Game online Việt trở lại đầy ngoạn mục
Vượt qua nhiều thăng trầm và có lúc tưởng như chìm xuống rất sâu do những định kiến của xã hội, các nhà phát hành game Việt mới đây đang trở lại đầy ngoạn mục. Có vốn hóa vượt cả tỷ đô la, đạt mốc một tỷ lượt tải về hay lọt top các nhà phát hành ứng dụng toàn cầu là những gì mà game phát triển bởi người Việt đã làm được trong thời gian qua...
Cuối tháng 7, Axie Infinity - một tựa game blockchain sản xuất bởi người Việt, bỗng vụt trở thành hiện tượng toàn cầu với vốn hóa lên tới hàng tỷ USD. Thống kê chiều ngày 27/7 trên website CoinMarketCap (trang theo dõi hầu hết các đồng tiền điện tử), đồng tiền ảo Axie Infinity (AXS) của Sky Mavis tăng giá liên tục và đã đạt vốn hóa trên thị trường hơn 3,1 tỷ USD.
Trên thị trường toàn cầu, Axie cũng hiện đang là game blockchain có doanh thu cao nhất thế giới. Doanh thu của Axie Infinity đến đầu tháng 7/2021 đã đạt 386 triệu USD.
Chỉ chưa đầy một năm trước, vào tháng 5/2020, Amanote-một nhà phát hành game âm nhạc khá trẻ đến từ Việt Nam đã cán mốc 1 tỷ lượt tải về, trở thành nhà phát hành ứng dụng đầu tiên ở Đông Nam Á đạt được thành tích này.
KHI CÁC NHÀ SÁNG LẬP ẨN MÌNH
Được thành lập bởi hai nhà sáng lập Võ Tuấn Bình và Nguyễn Tuấn Cường từ cuối 2014, Amanotes dường như là một startup khá im hơi lặng tiếng cho đến khi những báo cáo về xếp hạng start-up này được truyền đi trên khắp các mặt báo. Theo App Annie - tổ chức nghiên cứu thị trường ứng dụng di động, trong quý 4/2019, Amanotes đã giành được vị trí số 1 trong bảng xếp hạng những nhà phát hành game di động có lượt tải về cao nhất trên cả hai nền tảng iOS và Android. Trong khi đó, báo cáo của Sensor Tower đã xếp hạng Amanotes là nhà phát hành game di động số 1 khu vực Đông Nam Á cũng trong thời gian này.
Trước khi có những nhà phát triển với thành tích rực rỡ như trên, ngành công nghiệp game của Việt Nam đã có những khúc quanh không mấy bằng phẳng.
Theo ông Bùi Sỹ Nguyên, người làm lâu năm trong lĩnh vực phần mềm và tham gia vào ngành công nghiệp game từ rất sớm, hiện là nhà sáng lập House3D, lịch sử ngành công nghiệp game khá thăng trầm.
Những năm 2011 - 2012, các doanh nghiệp Việt như: VNG, FPT hay VTC Game đã tiên phong xuất khẩu game sang các thị trường phát triển như Nhật Bản, Hàn Quốc, châu Âu. Năm 2015, Flappy Bird - một tựa game phát triển bởi Nguyễn Hà Đông cũng khiến người chơi toàn cầu “phát điên” và giúp nhà sáng lập này có mặt trong danh sách “10 triệu phú Internet đi lên từ con số 0” của tờ The Richest. Flappy Bird cũng nằm trong danh sách 25 ứng dụng được chuyên trang công nghệ CNET của Mỹ đánh giá là có tầm ảnh hưởng nhất trong một thập kỷ qua…
Từ đó đến nay, vì nhiều nguyên nhân khác nhau, giấc mơ xuất khẩu game mang về 1 tỷ USD vẫn còn dang dở. Theo ông Nguyên, có giai đoạn ngành game bị chìm xuống rất sâu và bị các cơ quan nhà nước thắt chặt quản lý. “Làm game kiếm tiền tốt nhưng lại không được xã hội thừa nhận”, ông Nguyên chia sẻ.
