EU cứng rắn với Trung Quốc về thương mại giữa lúc ông Tập thăm Pháp
Lãnh đạo châu Âu tuyên bố sẽ sẵn sàng triển khai tất cả các công cụ sẵn có nếu Trung Quốc không cho phép tiếp cận thị trường một cách bình đẳng...
Liên minh châu Âu (EU) sẵn sàng triển khai tất cả các công cụ sẵn có để bảo vệ các nền kinh tế thành viên nếu Trung Quốc không tạo ra sự tiếp cận bình đẳng với thị trường nước này - Chủ tịch Uỷ ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen tuyên bố ngày thứ Hai sau khi hội đàm với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Paris.
Theo tin từ Bloomberg, bà von der Leyen nói thêm rằng hàng hoá Trung Quốc được hưởng mức trợ cấp lớn như ô tô điện và thép đang tràn ngập thị trường châu Âu và thế giới không thể hấp thụ sản lượng dư thừa của Trung Quốc.
Ngày thứ Hai, người đứng đầu EC đã có cuộc gặp với Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và ông Tập, người đang có chuyến thăm cấp nhà nước đến Pháp trước khi lên đường công du Serbia và Hungary. Đây là chuyến thăm châu Âu đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc trong 5 năm qua.
CHÂU ÂU NGÀY CÀNG CỨNG RẮN VỀ THƯƠNG MẠI
“Để thương mại được bình đẳng, việc mỗi bên tiếp cận thị trường của bên kia cũng cần sự có đi có lại. Chúng tôi đã thảo luận về việc làm thế nào để đạt được tiến bộ thực sự về tiếp cận thị trường. Tôi vẫn tin tưởng rằng sẽ có những bước tiến. Cùng với đó, chúng tôi sẵn sàng sử dụng triệt để các công cụ phòng hộ thương mại nếu việc đó là cần thiết”, bà von der Leyen nói.
EU đang ngày càng cứng rắn hơn trong quan hệ thương mại với Trung Quốc, có chung mối lo ngại với Mỹ về tình trạng dư thừa công suất do nhà nước khuyến khích trong ngành công nghiệp xanh của Trung Quốc. Những lời cảnh báo đã biến thành hành động khi EU tiến hành một cuộc điều tra về trợ cấp xe điện của Trung Quốc vào năm ngoái và đang cân nhắc áp dụng từ tháng 7 năm nay các mức thuế mới lên xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc. Ngoài ra, EU cũng đang xem xét kỹ lưỡng các ngành công nghiệp khác của Trung Quốc như năng lượng gió, năng lượng mặt trời và đường sắt.
Theo bà von der Leyen, EU có thể triển khai các công cụ bao gồm Công cụ mua sắm quốc tế (IPI) được thiết lập vào năm 2022, mới được sử dụng lần đầu tiên vào tháng trước để khởi động cuộc điều tra nhằm vào nguồn cung ứng thiết bị y tế của Trung Quốc. Cuộc điều tra này có thể dẫn tới việc EU hạn chế khả năng tiếp cận đấu thầu của Trung Quốc nếu nhận thấy thiếu sự có đi có lại.
“Châu Âu không thể chấp nhận những hành vi bóp méo thị trường có thể dẫn tới phi công nghiệp hoá”, bà von der Leyen phát biểu.
Về phần mình, Trung Quốc phủ nhận những cáo buộc cho rằng nước này tạo ra tình trạng dư thừa công suất, đồng thời tố ngược EU theo đuổi chủ nghĩa bảo hộ. Theo thông tấn Trung Quốc Tân Hoa Xã, ông Tập đã nhắc lại quan điểm như vậy trong các cuộc đàm phán với ông Macron và bà von der Leyen, nói rằng Trung Quốc chẳng hề có vấn đề gì về công suất xét từ góc độ lợi thế so sánh hoặc nhu cầu thị trường toàn cầu.
