Dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2025 gần 2 triệu tỷ đồng, Chính phủ vay nợ kỷ lục
Năm 2025, Chính phủ dự toán thu ngân sách nhà nước 1.966,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6% dự toán năm 2024 và tăng 5% ước thực hiện năm 2024 (1.873,3 nghìn tỷ đồng). Cùng đó, Chính phủ cũng dự kiến vay thêm khoảng 800 nghìn tỷ, cao nhất từ trước đến nay để đáp ứng nhiệm vụ chi...
Ngày 22/10, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XV, Quốc hội nghe Phó Thủ tướng Chính phủ kiêm Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày báo cáo về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm 2025 - 2027.
NĂM 2024 ƯỚC VƯỢT THU TRÊN 170 NGHÌN TỶ ĐỒNG
Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2024 là 1.700,99 nghìn tỷ đồng, thực hiện 9 tháng đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so cùng kỳ năm 2023.
"Đánh giá cả năm ước đạt 1.873,3 nghìn tỷ đồng, vượt 172,3 nghìn tỷ đồng, tăng 10,1% so dự toán; đạt tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước khoảng 16,5% GDP, trong đó từ thuế, phí đạt 13,1% GDP", Phó Thủ tướng nêu rõ.
Chính phủ đánh giá cơ bản ước các lĩnh vực thu ngân sách nhà nước đều đạt và vượt dự toán giao. Trong đó, thu nội địa ước đạt 1.572,7 nghìn tỷ đồng, vượt 8,9% dự toán; thu từ dầu thô đạt 59,3 nghìn tỷ đồng, vượt 28,9% dự toán; thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 235,2 nghìn tỷ đồng, vượt 15,3% dự toán. Dự kiến 52/63 địa phương thu đạt và vượt dự toán.
Số thu thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất được miễn, giảm, gia hạn ước khoảng 189,6 nghìn tỷ đồng, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp.
Về chi ngân sách nhà nước, dự toán là 2.119,4 nghìn tỷ đồng; thực hiện 9 tháng đạt 59,3%. Ước cả năm đạt 2.281,7 nghìn tỷ đồng, tăng 7,7% so dự toán.
Như vậy, ước bội chi cả năm khoảng 389,4 nghìn tỷ đồng, bằng 3,4% GDP, giảm 10 nghìn tỷ đồng so với dự toán (399,4 nghìn tỷ đồng, tương đương 3,6% GDP) do giảm chi nguồn vay của ngân sách địa phương.
Để triển khai chủ trương hỗ trợ xóa nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, Chính phủ báo cáo Quốc hội cho phép sử dụng số tiết kiệm thêm 5% chi thường xuyên năm 2024 của cả ngân sách trung ương và ngân sách địa phương cho nhiệm vụ này. Cùng với đó, đến hết năm 2024, số kinh phí tiết kiệm chưa sử dụng hết được phép chuyển nguồn sang năm 2025 để tiếp tục thực hiện.
Đồng thời, cho phép các địa phương được sử dụng khoản tiết kiệm chi này để hỗ trợ địa phương khác triển khai thực hiện. Quốc hội giao Chính phủ hướng dẫn, tổ chức thực hiện nội dung này.
NĂM 2025, PHẤN ĐẤU TĂNG THU 5% SO VỚI ƯỚC THỰC HIỆN NĂM 2024
Báo cáo về dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc nêu rõ dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2025 là 1.966,8 nghìn tỷ đồng, tăng 15,6% so với dự toán năm 2024 và tăng 5% so với ước thực hiện năm 2024. Tỷ lệ huy động vào ngân sách nhà nước đạt khoảng 16% GDP.
Trong đó, dự toán thu nội địa là 1.668,3 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 85% tổng thu cân đối ngân sách nhà nước và tăng khoảng 6,1% so ước thực hiện năm 2024.
“Mức dự toán nêu trên là tích cực, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội trong và ngoài nước còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, thách thức”, Phó Thủ tướng đánh giá.
"Về dự toán bội chi năm 2025 khoảng 471,5 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,8% GDP. Đến cuối năm 2025, tỷ lệ nợ công khoảng 36 - 37% GDP, nợ Chính phủ khoảng 34 - 35% GDP, trong phạm vi được Quốc hội cho phép (60%)".
Báo cáo của Chính phủ.
Theo đánh giá của Chính phủ, dự toán thu ngân sách nhà nước được đặt trong bối cảnh còn rủi ro khi kinh tế - xã hội trong và ngoài nước có nhiều biến động, mặt bằng chính sách thu trở lại bình thường, thị trường bất động sản chưa có dấu hiệu phục hồi rõ rệt, tiến độ thực hiện cổ phần hoá, thoái vốn nhà nước thời gian qua vẫn chậm... dẫn đến khó khăn khi thực hiện dự toán thu.
