Fed dự báo hạ cánh mềm, giữ triển vọng giảm lãi suất 3 lần trong năm 2024
Lần họp này của Fed, tâm điểm chú ý hướng vào báo cáo kinh tế cập nhật hàng quý...
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell ngày 20/3 nói rằng các báo cáo lạm phát nóng gần đây không làm thay đổi xu hướng áp lực giá cả giảm dần ở Mỹ. Ngân hàng trung ương này cũng duy trì ý định cắt giảm lãi suất 3 lần trong năm nay và khẳng định nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ duy trì được sự tăng trưởng vững vàng.
Hoàn tất cuộc họp chính sách tiền tệ kéo dài hai ngày, Fed giữ nguyên lãi suất quỹ liên bang ở mức cao nhất 23 năm là 5,25-5,5%, một quyết định không nằm ngoài dự báo trước đó của giới quan sát.
Lần họp này của Fed, tâm điểm chú ý hướng vào báo cáo kinh tế cập nhật hàng quý. Trong báo cáo này, giới chức Fed dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ sẽ đạt mức tăng trưởng 2,1% trong năm nay, cao gấp rưỡi so với mức dự báo tăng 1,4% đưa ra trong lần cập nhật vào tháng 12 năm ngoái, đồng thời cao hơn so với tiềm năng tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế.
Cùng với đó, tỷ lệ thất nghiệp được dự báo chỉ tăng lên mức 4% vào cuối năm, hầu như không thay đổi nhiều so với mức 3,9% hiện nay.
Trong khi đó, chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) - thước đo lạm phát mà Fed ưa chuộng - được dự báo tiếp tục giảm tốc, dù đà giảm có chậm lại, để kết thúc năm 2024 ở mức 2,6%. Mức dự báo lạm phát này cao hơn con số 2,4% mà Fed đưa ra hồi tháng 12/2023.
Trong bối cảnh lãi suất được cho là sẽ giảm, những dự báo trên cho thấy giới chức Fed lạc quan về nền kinh tế, kỳ vọng sẽ có được một cuộc “hạ cánh mềm” sau một thời kỳ tăng trưởng nóng hậu đại dịch Covid-19 với mức lạm phát lập đỉnh của hơn 4 thập kỷ. “Các hoạt động kinh tế vẫn đang mở rộng với một nhịp độ vững vàng. Tăng trưởng việc làm còn mạnh và tỷ lệ thất nghiệp giữ ở mức thấp”, Fed nói trong tuyên bố nhận được sự đồng tình của tất cả các thành viên Uỷ ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) - bộ phận ra quyết sách của Fed.
Dù vậy, ông Powell nói các dữ liệu lạm phát nóng hơn dự báo gần đây khiến Fed thận trọng hơn về việc áp lực giá cả có tiếp tục dịu đi hay không.
Tại họp báo sau cuộc họp của Fed, ông Powell nói thời điểm giảm lãi suất sẽ tuỳ thuộc vào việc khi nào các nhà hoạch định chính sách tiền tệ cảm thấy tin tưởng hơn rằng lạm phát sẽ tiếp tục giảm về mục tiêu 2% một cách bền vững ngay cả khi nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng vượt kỳ vọng.
Fed nhận thấy các báo cáo lạm phát từ đầu năm đến nay phản ánh áp lực giá cả vẫn còn cao, nhưng “chưa làm thay đổi thực sự câu chuyện chung mà trong đó lạm phát vẫn đang giảm dần - trên một con đường đôi khi gập ghềnh - về ngưỡng 2%” - ông Powell nói.
Tuy nhiên, ông Powell nhấn mạnh rằng “tôi không nghĩ những báo cáo đó làm gia tăng sự tin tưởng về giảm lạm phát” - một phát biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của các báo cáo sắp tới trong việc xác định áp lực giá cả có tiếp tục dịu đi hay không.
Chủ tịch Fed nói nếu áp lực giá cả không giảm thêm, Fed sẽ duy trì lãi suất cao trong thời gian cần thiết. Khi được hỏi về phát biểu gần đây của ông trước Quốc hội Mỹ rằng Fed “không còn xa” đến chỗ có được sự tin tưởng cần thiết để cắt giảm lãi suất, ông Powell đã tránh nhắc lại những từ này. Thay vào đó, ông nói “thông điệp chính” của ông là Fed cần có thêm dữ liệu để có thể thay đổi chính sách tiền tệ.
“Sự cẩn trọng là cần thiết đối với chúng tôi”, ông Powell nhấn mạnh, nhắc lại phương pháp tiếp cận từ tốn đối với việc cắt giảm lãi suất trong bối cảnh nền kinh tế tăng trưởng vững vàng. Trong tuyên bố của Fed, giới chức Fed nói họ không vội nới lỏng chính sách tiền tệ trong lúc nền kinh tế và thị trường việc làm tiếp tục tăng trưởng.
Về giảm lãi suất, Fed vẫn dự kiến có 3 đợt giảm trong năm nay, mỗi lần giảm 0,25 điểm phần trăm, không thay đổi so với dự báo đưa ra vào cuối năm ngoái.
Tuy giữ nguyên dự báo về số lần giảm lãi suất trong năm nay, Fed giảm dự báo về số lần giảm lãi suất trong năm tới, từ 4 lần còn 3 lần, trên cơ sở cho rằng tốc độ giảm lạm phát sẽ chậm lại.
Nhiều chuyên gia nhận thấy trong tuyên bố của Fed có một sự khẳng định ngầm về sức mạnh trên diện rộng của nền kinh tế, bao gồm triển vọng được cải thiện về năng suất và thị trường lao động - những yếu tố có thể cho phép nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ hơn mà không gây ra áp lực về giá cả.
“Fed duy trì quan điểm rằng cốt lõi của bức tranh lạm phát đang tiếp tục cải thiện, măc dù đã có những con số lạm phát gây thất vọng trong 2 tháng qua”, nhà kinh tế trưởng Ian Shepherson của công ty Pantheon Macroeconomics nhận định với hãng tin Reuters.