Gần 122 triệu cổ phiếu VTP huỷ niêm yết trên UPCoM để lên sàn HOSE
121.783.042 cổ phiếu VTP sẽ giao dịch phiên cuối cùng trên thị trường UPCoM vào 29/2. Ngày huỷ đăng ký giao dịch là ngày 1/3 tới để chuyển sang niêm yết tại HoSE.
Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) thông báo về việc huỷ đăng ký giao dịch đối với cổ phiếu Tổng CTCP Bưu chính Viettel - Viettel Post (mã VTP-UPCoM).
Theo đó, 121.783.042 cổ phiếu VTP sẽ giao dịch phiên cuối cùng trên thị trường UPCoM vào 29/2. Ngày huỷ đăng ký giao dịch là ngày 1/3 tới để chuyển sang niêm yết tại HoSE.
Được biết, 41.376.649 cổ phiếu VTP lên sàn UPCoM vào ngày 23/11/2018 với giá tham chiếu trong ngày giao dịch đầu tiên là 68.000 đồng/cổ phiếu - tương ứng mức định giá gần 3.000 tỷ đồng.
Viettel Post có vốn điều lệ gần 1.218 tỷ đồng, là thành viên của Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel). Hệ sinh thái logistics của Viettel Post dựa trên nền tảng hạ tầng hiện đại, công nghệ cao, cung cấp đầy đủ dịch vụ như: chuyển phát, supply chain (kho, vận tải vận chuyển, forwarding…), thương mại điện tử xuyên biên giới…
Về kết quả kinh doanh, Viettel Post ghi nhận doanh thu đạt 19.732 tỷ đồng, giảm 9% so với năm 2022 (21.629 tỷ); tuy nhiên, giá vốn giảm mạnh từ 21.628,8 tỷ xuống chỉ còn 18.714 tỷ đồng giúp lợi nhuận gộp tăng mạnh 35%, từ 647,4 tỷ lên gần 876 tỷ đồng. Sau khi trừ đi các khoản chi phí, Viettel Post lãi ròng hơn 380 tỷ đồng, tăng 49% so với năm 2022 (255,75 tỷ đồng), riêng quý 4 lãi hơn 1054 tỷ (cùng kỳ lỗ 1,15 tỷ đồng).
Theo giải trình từ phía công ty, lợi nhuận quý 4 dương là do Tổng công tỷ mở rộng kinh doanh, sử dụng hiệu quả các nguồn lực đồng thời lợi nhuận quý 2/2022 bị lỗ là do điều chỉnh theo kiến nghị của Kiểm toán Nhà nước.
Sang năm 2024, Ban lãnh đạo Viettel Post cũng xác định, Viettel Post sẽ tiếp tục mở rộng không gian mới để hoàn thiện lĩnh vực logistics, tập trung vào 5 mũi nhọn chính, đó là chuyển phát; Supply chain thông minh; hạ tầng và dịch vụ logistics xuyên biên giới; hạ tầng logistics quốc gia: Công viên logistics, cửa khẩu thông minh, cảng cạn ICD…; đầu tư nước ngoài tại Myanmar, Campuchia, Lào, Trung Quốc, Thái Lan tạo hành lang kết nối giữa Trung Quốc, các nước Đông Nam Á và Việt Nam; Làm chủ công nghệ, xây dựng hạ tầng logistics xanh – thông minh.
Trước đó, tháng 11/2023, Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) đã bình chọn và vinh danh Viettel Post trong Top 10 Công ty đại chúng quy mô lớn trên UPCoM thực hiện tốt công bố thông tin và minh bạch năm 2022 – 2023.
Thời gian qua cổ phiếu VTP cũng được giao dịch sôi động với nhiều phiên thanh khoản tốt trên sàn UPCoM. Thị giá VTP cũng có nhiều tín hiệu tích cực khi có thời điểm đã vượt đỉnh 50.000 đồng/cổ phiếu và hiện đang duy trì ở mốc 48.600 – 49.000 đồng/cổ phiếu.
Chốt phiên ngày 21/2 giá cổ phiếu này tăng 1,77% lên 69.000 đồng/cổ phiếu và tăng 73,37% trong 6 tháng qua nhưng giảm 32,02% trong 5 năm qua.
Ban Lãnh đạo Viettel Post đặt mục tiêu trong 5 năm tới, doanh số tăng gấp 10 lần so với năm 2023, tương đương với mức tăng trưởng 60-65% mỗi năm cho cả hoạt động cốt lõi và lĩnh vực mới. Việc tiên phong về công nghệ logistics tại Việt Nam tạo cho Viettel Post lợi thế cạnh tranh tốt hơn. Điều này tạo thuận lợi cho Viettel Post để thực hiện bước tiếp theo là “Go Global” để mở rộng xây dựng hạ tầng logistics xuyên biên giới, đưa Việt Nam trở thành trung tâm logistics của khu vực và thế giới.