Trong khi đó, áp lực chi lớn, chi cho các công trình hạ tầng quan trọng, các nhiệm vụ quan trọng cấp bách về chính trị, đối ngoại, quốc phòng an ninh, an sinh xã hội. Nhiều bộ ngành phản ánh việc tiết kiệm chi thường xuyên nhiều năm liên tục dẫn tới khó khăn trong tổ chức thực hiện. Nhu cầu vay năm 2025 ở mức 800 nghìn tỷ, cao nhất từ trước đến nay.
Về dự toán chi ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025, Chính phủ dự kiến bố trí đảm bảo các nguyên tắc: ưu tiên bố trí tăng chi đầu tư phát triển ở mức tích cực; bố trí chi trả nợ đầy đủ, đúng hạn; dự toán chi dự phòng, dự trữ quốc gia ở mức hợp lý để xử lý các nhiệm vụ cấp bách phát sinh.
Đồng thời, bố trí đủ chi trả tiền lương khu vực công, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và các chính sách an sinh xã hội khác; bố trí chi thường xuyên triệt để tiết kiệm, ưu tiên các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, chính trị quan trọng; bố trí cho các chương trình mục tiêu quốc gia theo phê duyệt của cấp thẩm quyền; bố trí các chương trình mục tiêu theo ý kiến cấp có thẩm quyền; bố trí kinh phí cho các cơ quan, đơn vị đang hưởng cơ chế tài chính, thu nhập đặc thù theo các Nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Năm 2025, để đảm bảo chi trả tiền lương khu vực công theo lương cơ sở 2,34 triệu đồng/tháng, ngoài số cân đối bố trí từ nguồn thu ngân sách nhà nước, dự kiến sử dụng khoảng 110 nghìn tỷ đồng nguồn tích lũy cải cách tiền lương.
Theo đó, dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2025 là 2.548,9 nghìn tỷ đồng.
Năm 2025 là năm cuối của thời kỳ ổn định ngân sách hiện hành, căn cứ nhiệm vụ chi theo phân cấp và khả năng cân đối ngân sách trung ương, Chính phủ kiến nghị bố trí dự toán số bổ sung cân đối cho ngân sách địa phương năm 2025 là 248,7 nghìn tỷ đồng.
Đồng thời, dự toán 14,4 nghìn tỷ đồng bổ sung cho một số địa phương có số thu cân đối ngân sách địa phương năm 2025 thấp hơn năm 2023, nhằm đảm bảo mặt bằng chi ngân sách năm 2025 của địa phương này không thấp hơn dự toán năm 2023.
Trên cơ sở các nguyên tắc trên, dự kiến bố trí dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2025 như sau: dự toán chi đầu tư phát triển 790,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 31% tổng chi ngân sách nhà nước; loại trừ tăng chi tiền lương, thì đạt trên 33% tổng chi phân sách. Theo đánh giá của Chính phủ, đây là mức rất tích cực. Trong đó, dự toán chi đầu tư phát triển của ngân sách trung ương là 315 nghìn tỷ đồng. Dự toán chi đầu tư phát triển của ngân sách địa phương là 475,7 nghìn tỷ đồng.
Dự toán chi trả nợ lãi của trung ương là 107,4 nghìn tỷ đồng; địa phương 3,147 nghìn tỷ đồng, đảm bảo chi trả nghĩa vụ nợ theo quy định.
Dự toán chi thường xuyên ngân sách trung ương là 726 nghìn tỷ đồng. Sau khi đảm bảo chi trả tiền lương và các chính sách xã hội đã ban hành thì tăng khoảng 53 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2024, chỉ đảm bảo một phần nhu cầu đề xuất tăng chi của các bộ, cơ quan.
"Vì vậy, phải ưu tiên bố trí các nhiệm vụ chính trị, đối ngoại, quốc phòng, an ninh, các chế độ, chính sách và nhiệm vụ quan trọng, triệt để tiết kiệm các nhiệm vụ chi thường xuyên khác", Phó Thủ tướng lưu ý.
Phó Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành trung ương phấn đấu giảm tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên tăng thêm so với năm 2024 để giảm bội chi ngân sách, tăng chi các nhiệm vụ cần thiết phát sinh hoặc tăng chi đầu tư công.
Dự toán chi thường xuyên ngân sách địa phương là 828,6 nghìn tỷ đồng, đảm bảo nguồn thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo phân cấp.
Đại diện cơ quan thẩm tra, ông Lê Quang Mạnh, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, nhất trí một số kiến nghị của Chính phủ về việc hạn chế ban hành các chính sách giảm thu ngân sách năm 2025 nhằm đảm bảo huy động đủ ngân sách cho các nhiệm vụ chi. Đồng thời, tán thành chủ trương chưa điều chỉnh tăng lương, trợ cấp; cho phép sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư của trung ương và địa phương để triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát…
Cơ quan thẩm tra cũng đề nghị Chính phủ cần xây dựng dự toán những năm tới sát thực tiễn trên cơ sở năm 2024 thu ngân sách khả năng vượt 10,1% so với dự toán. Đồng thời, cơ quan thẩm tra cũng yêu cầu các địa phương hụt thu ngân sách cần có giải pháp cắt giảm chi, đảm bảo dự toán cuối năm.