Du khách sẵn sàng chi tiền cho du lịch thể thao
Olympics Paris 2024 xô đổ kỷ lục Thế vận hội Atlanta năm 1996 với 8,6 triệu vé được bán ra, theo số liệu từ Ủy ban tổ chức giải. Điều này chứng tỏ sức hấp dẫn của sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh trong lòng du khách…
Du lịch thể thao được xem một trong những lĩnh vực phát triển nhanh nhất trong ngành du lịch. Tổ chức Du lịch thế giới (UNWTO) nhận định, lĩnh vực này có tốc độ tăng trưởng ước tính đạt 17,5% trong giai đoạn 2023 - 2030, đồng thời có thể thúc đẩy các hoạt động xã hội, kinh tế và môi trường, thậm chí để lại hiệu ứng tích cực lâu dài cho mỗi điểm đến.
XU HƯỚNG BÙNG NỔ TRÊN TOÀN CẦU
Diễn ra từ ngày 14/6 - 14/7 vừa qua, Euro 2024 được ví như “cổ tích mùa hè” của ngành du lịch Đức. Euro 2024 dự kiến mang về cho nền kinh tế Đức đến 1 tỷ USD nhờ lượng khách du lịch tăng vọt. Quốc gia này đón thêm 600 nghìn khách du lịch nước ngoài và 1,5 triệu lượt lưu trú qua đêm trong thời gian diễn ra giải đấu. Ông Reinhard Meyer - Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đức nhấn mạnh: “Euro 2024 không chỉ là sự kiện thể thao lớn mà là cơ hội để Đức phục hồi nền du lịch đất nước”.
Tại Pháp, trước Thế vận hội mùa hè 2024 sẽ diễn ra từ ngày 26/7 đến ngày 11/8 tới. Sự kiện thể thao sẽ quy tụ 10.500 vận động viên từ 206 Ủy ban Olympic quốc gia (NOC) đại diện cho các quốc gia trên thế giới. Vé xem Olympic Paris 2024 được mở bán bắt đầu từ tháng 11 năm ngoái. Nhu cầu du lịch đến Pháp ngay lập tức tăng lên đáng kể. Không chỉ lượng tìm kiếm chuyến bay tăng mà lượng đặt chỗ ở Paris trong mùa sự kiện tăng 125% so với cùng kỳ năm trước.
Tương tự, cú hích mang tên World Cup 2022 thực sự giúp Qatar trên đường đua trở thành trung tâm kinh doanh và du lịch của toàn khu vực khi thu hút tổng cộng hơn 2,45 triệu khán giả đến sân cổ vũ các đội tuyển, đạt tỷ lệ lấp đầy 96% trong 48 trận đấu vòng bảng, theo thống kê của FIFA. Qatar đã đầu tư rất nhiều vào việc xây dựng sân vận động, khách sạn, đường sá và các cơ sở vật chất hiện đại khác cho giải đấu bóng đá thế giới và giờ đây những thứ này có thể được sử dụng để phát triển ngành du lịch.
Những con số "biết nói" trên thể hiện rằng người hâm mộ và du khách ngày càng sẵn sàng chi tiền để hòa cùng không khí nhộn nhịp tại các sân vận động. Thậm chí, kể cả những giải đấu nhỏ hơn trong phạm vi khu vực, các cuộc thi nghiệp dư hay các giải chạy cũng góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế địa phương với tệp khán giả riêng. Sự đa dạng khách cho thấy du lịch thể thao vẫn là một lĩnh vực năng động và tiềm năng, theo tổ chức du lịch toàn cầu TTW.
Đó là lý do những năm gần đây, nhiều sự kiện thể thao đã được không ít quốc gia khai thác thành sản phẩm chủ đạo để mời gọi du khách. Theo UNWTO, mục tiêu chính của du lịch thể thao là cải thiện lượng du khách, đặc biệt trong “mùa du lịch chuyển tiếp” (thời gian giữa mùa cao điểm và thấp điểm). Tại Singapore, tháng 9 là mùa du lịch chuyển tiếp, nhưng nhờ giải đua xe Công thức 1 thường niên, giá phòng khách sạn dự báo tăng lên tới 590 đô la Singapore (tương đương 440 USD) trong dịp cuối tuần.
Báo cáo mới đây của công ty nghiên cứu thị trường và tư vấn Allied Market Research (Mỹ) cho biết, 4 năm trước, châu Âu và Bắc Mỹ chiếm thị phần lớn nhất (40%), song hiện nay, thị trường du lịch thể thao ở châu Á - Thái Bình Dương được dự báo đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất, nhờ sự gia tăng về lượng người tham gia chơi thể thao và tổ chức sự kiện thể thao.
