Dựng rạp đám cưới lấn chiếm lòng đường: "Nhà có việc" nên... "quên" luật
Tháng 10 âm lịch, kéo dài đến Tết Nguyên đán là cao điểm mùa cưới hàng năm. Không ít gia đình vì tiện lợi và tiết kiệm chi phí nên quyết định dựng rạp tổ chức đám cưới trên vỉa hè trước cửa nhà, thậm chí lấn chiếm ra lòng đường, kèm tấm biển thông báo: “Nhà có việc, không đi lối này”!.
Sự việc gia chủ dựng rạp đám cưới lấn chiếm gần như toàn bộ đường giao thông tại huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, khiến các phương tiện ô tô buộc phải đứng chờ hồi cuối tháng 9 vừa qua, sau khi được đăng tải trên mạng xã hội đã thu hút hàng nghìn lượt chia sẻ, bình luận.
Đa số các ý kiến bức xúc trước hành động của gia chủ và cho rằng, không thể viện lý do “cả đời chỉ cưới một lần” để cản trở việc đi lại của hàng nghìn người khác. Một số ý kiến cũng đặt dấu hỏi về trách nhiệm của lực lượng chức năng tại cơ sở khi không có bất kỳ động thái nào để ngăn chặn, xử lý.
Bạn đọc có tên Chí Cường chia sẻ: “Ngày vui của gia đình cũng là ngày mệt mỏi của những người đi ngang qua”.
Bạn đọc Jacqueline Hoàng bức xúc: “Tôi cũng từng gặp cảnh rạp cưới chắn nguyên cả ngõ, kèm dòng chữ “Nhà có việc, vui lòng đi lối khác” như đang ra lệnh với mọi người, rất ức chế mà không làm gì được”.
Trong khi đó, bạn đọc Ngọc Anh lại cho rằng: “Có phản ánh với chủ nhà cũng chỉ nhận lại vài câu “mong thông cảm”. Đấy là đám cưới, còn nếu là đám tang thì không ai dám ý kiến gì luôn, lôi thôi khéo bị đánh”.
Liên quan đến vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ vừa ký công văn, yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến quy định pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ; yêu cầu các tổ chức, cá nhân tuyệt đối không tự ý sử dụng vỉa hè, lòng đường trái quy định để tổ chức các hoạt động không vào mục đích giao thông.
Đến nay, các tỉnh, thành Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng đều đã có văn bản chỉ đạo, thực hiện kể từ 1/11 sẽ xử phạt nghiêm các trường hợp cố tình sử dụng lòng, lề đường để tổ chức các sự kiện (đám hiếu, đám hỷ, khai trương) tiềm ẩn nguy cơ cao mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
Trao đổi với phóng viên, Luật sư Phạm Thị Thu, Giám đốc Công ty Luật số 1 Hà Nội cho rằng, tình trạng dựng rạp cưới hỏi hay ma chay ở vỉa hè, lòng đường không còn quá xa lạ. Tình trạng này xuất hiện ở cả các vùng nông thôn và ở thành thị, tuy nhiên, tần suất nhiều hơn tại các vùng ngoại ô, nông thôn.
“Trước đây, khi kinh tế còn nhiều khó khăn, mật độ dân cư, nhà ở và phương tiện giao thông còn thấp, mỗi khi có tiệc cưới, gia chủ thường mượn nhờ phần đất trước cổng nhà hàng xóm xung quanh để căng rạp ngay tại nhà. Điều này rất phổ biến, mọi người đều thông cảm và giúp đỡ lẫn nhau. Nhưng khi kinh tế khá lên, nhà cửa san sát, xã lên phường, đường sá ngày càng chật hẹp thì điều này không còn phù hợp nữa. Nhiều người cảm thấy bất tiện, ức chế vì rạp đám cưới án ngữ trước cửa nhà, thậm chí bật nhạc, hát hò gây ồn ào đến tận đêm khuya. Các phương tiện giao thông cũng gặp khó khăn khi phải len lỏi qua đám cưới”, luật sư Thu phân tích.
Mặt khác, theo Điều 36 Luật giao thông đường bộ năm 2008 quy định về việc sử dụng đường phố và các hoạt động khác trên đường phố thì lòng đường hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông.
Theo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 11/2010/NĐ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2010 của Chính phủ quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, pháp luật vẫn cho phép sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông, trong đó có trường hợp để tổ chức đám tang, đám cưới, nhưng phải đáp ứng đủ các điều kiện sau: Chỉ được dựng rạp đám cưới, đám ma trên vỉa hè, không được dựng rạp dưới phần lòng đường; Thời gian dựng rạp đám ma, đám cưới trên vỉa hè không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ; Phải đảm bảo các quy định về phần vỉa hè như còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 mét, đủ kết cấu chịu lực. Bên cạnh đó, chủ gia đình phải thông báo với UBND xã, phường, trị trấn sở tại trước khi căng rạp. Việc sử dụng tạm thời một vỉa hè phố để dựng rạp đám cưới, đám ma không được gây mất trật tự, an toàn giao thông…
Như vậy, cả về “lý” và “tình”, hành vi dựng rạp đám cưới dưới lòng đường, gây cản trở giao thông đều không được chấp nhận. Thậm chí, nếu xảy ra tai nạn gây tổn hại sức khỏe, tài sản của người khác, gia chủ có thể phải chịu trách nhiệm hình sự và bồi thường thiệt hại theo quy định.
“Để không gây ảnh hưởng và gây mất trật tự an toàn giao thông, tôi cho rằng, trước khi dựng rạp đám cưới, gia chủ nên có sự tìm hiểu kỹ càng và tuân thủ đầy đủ những hướng dẫn, quy định của pháp về việc sử dụng tạm thời một phần hè phố. Ngoài ra, việc dựng rạp phải bảo đảm an ninh trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm cho việc lưu thông của người và các phương tiện xe cơ giới, không gây tiếng ồn cho các hộ dân xung quanh”, luật sư Thu khuyến cáo.