EU giữ nguyên thời hạn cấm bán ô tô chạy bằng xăng mới vào năm 2035
Theo các tài liệu nội bộ, Brussels vẫn bám sát các kế hoạch gây tranh cãi của mình về việc hạn chế động cơ đốt trong tại EU từ năm 2035, bất chấp áp lực lớn từ ngành công nghiệp ô tô nhằm “làm loãng” các quy định sắp tới.
Người đứng đầu về khí hậu của khối là Wopke Hoekstra đang phải đối mặt với các phiên điều trần của quốc hội vào tháng tới và cho biết EU "không thể và không nên hủy bỏ" kế hoạch cấm bán ô tô mới chạy bằng nhiên liệu hóa thạch.
Luật được công bố vào năm 2021 đã bị các nhà sản xuất ô tô châu Âu chỉ trích khi họ phải vật lộn với doanh số bán xe điện đang giảm sút và sự cạnh tranh gay gắt từ các nhà sản xuất Trung Quốc.
Ngoại trừ Renault, tất cả các nhà sản xuất ô tô lớn của châu Âu đều đã đưa ra cảnh báo về lợi nhuận trong năm nay.
Volkswagen, công ty sử dụng lao động tư nhân lớn nhất của Đức, đang cân nhắc đóng cửa các nhà máy tại Đức lần đầu tiên trong lịch sử 87 năm của mình, công ty cho biết vào tháng trước.
Cơ quan công nghiệp ACEA cũng cảnh báo rằng ngành này có thể phải đối mặt với hàng triệu euro tiền phạt khi các quy định chặt chẽ hơn có hiệu lực vào năm tới nhằm cắt giảm 15% tổng lượng khí thải từ ô tô tại châu Âu so với mức cơ sở năm 2021.
Italia đã kêu gọi Ủy ban châu Âu hoãn lệnh cấm, Pháp đang tìm kiếm "sự linh hoạt" hơn trong cách áp dụng lệnh cấm, trong khi chính phủ liên minh của Đức ủng hộ việc giữ lại động cơ đốt trong cho những chiếc ô tô chạy bằng nhiên liệu thay thế, thân thiện với môi trường.
Adolfo Urso, bộ trưởng công nghiệp Itlia, đã cảnh báo vào tháng trước rằng lệnh cấm động cơ đốt trong năm 2035 đe dọa đến "cuộc khủng hoảng" đối với ngành sản xuất ô tô của châu Âu.
Tuy nhiên, bản tóm tắt của Hoekstra lập luận rằng các quy định mới tạo ra "khả năng dự đoán cho các nhà đầu tư và nhà sản xuất" và rất cần thiết để khối này đạt được mục tiêu giảm lượng khí thải CO₂, cũng như "tăng cường khả năng cạnh tranh của ngành công nghiệp ô tô EU".
Julia Poliscanova, giám đốc cấp cao của tổ chức phi chính phủ Transport & Environment, chỉ ra rằng sẽ không có động lực nào để xây dựng các nhà máy sản xuất pin nếu lệnh cấm bị đẩy lùi.
Bà cho biết: "Thay vì làm suy yếu nó, các nhà sản xuất ô tô nên tập trung vào những cách mà châu Âu có thể giúp xây dựng một ngành công nghiệp xe điện cạnh tranh, chẳng hạn như quỹ pin của EU và các chính sách khen thưởng cho hoạt động sản xuất sạch, tại địa phương".
Leonore Gewessler, Bộ trưởng khí hậu và năng lượng của Áo, nói với tờ Financial Times rằng "tương lai của ngành công nghiệp ô tô là điện". Bà cho rằng châu Âu không thể để tụt hậu về công nghệ này, giống như cách họ đã làm với điện thoại thông minh mặc dù họ có một nhà vô địch điện thoại di động ban đầu là Nokia của Phần Lan.
Áp lực tìm kiếm sự linh hoạt hơn trong các quy tắc xuất hiện trong bối cảnh làn sóng lo ngại rộng rãi hơn về việc thực hiện luật khí hậu Thỏa thuận Xanh đầy tham vọng của EU, nhằm thúc đẩy khối này cắt giảm 55% lượng khí thải vào năm 2030 và đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
Đầu tháng này, Brussels cho hay họ có kế hoạch trì hoãn luật phá rừng gây nhiều tranh cãi của mình thêm một năm trong bối cảnh chịu áp lực từ cả các đối tác thương mại và chính phủ EU.
Một nhà ngoại giao cấp cao của EU tiết lộ khối này cần có "các cuộc thảo luận trung thực" về khả năng của các quốc gia trong việc đạt được các mục tiêu năm 2030 của EU.
Lệnh cấm động cơ đốt trong dự kiến sẽ là một chủ đề gây tranh cãi tại các phiên điều trần tại quốc hội châu Âu trước khi nhóm ủy viên mới có thể nhậm chức.
Nhóm có ảnh hưởng có trụ sở tại Brussels – bao gồm các thành viên là BMW, Ford, Renault, Volkswagen và Volvo – đã cảnh báo vào ngày 19 tháng 8 vừa qua rằng số lượng đăng ký ô tô mới đã giảm xuống dưới 644.000 vào tháng 8, giảm hơn 18% so với cùng kỳ năm 2023. Doanh số bán ô tô điện chứng kiến mức giảm theo tỷ lệ lớn nhất, với thị phần giảm gần một phần ba so với mức 21% được ghi nhận vào năm ngoái.
"Chúng ta đang thiếu các điều kiện quan trọng để đạt được sự thúc đẩy cần thiết trong sản xuất và áp dụng các loại xe không phát thải đó là cơ sở hạ tầng sạc và nạp hydro, cũng như môi trường sản xuất cạnh tranh, năng lượng xanh giá cả phải chăng, các ưu đãi về mua và thuế, và nguồn cung cấp nguyên liệu thô, hydro và pin an toàn", ACEA cho biết.
Hiện tại, các nhà sản xuất ô tô phải đảm bảo rằng lượng khí thải của tất cả các ô tô mà họ bán trong một năm nhất định trung bình không quá 115,1 gam trên một km và giới hạn này sẽ được thắt chặt xuống còn 93,6 gam vào năm tới - một con số sẽ khó đạt được hơn khi doanh số bán xe điện giảm trong một thị trường ngày càng bị thống trị bởi các mẫu SUV lớn hơn.
Đối mặt với cái mà họ gọi là "viễn cảnh đáng sợ của khoản tiền phạt lên tới hàng tỷ euro" vào năm tới, ACEA đã thúc giục EU thực hiện "các biện pháp cứu trợ khẩn cấp". Nhưng Ủy ban Châu Âu dường như tin rằng ít nhất một phần lỗi cho tình trạng khó khăn của mình là do chính ngành công nghiệp ô tô.
"Vẫn còn 15 tháng bán ô tô ở phía trước và ngành công nghiệp có thời gian để đạt được mục tiêu của mình", một phát ngôn viên của Ủy ban nói. "Cũng đáng để nhắc lại rằng mục tiêu cho năm 2025 đã được thống nhất vào năm 2019 và chúng tôi đã thiết kế các chính sách này theo cách mà ngành công nghiệp có thời gian để thích ứng".