TIỀM NĂNG CỦA DU LỊCH THỂ THAO VIỆT NAM
Có thể nói, Việt Nam sở hữu nhiều tiềm năng cho du lịch thể thao với địa hình đa dạng, từ núi cao, biển sâu, rừng xanh đến đồng bằng rộng lớn. Các địa điểm du lịch nổi tiếng như Sapa, Hạ Long, Đà Lạt, Nha Trang, Phú Quốc,... đều có thể đáp ứng nhu cầu của du khách yêu thích thể thao mạo hiểm, thể thao dưới nước, hay thể thao sinh thái.
Những năm gần đây, Việt Nam đã tổ chức thành công nhiều sự kiện thể thao quốc tế và khu vực như SEA Games, Giải đua xe đạp Tour de France Việt Nam, các giải marathon, đua thuyền, golf quốc tế... Những sự kiện này đã góp phần quảng bá hình ảnh du lịch Việt Nam ra thế giới và thu hút du khách nước ngoài.
Ông Nguyễn Công Hoan, Tổng Giám đốc Flamingo Redtours - đơn vị từng tổ chức thành công nhiều tour du lịch thể thao đưa du khách đi xem các giải bóng đá lớn như SEA Games, AFC Cup..., cho biết: Hiện nay, các công ty lữ hành khai thác ba hình thức tour du lịch thể thao phổ biến, đó là: Tour tổ chức cho du khách đi cổ vũ, xem những giải thể thao như bóng đá, quần vợt…; tour tổ chức cho du khách tham gia các hoạt động thể thao như golf, marathon, trekking...; và tour tổ chức các hoạt động thể thao nội bộ cho các tổ chức, cơ quan, doanh nghiệp.
Ông Hoan cho hay, du lịch thể thao là dòng tour chuyên đề cho nên đòi hỏi đơn vị tổ chức tour phải có chuyên môn. Bên cạnh yếu tố chuyên môn về lữ hành, còn cần có kiến thức nhất định về thể thao và các giải đấu cụ thể... Hơn nữa, các giải thể thao thường là sự kiện đông người cho nên công ty du lịch phải có kinh nghiệm từ tính toán lịch trình di chuyển cho tới công tác điều hành và tổ chức dẫn đoàn tham gia các sự kiện.
Giám đốc Vietfoot Travel Phạm Duy Nghĩa cho rằng, bên cạnh cung cấp những dịch vụ chất lượng, bảo đảm an toàn, sản phẩm du lịch thể thao cần mang đến những cảm nhận mới mẻ cho du khách. Là đơn vị từng nhiều năm khai thác các tour du lịch đạp xe kết nối nội thành với ngoại thành Hà Nội, đến với các địa phương như Ninh Bình, Quảng Ninh, Lào Cai…, Vietfoot Travel luôn nỗ lực làm mới hành trình tour bằng cách kết hợp du lịch đạp xe với du lịch văn hóa, du lịch nghỉ dưỡng, hay kết hợp với photo tour để giúp du khách lưu lại cảm xúc, dấu ấn cá nhân trong hành trình du lịch.
Theo khảo sát của Outbox thực hiện năm 2023, gần 45% số người Việt được hỏi trả lời thường xuyên kết hợp du lịch khi tham gia các giải chạy marathon ngoài nơi cư trú của họ. Các chuyến race-cation (du lịch giải chạy) thường kéo dài 2 - 3 ngày. Chi phí dao động từ 5 đến 10 triệu đồng, gồm các hạng mục như lưu trú tại điểm đến, phương tiện di chuyển, phụ kiện thể thao, thực phẩm hỗ trợ sức khoẻ và hoạt động giải trí ngoài thời gian thi đấu. Khách race-cation có xu hướng đi cùng gia đình hoặc theo nhóm, điều này tạo sức lan toả trong việc chi tiêu, mang lại nguồn thu cho điểm đến.
Ông Phước Đặng, CEO Outbox, nhận định phong trào chạy bộ ở Việt Nam đang phát triển rất nhanh do các giải chạy được tổ chức thường xuyên. Tuy nhiên, "cái gì là phong trào cũng sẽ trôi qua". Vấn đề cần quan tâm là các bên từ điểm đến, ban tổ chức giải tới các doanh nghiệp du lịch tận dụng hiệu quả thời điểm nở rộ để định hình thương hiệu giải chạy chuyên nghiệp và tạo tiền đề cho các hoạt động du lịch gắn với thể thao trong tương lai nhằm thu hút du khách trong và ngoài nước.