Đưa sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số lên tầm cao mới

Vũ Khuê
Chia sẻ

Thương hiệu trà Shanam được tổ chức Tea Epicure của Hoa Kỳ xếp vào top 1 dòng trà xanh trên thế giới với số điểm là 94/100 điểm. Để một thương hiệu vùng đồng bào dân tộc thiểu số đạt được kỳ tích này không hề dễ dàng…

Thu hái chè Shan tuyết.
Thu hái chè Shan tuyết.

Tại toạ đàm “Đưa sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi lên tầm cao mới” ngày 16/11, bà Phạm Thị Việt Hà, Phó Giám đốc Công ty TNHH Trà và Đặc sản Tây Bắc (chủ thương hiệu trà Shanam) đã chia sẻ về chặng đường xây dựng thương hiệu trà Shanam.

XÂY DỰNG VÀ BẢO VỆ THƯƠNG HIỆU

Bà Hà nhớ lại thời gian đầu khi bắt đầu gây dựng thương hiệu Shanam. Là vùng đất nổi tiếng về chè nhưng nếu gọi chung là thương hiệu trà Tà Xùa thì rất khó để phát triển thành một thương hiệu. Chính vì thế, ngay khi xây dựng nhà máy tại Tà Xùa, trà Shanam đã được gọi tên Shanam có nghĩa là trà shan tuyết Việt Nam. 

“Câu chuyện làm việc với bà con dân tộc từ những ngày đầu còn vất vả hơn nghĩ ra thương hiệu Shanam”, bà Hà nói. Những người công nhân đầu tiên được mời vào trong nhà máy làm việc không biết chữ, cán bộ nhà máy phải dành vài tháng để dạy họ chỉ có mỗi biết ký tên.

Nhưng đến nay, mọi công nhân đều đọc thông viết thạo và thậm chí giao tiếp với người Kinh rất giỏi. Công nhân thu mua chè nguyên liệu, công nhân trong nhà máy và thậm chí là nhân viên văn phòng, nhân viên bán hàng của trà Shanam ở Tà Xùa, Sơn La đều là người dân tộc Mông.

Đưa sản phẩm vùng đồng bào dân tộc thiểu số lên tầm cao mới - Ảnh 1

Doanh nghiệp luôn tâm niệm, khi mình phát triển thì bà con cũng có đời sống tốt hơn. Nên trước tiên phải dạy cho bà con biết yêu cây chè trước. Khi đã yêu cây chè thì dạy họ thu hái làm sao để đúng kỹ thuật, đúng ngày, thu hái làm sao cho phẩm trà tốt nhất.

“Những ngày đầu đi dạy rất bấp bênh, hôm thì bà con bận đi đám cưới, hôm thì bận đi làm nương… nếu như vậy, chè sẽ qua mất ngày thu hoạch tốt. Vì thế, công ty đã bắt tay cùng với địa phương thành lập Hợp tác xã trà Tà Xùa.

Hợp tác xã sẽ đứng lên là nơi thu mua trà, cũng như dạy bà con thu hái những phần trà tốt, đạt tiêu chuẩn. Đồng thời, nhà máy cam kết bao tiêu hết cả vùng nguyên liệu đó với giá hợp lý. Điều này giúp bà con yên tâm gắn bó với công ty”, bà Hà chia sẻ.

Song bà Hà cũng thừa nhận, xây dựng thương hiệu là một chuyện nhưng bảo vệ nó lại là một câu chuyện nữa, nó không phải là chuyện của một người mà là của một chuỗi giá trị. Từ vùng trồng của bà con cho đến công nhân nhà máy, đến đóng gói bao bì rồi bán hàng, hậu mãi, sau khi người tiêu dùng sử dụng xong, họ có phản hồi thì mới kết thúc chu trình thương hiệu. Việc này cần sự tham gia của nhiều bên.

