FED chuẩn bị tăng lãi suất: Tỷ giá VND/USD vẫn nằm sâu dưới trần biên độ
Giá USD bán ra tại Ngân hàng Nhà nước và ngân hàng thương mại vẫn nằm sâu dưới trần biên độ, dù CPI của Mỹ tăng và các đồng tiền chủ chốt giảm giá so với USD...
Tuần trước, số liệu lạm phát của Mỹ được công bố đã đã gây biến động lớn đối với thị trường ngoại hối quốc tế cũng như Việt Nam.
Trái với dự báo giảm nhẹ 0,1%, chỉ số giá tiêu dùng CPI của Mỹ trong tháng 8 bất ngờ tăng 0,1% so với tháng trước. CPI cơ bản thậm chí ghi nhận mức tăng mạnh 0,6% so với tháng trước, cao hơn mức tăng 0,3% theo dự báo.
Giới phân tích nhận định, các dữ liệu về lạm phát vẫn đang trên đà tăng trên phạm vi rộng và dài hơn dự báo và sẽ tác động mạnh tới các quyết định về chính sách tiền tệ của Fed.
Theo đó, gần như ngay lập tức, thị trường bắt đầu định giá việc Fed sẽ tăng tới 1,0 điểm phần trăm trong các cuộc họp tiếp theo và nâng mức lãi suất kỳ vọng lên 4,5%- 5,0%, từ mức 4,0% trước đó. Theo dự báo của CME Group, có 80% khả năng Fed sẽ tăng thêm 75 điểm cơ bản và 20% khả năng tăng tới 100 điểm cơ bản trong cuộc họp lần này.
Bởi vậy, đồng USD tăng mạnh trong tuần trước, với mức tăng 0,7% của chỉ số DXY. Kéo theo các đồng tiền chủ chốt khác đều giảm giá so với USD như GBP: - 1,46%; EUR: -0,26%, JPY: -0,32%. Đồng tiền của các quốc gia trong khu vực cũng giảm mạnh như TWD: -1,37%, THB: -1,24%, PHP: -1,03% và MYR - 0,83%…
Tương tự, tỷ giá USD/VND trong tuần trước cũng ghi nhận mức tăng mạnh. Tỷ giá niêm yết tại Vietcombank tăng 90 VND cho cả 2 chiều mua vào/bán ra trong khi tỷ giá trên thị trường liên ngân hàng đóng tuần ở mức 23.650 VND, tương đương tăng 0,57% so với cuối tuần trước.
Một câu hỏi đặt ra, với diễn biến như trên, tỷ giá USD/VND đang rất nóng?
Theo các chuyên gia, mỗi khi cầu ngoại tệ trên thị trường thực sự nóng và khan cung thực sự, giá USD trên biểu niêm yết của các ngân hàng thương mại lập tức kịch trần biên độ. Đồng thời, giá bán USD can thiệp của Ngân hàng Nhà nước cũng tiến sát mức trần biên độ.
Điển hình như giai đoạn tháng 8/2018, giá bán ra tại ngân hàng thương mại đã có khoảng thời gian dài nương theo trần biên độ được phép giao dịch với mức chênh lệch thường xuyên dưới 10 VND trong khi giá bán USD cũng duy trì thấp hơn trần biên độ 50 VND.
Hiện tại, chốt phiên ngày 20/9, tỷ giá trung tâm đang ở vùng giá 23.301 VND và với biên độ giao động tỷ giá +/-3% thì mức trần giao dịch được phép là 24.000 VND. Trong khi đó, giá bán ra tại ngân hàng thương mại dừng ở 23.810 VND và giá bán USD của Sở Giao dịch Ngân hàng Nhà nước vẫn ở mức 23.700 VND, tương đương thấp hơn lần lượt 190 VND và 300 VND so với trần biên độ.
Do các loại tỷ giá đang nằm sâu dưới mức trần biên độ mà Ngân hàng Nhà nước đang điều hành; vì vậy, có thể nhận định rằng tỷ giá USD/VND vẫn chưa thực sự căng thẳng.
Bên cạnh đó, theo giới chuyên môn, cầu ngoại tệ cũng chưa có biểu hiện tăng mạnh. Điều này thể hiện ở việc các ngân hàng thương mại chưa đẩy mạnh giá mua vào USD như thường thấy ở các đợt căng thẳng trước. Thậm chí, biên độ giá mua vào và bán ra được mở rộng lên tới 300 VND, cho thấy trạng thái phòng vệ rủi ro khi tỷ giá đi xuống.
Tại báo cáo mới đây, Công ty Chứng khoán SSI cho rằng, trong phần còn lại của năm 2022, sức ép lên tỷ giá vẫn còn; tuy nhiên, có thể tình hình sẽ dịu bớt vào cuối năm khi đà tăng lãi suất của FED được dự báo đi vào giai đoạn cuối và rủi ro về tăng trưởng/lạm phát của kinh tế thế giới sẽ được nhìn nhận rõ ràng hơn. Đồng thời, tỷ giá USD/VND sẽ được hỗ trợ bởi nguồn cung ngoại tệ tích cực, đến từ cán cân thương mại và kiều hối.
Mặt khác, Ngân hàng Nhà nước vẫn đang tỏ ra khá linh hoạt trong việc điều tiết thanh khoản hệ thống. Riêng trong tuần trước, nhà điều hành tiền tệ đã hút ròng tổng cộng 59,6 nghìn tỷ đồng thông qua kênh hoạt động thị trường mở. Nhờ vậy, trên thị trường liên ngân hàng, mặt bằng lãi suất VND kỳ hạn qua đêm giữ ổn định quanh mức 4,5%/năm, cao hơn mức 2,47% của đồng USD tại cùng kỳ hạn.
“Chúng tôi cho rằng Ngân hàng Nhà nước đang có xu hướng điều tiết thanh khoản trên hệ thống ngân hàng duy trì ở mức vừa đủ, không còn quá dồi dào như giai đoạn năm 2020-2021 nhằm duy trì mặt bằng lãi suất liên ngân hàng VND phù hợp và có mức chênh lệch hợp lý với lãi suất USD, giảm thiểu áp lực lên tỷ giá”, nhóm nghiên cứu tại SSI nhận định.