá này, sau giao dịch Dragon Capital đã thu về khoảng gần 29 tỷ đồng.
Được biết, từ ngày 28/5-2/6, Tổng Giám đốc Gelex Nguyễn Văn Tuấn cũng vừa hoàn tất gom thêm 30 triệu cổ phiếu, nâng tỷ lệ sở hữu tại Tập đoàn từ 11,57% lên 17,7% vốn điều lệ. Ước tính ông Tuấn chi ra hơn 612 tỷ để hoàn tất giao dịch này.
Mới đây, VCSC đã đưa ra đánh giá "khả quan" dành cho GEX với giá mục tiêu 30.000/cổ phiếu, tương ứng tổng mức sinh lời dự kiến là 11,7%, bao gồm lợi suất cổ tức 0,0%.
Cụ thể: GEX đã công bố tài liệu ĐHCĐ bao gồm kế hoạch năm 2021 với doanh thu 28,5 nghìn tỷ đồng, tăng 59% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế đạt 1,285 nghìn tỷ đồng, tăng 8% so với cùng kỳ. VCSC dự báo lợi nhuận trước thuế được ước tính dựa trên dự phóng GEX hợp nhất với VGC từ quý 2/2021.
VCSC hiện dự báo lợi nhuận sau thuế năm 2021 của GEX là 1,1 nghìn tỷ đồng. Nếu tính cả lãi đánh giá lại ước tính bất thường và khoản khấu hao lợi thế thương mại từ việc hợp nhất với VGC, VCSC ước tính lợi nhuận sau thuế có thể đạt 2,1 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh đó, GEX đã đề xuất mức cổ tức năm 2020 là bằng cổ phiếu là 9% (dựa trên số cổ phiếu sau khi tăng vốn) cũng như cổ tức năm 2021 là 10% (tuy nhiên, công ty không cho biết đây là tiền mặt hay cổ phiếu).
Năm 2021, GEX dự kiến sẽ thực hiện thành công kế hoạch tăng vốn cổ phần, phát hành 293 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và tăng vốn cổ phần từ 4,9 nghìn tỷ đồng lên 7,8 nghìn tỷ đồng. Giá chào bán là 12.000 đồng/CP (thấp hơn khoảng 18% so với giá trị sổ sách trên mỗi cổ phiếu là 14.710 đồng tính đến ngày 31/03/2021). Phương thức phát hành sẽ thông qua phát hành quyền mua với tỷ lệ 10: 6 (cứ 10 cổ phiếu hiện hữu thì có 6 cổ phiếu mới). Dựa trên giả định của GEX rằng giá cổ phiếu là 22.000 đồng/cổ phiếu vào ngày giao dịch không hưởng quyền, giá cổ phiếu điều chỉnh (giao dịch không hưởng quyền lý thuyết) sẽ là 18.250 đồng/cổ phiếu.
Về kế hoạch M&A, GEX có kế hoạch mua thêm cổ phần tại CTCP Đầu tư Khu công nghiệp Dầu khí Long Sơn (UPCoM: PXL – giá trị vốn hóa: 800 tỷ đồng) - một công ty cho thuê khu công nghiệp - để nắm quyền chi phối từ tỷ lệ sở hữu hiện tại là 25%. Ngoài ra, GEX muốn tiến hành IPO cho các công ty con của PXL dựa trên giả định rằng GEX vẫn sở hữu cổ phần chi phối.