Trên thực tế khi “cơn sốt” về Axie Infinity lan ra trên toàn cầu, ngay tại mạng xã hội trong nước cũng có những làn sóng bình luận trái chiều. Bên cạnh những ý kiến ủng hộ đến từ những người có tiếng nói trong ngành công nghiệp phần mềm về một sản phẩm thành công và đột phá của người Việt trẻ, nhiều bình luận lại “bỉ bôi” cho rằng “nối giáo cho giặc”, rằng “game không mang lại ích lợi” gì, hay “game để lại nhiều hệ lụy về giáo dục cho thế hệ trẻ.
“Những suy nghĩ như vậy tuy không làm những người làm game mất động lực nhưng họ không được công khai nên cứ giấu dần mô hình kinh doanh của mình đi”, ông Nguyên nói và khẳng định, thực tế những thứ trên truyền thông về ngành game Việt “chỉ là bề nổi của tảng băng chìm”. Không hiếm các doanh nghiệp game có doanh số mỗi tháng có thể 2-3 triệu USD với lợi nhuận biên rất cao. “Có thể nói rằng Việt Nam là cường quốc về game ở Đông Nam Á”, ông Nguyên nhận định.
TIỀM NĂNG "XUẤT KHẨU" TẠI CHỖ LỚN
Báo cáo của App Annie - một trong những công ty phân tích và dữ liệu di động uy tín nhất hiện nay đánh giá, Việt Nam là thị trường lớn tại Đông Nam Á khi vừa là “quê hương” của các nhà phát hành game và ứng dụng vừa có người tiêu dùng ưu tiên sử dụng thiết bị di động.
Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành game Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành ngành xuất khẩu mới, giá trị cao.
5 trong số 10 nhà phát hành trò chơi hàng đầu tại ANZ SEA ( bao gồm Australia, New Zealand và Đông Nam Á) đến từ Việt Nam. Các công ty game Việt Nam cũng đứng thứ 7 trong bảng xếp hạng lượt game được tải nhiều nhất thế giới. Theo đó, cứ 25 game được tải thì có một game do công ty Việt Nam sản xuất.
Việt Nam cũng có những yếu tố thúc đẩy nền kinh tế game di động phát triển mạnh mẽ với 97,8 triệu dân (cao thứ 15 trên thế giới) và cũng là một đất nước có dân số tương đối trẻ. Độ tuổi trung bình của người Việt Nam là 32,7, ít hơn 7,6 tuổi so với độ tuổi trung bình của Thái Lan và thấp hơn 5,7 tuổi so với ở Mỹ.
Ông Junde Yu, Tổng giám đốc mảng Game của App Annie, cho rằng Việt Nam đang là thị trường màu mỡ cho các nhà phát hành game di động. Việt Nam có nền văn hóa “mobile first” (điện thoại di động là ưu tiên số 1) với 68 triệu người sở hữu điện thoại thông minh. Trong đó, có 64% người dùng đang sử dụng 3G, 4G hoặc 5G. Thời gian trung bình hàng ngày để chơi game là 3,9 giờ, nhiều hơn 10% so với người dùng trung bình ở Mỹ.
Trong bối cảnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành game Việt Nam có nhiều cơ hội trở thành ngành xuất khẩu mới, giá trị cao.
Theo số liệu từ Trung tâm Đổi mới sáng tạo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong năm 2020, doanh thu ngành game của Việt Nam đã cán mốc 12 nghìn tỷ đồng, tăng trưởng gấp đôi so với năm 2015.
THẾ MẠNH CỦA CÁC NHÀ PHÁT TRIỂN GAME VIỆT
Mặc dù chưa phải là quốc gia phát triển các công nghệ và nền tảng game lõi, người Việt được cho là có sức sáng tạo lớn và nắm bắt các xu hướng trong ngành game rất tốt. Tuy nhiên, bản thân các game có vòng đời rất ngắn, độ đào thải khá cao đồng nghĩa với việc người dùng có thể trở nên khá nhanh chán các ứng dụng cũ và luôn có tâm lý tìm kiếm các ứng dụng hấp dẫn hơn. Vì vậy, để trụ vững trên thị trường là một thách thức không nhỏ với các nhà phát hành.
