ETF tái cơ cấu, áp lực bán tăng vọt đợt ATC
Thị trường đánh võng nhiều lần trong suốt phiên do tác động của các giao dịch lướt sóng ngắn hạn. Đặc biệt đợt ATC cả loạt cổ phiếu xuất hiện khối lượng bán tăng đột biến, thậm chí đè VN30-Index giảm 0,12%, còn VN-Index mất gần hết đà tăng. Tuy nhiên đây chỉ là các giao dịch mang tính thời điểm của các quỹ ETF nội...
Thị trường đánh võng nhiều lần trong suốt phiên do tác động của các giao dịch lướt sóng ngắn hạn. Đặc biệt đợt ATC cả loạt cổ phiếu xuất hiện khối lượng bán tăng đột biến, thậm chí đè VN30-Index giảm 0,12%, còn VN-Index mất gần hết đà tăng. Tuy nhiên đây chỉ là các giao dịch mang tính thời điểm của các quỹ ETF nội.
Ngoài đợt sụt giảm ATC, thị trường phiên này thận trọng hơn đáng kể. Cả buổi sáng VN-Index “ngụp lặn” dưới tham chiếu và đầu phiên chiều tạo đáy giảm 0,41%. Đây không phải là sức ép hạn chế từ các trụ mà quả thực thị trường cũng đã xuất hiện áp lực bán.
Sau 2,5 phiên tăng tích cực, khá nhiều cổ phiếu đem lại biên lợi nhuận ngắn hạn rất tốt. Đó là chưa kể tới nhiều cổ phiếu còn tạo đáy trước cả VN-Index, nghĩa là được lợi thêm về biên độ và thời gian theo xu hướng chung của thị trường trong 2 ngày qua. Lúc này thị trường vẫn chưa chắc chắn về khả năng tạo đáy, thậm chí mối nghi ngờ còn lên cao rằng đây chỉ là một nhịp bull-trap. Do đó lợi nhuận tốt chính là động lực để các nhà đầu cơ chốt lời thu tiền về.
Độ rộng thị trường xác nhận yếu tố chốt lời ngắn hạn rất rõ. Sau nhịp tăng theo quán tính trong nửa đầu phiên sáng, từ khoảng 10h20 trở đi độ rộng của VN-Index đã cân bằng tăng giảm. Đến đầu phiên chiều khi thị trường chạm đáy, chỉ số chỉ còn 151 mã tăng/343 mã giảm. Lực cầu bắt đáy xuất hiện sau đó cải thiện giao dịch, thanh khoản tăng dần lên và độ rộng cũng tốt hơn. Đến phút cuối của đợt khớp lệnh liên tục, VN-Index đã tăng 6,27 điểm và có 259 mã tăng/264 mã giảm. Đợt ATC áp lực bán tăng, chỉ số rơi trở lại sát tham chiếu, độ rộng là 253 mã tăng/280 mã giảm.
Giao dịch đợt ATC khiến nhiều cổ phiếu biến động rất mạnh, nhất là các blue-chips. VIC bị đánh sập xuống sát tham chiếu, chỉ còn tnăg 0,36% dù ngay phút trước đó tăng 1,09%. SSB xuất hiện giao dịch tới 1,16 triệu cổ, giá kéo sập giảm 6,36%. VPB giao dịch ATC gần 7,82 triệu cổ, giá đang xanh 0,49% thành giảm 2,46%. FPT khs 3,24 triệu cổ, giá bị ép giảm 2,25%... VN-Index phải trả lại gần 5 điểm ở đợt ATC và VN30 mất 5,3 điểm thành giảm.
Việc dồn lệnh đợt ATC là đặc trưng của các giao dịch ETF. Chỉ riêng VN30 ở đợt này đã khớp tới trên 1.300 tỷ đồng. Điểm lợi của đợt tái cơ cấu là thúc đẩy thanh khoản tăng tốt hơn vì trong phiên, giao dịch đã chậm lại đáng kể. Nhờ đó tổng giá trị khớp lệnh HoSE hôm nay tăng nhẹ 4% so với phiên trước đạt khoảng 14.323 tỷ đồng, duy trì được mức tăng thanh khoản. Điểm bất lợi dĩ nhiên là áp lực tăng cao trong thời gian ngắn khiến giá chịu tác động. Đặc biệt với nhóm Vn30, độ rộng chỉ còn 10 mã tăng/17 mã giảm và chỉ số giảm 0,12% trong khi VN-Index vẫn còn tăng 0,12%. Dù vậy các giao dịch ETF chỉ mang tính thời điểm, không phải là áp lực bán lâu bền.
Trong trạng thái độ rộng cân bằng, sự phân hóa về sức mạnh là rõ ràng. Khoảng 90/253 cổ phiếu vẫn tăng trên 1% phiên. 16 cổ phiếu trong nhóm này thanh khoản trên 100 tỷ đồng và thanh khoản của cả nhóm chiếm 35% tổng khớp sàn HoSE. DIG, MWG, NVL, VHM, VRE, HSG, HDB, CII, VCG, TCB, CTD là các mã thanh khoản trên 200 tỷ đồng. Phía ngược lại, 95/280 mã giảm trên 1% và thanh khoản nhóm này chiếm 23% sàn. Có 11 cổ phiếu trong nhóm giảm này thanh khoản trên 100 tỷ đồng. STB, FPT, GEX, VPB, MBB là các mã giao dịch nhiều nhất, thanh khoản đều trên 200 tỷ. Nhiều cổ trong số này có giao dịch của quỹ ETF.
Phiên chững lại đà tăng và nhiều mã quay đầu giảm hôm nay không có gì bất ngờ. Ngoài yếu tố tái cơ cấu ETF, giao dịch ngắn hạn xuất hiện của các nhà đầu tư chuộng giải pháp an toàn. Hiện thanh khoản vẫn chưa có gì nổi bật, thậm chí tính chung cả ngày, giá trị khớp lệnh 2 sàn niêm yết còn tăng chưa tới 1% so với hôm qua. Do đó việc tái cơ cấu danh mục hay tranh thủ lướt sóng giảm giá vốn là chiến lược bình thường.