Dùng bằng cấp giả mạo để xin việc vào doanh nghiệp ô tô
Ngày 17/10, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Hải Dương cho biết, đơn vị đang tiến hành điều tra một nhóm các cá nhân có hành vi Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức...
Trước đó, vào tháng 4/2022, Phòng Nhân sự Công ty TNHH Ford Việt Nam, địa chỉ tại phường Tứ Minh, thành phố Hải Dương phát hiện một số nhân viên của công ty có sử dụng một số giấy tờ, bằng cấp giả để ứng tuyển và nộp hồ sơ xin việc.
Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố làm rõ 4 nhân viên của công ty có hành vi Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức và Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, bao gồm: Nguyễn Tiến Tùng (sinh năm 1990), trú tại xã Quang Phục, huyện Tứ Kỳ; Nguyễn Đức Quang (sinh năm 1991), Tạ Văn Tuyền (sinh năm 1997) và Nguyễn Phú Kiều (sinh năm 1994) đều ở xã Hồng Đức, huyện Ninh Giang.
Số giấy tờ giả được các cá nhân làm giả và sử dụng bao gồm: Bằng tốt nghiệp Trung cấp chuyên nghiệp Công nghệ kỹ thuật ô tô; Bằng kỹ sư Kỹ thuật điện, điện tử và Bằng tốt nghiệp Cao đẳng nghề của các trường Đại học Sao Đỏ (Hải Dương), Đại học Công nghiệp Hà Nội và Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (thành phố Hồ Chí Minh).
Qua đấu tranh khai thác, bước đầu các đối tượng khai nhận đã đặt mua số giấy tờ giả trên qua các tài khoản không quen biết trên mạng xã hội với giá giao động từ 2 triệu đến 15 triệu đồng.
Hiện vụ việc đang được Công an thành phố Hải Dương tiếp tục điều tra làm rõ.
Theo quy định, hành vi khách quan trong cấu thành tội này là hành vi “làm” hoặc hành vi “sử dụng” con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan tổ chức. Như vậy, người nào có đủ năng lực trách nhiệm hình sự và có hành vi trên có thể bị xem xét truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 341 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017.
Theo đó, người nào làm giả con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác của cơ quan, tổ chức hoặc sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ giả thực hiện hành vi trái pháp luật, thì bị phạt tiền từ 30 triệu đồng đến 100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 02 năm.
Nếu phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 05 năm: Có tổ chức; phạm tội 02 lần trở lên; làm từ 02 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác đến 05 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm ít nghiêm trọng hoặc tội phạm nghiêm trọng; thu lợi bất chính từ 10 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng; tái phạm nguy hiểm.
Trường hợp phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm: làm 06 con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác trở lên; sử dụng con dấu, tài liệu hoặc giấy tờ khác thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng; thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.
Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 50 triệu đồng.