Với Axie Infinity, các nhà sáng lập đã nắm bắt rất nhanh xu hướng NFT (Non-Fungible Token - chuỗi mã đại diện cho các vật phẩm hay tài sản sử dụng công nghệ blockchain, tương tự nền tảng Bitcoin) - hiện đang bùng lên mạnh mẽ trong hai năm trở lại đây.
Việt Nam cần có các hành lang pháp lý phù hợp để khuyến khích và thúc đẩy ngành game phát triển. Có như vậy, các nhà sáng lập sẽ không ngại đặt trụ sở công ty ở trong nước và nguồn vốn hay doanh thu cũng chảy về Việt Nam nhiều hơn trong tương lai.
Theo ông Nguyên, game có vòng đời rất ngắn và token cũng vậy. Do đó, khi game kết hợp với token sẽ cần phải rất khéo léo, cần tính xem exit (rút lui) vào thời điểm nào. Nhà sáng lập House3D đánh giá, Axie Infinity sử dụng NFT rất tốt và mảnh đất NFT đang rất màu mỡ và còn nhiều tiềm năng để khai thác. “Cái hay của NFT là “ăn” vào những thứ như thiết kế, lifestyle, bảo tàng...thì có khả năng ăn sâu vào đời sống của nhân loại và tồn tại được lâu”, ông Nguyên nói.
Chia sẻ trên một diễn đàn dành cho các giám đốc công nghệ mới đây về NFT, nhà sáng lập của Axie Infinity chia sẻ, thời gian đầu rất ít người biết dự án có sự tham gia của rất nhiều kỹ sư Việt. “Hơi ngại một chút, nhưng chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào sự thật là người Việt trong lĩnh vực blockchain, tiền số không có uy tín cao trên trường quốc tế. Bọn mình phải đóng cửa làm sản phẩm, đến khi bản thân sản phẩm nói lên được giá trị, uy tín của mình, mới có thể công bố thông tin đội ngũ kỹ sư đứng sau đến từ đâu”, Nguyễn Thành Trung chia sẻ.
Để vượt qua thách thức về vòng đời ngắn của các ứng dụng trò chơi và giải trí, đồng sáng lập (Co-founder) Amanotes Nguyễn Tuấn Cường từng chia sẻ với Tạp chí Kinh tế Việt Nam, ai cũng nghĩ âm nhạc là chỉ để nghe một cách thụ động, còn Amanotes lại đặt cho bản thân một câu hỏi đầy thách thức “Làm sao để mình làm nhiều hơn với âm nhạc, làm sao để mọi người tiếp cận âm nhạc một cách chủ động và thú vị hơn?”
Chính thách thức này đã giúp Amanotes hình thành tầm nhìn “Everyone can Music” (Ai cũng có thể chơi được nhạc) và phát triển hệ sinh thái công nghệ - âm nhạc để mọi người có thể thật sự chơi, mô phỏng, thậm chí là học và dạy nhạc. Theo Nguyễn Tuấn Cường, một game âm nhạc trên di động có tuổi thọ trung bình từ 6 đến 12 tháng, nhưng các sản phẩm của Amanotes như Magic Tiles 3, Tiles Hop đã tồn tại khoảng 3 năm trên thị trường.
Các chuyên gia cũng cho rằng mặc dù còn nhiều điểm nghẽn, Việt Nam có thể trở thành trung tâm của ngành game thế giới. Để làm được như vậy, mục tiêu quan trọng là xây dựng cộng đồng và hệ sinh thái game vững mạnh tại Việt Nam. Thêm vào đó, cần giải toả những hiểu nhầm, hay định kiến về những nhà làm game.
Đặc biệt, Việt Nam cần có các hành lang pháp lý phù hợp để khuyến khích và thúc đẩy ngành game phát triển. Có như vậy, các nhà sáng lập sẽ không ngại đặt trụ sở công ty ở trong nước và nguồn vốn hay doanh thu cũng chảy về Việt Nam nhiều hơn trong tương lai.