Dù giảm và gia hạn thuế gần 90 nghìn tỷ đồng nhưng ngân sách vẫn sớm cán đích
Trong 8 tháng của năm 2024, tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê hỗ trợ doanh nghiệp và người dân ước tính đạt khoảng 89,8 nghìn tỷ đồng nhưng thu ngân sách vẫn tăng 17,8% so cùng kỳ...
Theo Bộ Tài chính, cơ quan thuế, hải quan tiếp tục triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất đã ban hành để hỗ trợ doanh nghiệp và người dân. Tổng số tiền đã miễn, giảm, gia hạn ước tính đến hết tháng 8/2024 khoảng 89,8 nghìn tỷ đồng, trong đó, số tiền miễn, giảm khoảng 60,9 nghìn tỷ đồng và gia hạn khoảng 28,9 nghìn tỷ đồng.
Trong số tiền miễn, giảm nêu trên, có một số chính sách miễn, giảm được ban hành và triển khai trong năm 2023 tiếp tục có hiệu lực trong năm 2024 làm giảm thu khoảng 8,7 nghìn tỷ đồng. Các chính sách được ban hành và có hiệu lực trong năm 2024 giảm thu khoảng 52,2 nghìn tỷ đồng.
Trong 8 tháng của năm 2024, thu ngân sách vẫn duy trì tiến độ thu tốt, đạt 78,5% dự toán và tăng 17,8% cùng kỳ, với 30/63 địa phương thực hiện thu nội địa 8 tháng ước đạt trên 72% dự toán; 53/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ.
Riêng việc thực hiện chính sách giảm 2% thuế giá trị gia tăng một số mặt hàng theo Nghị định số 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023 và Nghị định số 72/2024/NĐ-CP ngày 30/6/2024 của Chính phủ tác động làm giảm số thu thuế giá trị gia tăng 8 tháng đầu năm khoảng 12 nghìn tỷ đồng.
Bên cạnh chi hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, theo Bộ Tài chính, ngân sách trung ương đã chi từ dự phòng 9,8 nghìn tỷ đồng để bổ sung kinh phí thực hiện các nhiệm vụ quốc phòng, an ninh và hỗ trợ cho các địa phương thực hiện một số nhiệm vụ quan trọng, đột xuất, cấp bách; kinh phí phòng, chống dịch bệnh và khôi phục sản xuất sau thiên tai, dịch bệnh.
Tính trong năm 2024, Bộ Tài chính đã tham mưu Chính phủ trình cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất cho doanh nghiệp, người dân với quy mô lên đến gần 200 nghìn tỷ đồng.
Ngay từ đầu năm Quốc hội và Chính phủ đã ban hành chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng (trừ etanol), dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn, mỡ nhờn, dầu hỏa, nhiên liệu bay theo Nghị quyết 42/2023/UBTVQH15 ngày 18/12/2023.
Cùng với đó, giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng đối với một số nhóm hàng hóa dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế giá trị gia tăng 10% từ ngày 1/1/2024 đến 30/6/2024 theo quy định tại Nghị định 94/2023/NĐ-CP ngày 28/12/2023 của Chính phủ.
Trong tháng 6/2024, Chính phủ ban hành 3 nghị định gồm: Nghị định số 64/2024/NĐ-CP gia hạn thời hạn nộp thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất trong năm 2024; Nghị định số 65/2024/NĐ-CP về gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước và Nghị định số 72/2024/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 142/2024/QH15 ngày 29/6/2024 của Quốc hội.
Gần đây nhất, ngày 29/8/2024, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 109/2024/NĐ-CP quy định mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước, với mức giảm lệ phí trước bạ 50% trong 3 tháng, bắt đầu từ ngày 01/9/2024 đến hết ngày 30/11/2024.
Theo tính toán, chính sách có thể làm giảm thu ngân sách nhà nước về lệ phí trước bạ bình quân khoảng 867 tỷ đồng/tháng. Đây là lần thứ 4 ưu đãi lệ phí trước bạ cho ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước được áp dụng. Tuy giảm lệ phí trước bạ song chính sách này dự kiến tăng số lượng tiêu thụ, từ đó làm tăng số thu thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế giá trị gia tăng.
Ngay sau khi Chính phủ ban hành nghị định, Tổng cục Thuế ban hành Công điện số 06/CĐ-TCT ngày 30/8/2024 yêu cầu cục thuế trên toàn quốc thực hiện áp dụng mức thu lệ phí trước bạ đối với ô tô, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước.
Tổng cục Thuế yêu cầu cục thuế chủ động tuyên truyền, phổ biến cho người nộp thuế trên địa bàn, đồng thời chỉ đạo các chi cục thuế trên địa bàn tỉnh, thành phố kịp thời triển khai áp dụng mức thu lệ phí trước bạ theo quy định để góp phần kích thích tiêu dùng, tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh.
Nhiều năm qua, ngành thuế, hải quan đứng trước khó khăn kép do vừa phải triển khai thực hiện tốt các gói chính sách giảm, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất với quy mô lớn, kịp thời đưa chính sách vào cuộc sống, tiếp sức cho doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, vừa phải thực hiện tốt công tác quản lý thu, chống thất thu, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước được giao.
Tuy nhiên, với việc triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý thu, thu ngân sách nhà nước nhiều năm qua vẫn vượt dự toán. Tính trong 8 tháng của năm 2024, thu ngân sách vẫn duy trì tiến độ thu tốt, đạt 78,5% dự toán và tăng 17,8% cùng kỳ, với 30/63 địa phương thực hiện thu nội địa 8 tháng ước đạt trên 72% dự toán; 53/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ.
Trong những tháng cuối năm, ngành tài chính chủ động thực hiện nhiều giải pháp nhằm bù đắp các khoản giảm thu do thực hiện các chính sách trên.