Pháp là một quốc gia đi đầu trong cách tiếp cận cứng rắn hơn của EU trong lĩnh vực thương mại. Trong bài phát biểu hồi tháng trước về tầm nhìn của mình về tương lai châu Âu, ông Macron kêu gọi EU nỗ lực nhiều hơn nữa để triển khai chính sách trợ cấp tương xứng như chính sách của Mỹ và đưa ra các ưu đãi dành cho các ngành công nghiệp nội địa của khu vực trong các lĩnh vực chiến lược bao gồm trí tuệ nhân tạo và công nghệ xanh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Bruno Le Maire cho biết những thay đổi này đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên “toàn cầu hóa vui vẻ” và giờ là lúc EU phải thể hiện sự cứng rắn của mình. Phát biểu tại một cuộc gặp của các lãnh đạo doanh nghiệp Pháp và Trung Quốc trong khuôn khổ chuyến thăm của ông Tập, ông Le Maire cho biết việc đạt được sự cân bằng trong quan hệ thương mại giữa hai bên vẫn còn rất xa, vì chỉ riêng Pháp đã có thâm hụt thương mại 46 tỷ euro, tương đương 49,6 tỷ USD, với Trung Quốc.
PHÁP VẪN CẦN VỐN ĐẦU TƯ TRUNG QUỐC
Đáp lời Bộ trưởng Pháp, ông Yu Yuantang, Vụ trưởng Vụ châu Âu thuộc Bộ Thương mại Trung Quốc, cho biết Trung Quốc không bao giờ theo đuổi sự mất cân bằng. “Chúng tôi chỉ tin rằng khi hai nước tiến hành thương mại, chúng tôi phát huy được lợi thế cạnh tranh của mình thì doanh nghiệp chúng tôi có thể giao dịch trong một môi trường cởi mở, công bằng, ổn định và không phân biệt đối xử”, ông Yu nói.
Trung Quốc không chấp nhận đứng yên khi châu Âu trở nên quyết đoán hơn. Tháng 1 năm nay, Bắc Kinh đã tiến hành một cuộc điều tra chống bán phá giá đối với các sản phẩm rượu, một động thái có thể gây thiệt hại lớn đối với nhà sản xuất rượu cognac của Pháp. Về phía các nhà sản xuất rượu cognac Pháp, họ đã lên tiếng kêu gọi một thỏa thuận để giải quyết vấn đề trong chuyến thăm của ông Tập, nhấn mạnh rằng ngành này đang tạo ra 70.000 việc làm trực tiếp và gián tiếp trong nước.
“Các hành động của EC gửi đi những tín hiệu tiêu cực và sai lầm, gây lo lắng cho các doanh nghiệp ở Trung Quốc và EU, đồng thời gây ra tác động tiêu cực đến quan hệ thương mại”, ông Yu nói.
Bà von der Leyen nói bà khuyến khích chính phủ Trung Quốc giải quyết “tình trạng dư thừa công suất mang tính cấu trúc”, khi Trung Quốc “tiếp tục hỗ trợ ồ ạt cho lĩnh vực sản xuất” mà nhu cầu trong nước không tăng. “Một Trung Quốc thực hiện luật chơi bình đẳng sẽ tốt cho tất cả chúng ta. Đồng thời, châu Âu sẽ không dao động trong việc đưa ra những quyết định cứng rắn cần thiết để bảo vệ nền kinh tế và an ninh của mình”, Chủ tịch EC nhấn mạnh.
Ngay trước khi ông Tập đến điện Elysee vào thứ Hai, ông Le Maire đã ký một thoả thuận với ngành ô tô của Pháp, nhằm bảo vệ và đẩy mạnh sản xuất xe điện trên đất Pháp. Tuy nhiên, trong chuyến thăm của ông Tập, ông Macron cũng tìm cách cân bằng những bất đồng song phương bằng sự thân thiện, vì Pháp đang muốn thu hút vốn đầu tư Trung Quốc mà nước này cần để thúc đẩy ngành công nghiệp ô tô trong nước.
Phát biểu trước sự hiện diện các đại diện của ngành ô tô Pháp, ông Le Maire cho biết Chính phủ Pháp ủng hộ việc hãng xe điện BYD của Trung Quốc mở nhà máy tại Pháp, giống như Toyota của Nhật Bản trước đây. “BYD được chào đón ở Pháp và ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc cũng được chào đón ở Pháp”, vị Bộ trưởng nói.