Bà Hà dẫn chứng, Shanam đã đẩy thương hiệu trà Tà Xùa lên một tầm cao mới, rất nhiều người biết đến thương hiệu trà Tà Xùa. Song không phải cứ đến Tà Xùa và mua trà Tà Xùa là đảm bảo chuẩn trà Tà Xùa. Hay gọi là trà cổ thụ nhưng có phải là cổ thụ thật không… lúc này vai trò của thương hiệu rất quan trọng.

Shanam có nhà máy tại Tà Xùa và đã bao tiêu vùng nguyên liệu, có truy xuất nguồn gốc rõ ràng nên đảm bảo khách hàng mua đúng trà có nguồn gốc từ Tà Xùa. Tuy nhiên người tiêu dùng muốn mua sản phẩm chính hãng không biết mua ở đâu, thì đó là một câu chuyện khác về làm thương hiệu.

MỞ RỘNG ĐẦU RA

Không chỉ xây dựng thương hiệu, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Thương hiệu và Cạnh tranh cho rằng muốn lên tầm cao mới thì các sản phẩm phải đáp ứng được với xu hướng tiêu dùng mới.

Đó là xu thế phát triển bền vững, phát triển xanh, bao trùm… đây là áp lực và đòi hỏi của thị trường. “Nếu sản phẩm mang tính nhân văn, trách nhiệm xã hội cao, chữ “xanh” của doanh nghiệp càng đậm thì chắc chắn được thị trường đón nhận”, ông Thành nhận định.

Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập sâu rộng, khi xuất khẩu sang các nước phát triển, nếu không đảm bảo các tiêu chuẩn về môi trường, trách nhiệm xã hội, quản trị thì sản phẩm đó phải chịu thuế cao hơn, thậm chí bị tẩy chay. Và khi các Hiệp hội tiêu dùng tẩy chay thì hậu quả rất nghiêm trọng, sản phẩm không bán được dù thuế vào cửa bằng 0.

Do đó, xây dựng thương hiệu phải bắt đầu bằng câu chuyện văn hoá rất nhân văn, không chỉ là truyền thông mà bắt đầu từ người bảo vệ, từ đồng bào dân tộc họ tham gia vào quá trình sản xuất, từ những lãnh đạo… phải toát lên được các khía cạnh của phát triển bền vững bao trùm.

Để hỗ trợ phát triển sản phẩm, hàng hóa của đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận với thị trường trong nước và quốc tế, bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết Bộ đã có những chương trình hướng dẫn các địa phương khẩn trương tổ chức những hoạt động gắn văn hóa - du lịch với thương mại như các lễ hội, hội chợ … để vừa tôn vinh văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, vừa phát triển và bán được sản phẩm hàng hóa của bà con.

Bên cạnh đó, xây dựng những mô hình thí điểm về hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa cho đồng bào dân tộc thiểu số như mô hình sinh kế cộng đồng. Đưa sản phẩm từ những vùng sâu, vùng xa nhất, khó khăn nhất vào với hệ thống phân phối hiện đại.

Ngoài ra là mô hình thương mại hai chiều: cung cấp những hàng hóa thiết yếu cho bà con ở vùng sâu, vùng xa, đồng thời thu mua lại những sản phẩm hàng hóa cho bà con làm ra để tạo thu nhập cho họ.

Đặc biệt, đào tạo nguồn nhân lực về quản lý nhà nước, về kinh doanh cho bà con dân tộc thiểu số, cho các doanh nghiệp hoạt động tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số để hỗ trợ cho việc tiêu thụ hàng hóa một cách thuận lợi hơn.

Cho biết thêm theo bà Nga, thời gian tới, Bộ Công Thương tiếp tục đồng hành với Ủy ban Dân tộc cũng như là Ban Dân tộc tại các địa phương xây dựng cho được hệ thống chợ của đồng bào dân tộc thiểu số, hoạt động có bản sắc, có hiệu quả kinh tế, hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số…

Hỗ trợ kết nối tiêu thụ cho được sản phẩm của đồng bào dân tộc thiểu số về với miền xuôi, đi được các vùng miền trên toàn quốc và xuất khẩu được ra thị trường nước ngoài.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con