Eurasia: Chính sách "zero Covid" của Trung Quốc là rủi ro chính trị lớn nhất năm 2022
Chiến lược chống dịch nghiêm ngặt “không Covid” (zero Covid) của Trung Quốc là một trong 10 rủi ro chính trị hàng đầu trong năm 2022, với những tác động có thể lan rộng khỏi biên giới nước này - theo dự báo của hãng tư vấn và nghiên cứu rủi ro chính trị Eurasia...
"Trung Quốc đang ở trong tình tế khó khăn nhất do chính sách ‘không Covid’ – vốn được xem là thành công vượt bậc vào năm 2020 - giờ đây trở thành cuộc chiến chống lại các biến thể lây lan mạnh hơn nhiều, bằng những biện pháp phong tỏa trên diện rộng nhưng mang lại hiệu quả hạn chế”, Chủ tịch, người sáng lập Eurasia Group Ian Bremmer phân tích khi nói về những rủi ro chính trị mà chính trị công ty tư vấn này cho là lớn nhất trong năm nay.
Theo ông Bremmer, chính sách của Trung Quốc sẽ không thể kiềm chế được biến thể Omicron, dẫn tới các đợt bùng phát dịch lớn hơn và phải áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt hơn.
"Hệ quả sẽ là những gián đoạn kinh tế nghiêm trọng hơn, sự can thiệp nhiều hơn của chính phủ và dân chúng bất mãn hơn, đi ngược với tuyên bố ‘Trung Quốc đánh bại Covid’ trên các kênh truyền thông nhà nước của quốc gia này”, ông Bremmer nhận xét.
Chủ tịch Eurasia nhận định Chính phủ Trung Quốc đã quá sa đà vào chính sách “không Covid”, đến mức khó có thể điều chỉnh ở thời điểm hiện tại.
"Thành công ban đầu của ‘không Covid’ khiến Bắc Kinh khó có thể thay đổi”, ông Bremmer viết trong báo cáo về rủi ro chính trị hàng đầu năm 2022 của Eurasia.
Ngoài vấn đề Trung Quốc, Eurasia cũng nêu rõ sức ảnh hưởng ngày càng lớn của các hãng công nghệ, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ, và sự dịch chuyển toàn cầu từ nguyên liệu hóa thạch sang năng lượng tái tạo là những rủi ro hàng đầu cần quan sát trong năm nay.
Trong đó, “thế giới tập trung vào công nghệ” - với việc các công ty công nghệ lớn vừa kiến tạo vừa thực thi trên không gian kỹ thuật số - được xem là rủi ro lớn thứ hai.
“Nhiều phần quan trọng trong cuộc sống hàng ngày của mọi người và một số chức năng thiết yếu của các cơ quan nhà nước ngày càng số hóa, với tương lai được định hình bởi các hãng công nghệ cũng như những dự án chuỗi khối phi tập trung”, Eurasia phân tích.
Công ty tư vấn này cho rằng các chính sách của chính phủ, như một số luật mới tại Liên minh châu Âu (EU) nhằm kiểm soát hoạt động kinh doanh của các hãng công nghệ lớn, sẽ không mấy hiệu quả trong việc giảm sức ảnh hưởng của những công ty này.
“Giống như một quốc gia phát triển nhanh nhưng không có chuyên môn để giáo dục công dân hoặc đảm bảo an toàn cho họ, các công ty công nghệ lớn không có năng lực và lợi ích để quản lý những công cụ mà họ tạo ra”, Eurasia cảnh báo. “Việc các gã công nghệ khổng lồ quản lý kém hiệu quả sẽ gây tổn hại cho xã hội và doanh nghiệp, bao gồm tin tức sai lệch ngày càng tồi tệ và việc mất lòng tin vào các thể chế dân chủ”.
Về cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ tại Mỹ, Eurasia nhận định đây sẽ là “điểm bùng phát” mang tính lịch sử. Hãng này dự báo đảng Cộng hòa gần như chắc chắn sẽ giành lại quyền kiểm soát đa số tại Hạ viện.
“Dù sẽ không gây ra khủng hoảng ngay lập tức, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ là một chỉ báo quan trọng cho cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm 2024, trong bối cảnh cựu Tổng thống Donald Trump đã phát tín hiệu tái tranh cử”, Eurasia nhận định. “4 năm đầy thử thách dưới thời Tổng thống Joe Biden có thể mang lại cho ông Trump đủ số phiếu bầu để đánh bại tổng thống đương nhiệm hoặc một ứng viên đảng Dân chủ khác”.
Eurasia cho rằng việc ông Trump trở lại tranh cử - dù thắng hay thua - cũng có thể gây ra những bất ổn lớn hơn nữa trong nội bộ nước Mỹ và trên toàn cầu.
Ngoài ra, các rủi ro chính trị hàng đầu cũng bao gồm vấn đề liên quan tới Nga – với việc Moscow triển khai quân đội gần Ukraine, làm gia tăng căng thẳng với Mỹ, và Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia đang đối mặt tình trạng lạm phát gia tăng và bất ổn đồng nội tệ.