Gần 26.000 xe Toyota Việt Nam được triệu hồi để siết lại đai ốc giảm chấn
Sau khi được Cục Đăng Kiểm phê duyệt, Toyota Việt Nam vừa chính thức thông báo thực hiện chương trình triệu hồi “siết lại đai ốc giảm chấn trước trên các dòng xe Veloz, Avanza, Yaris Cross”. Đồng thời, hãng cũng thực hiện cùng lúc chương trình “thay thế chụp bụi chốt trượt càng phanh trước trên các dòng xe Veloz, Avanza và Raize nhập khẩu”. Hai chương trình sẽ được TMV thực hiện chính thức từ ngày 19/1/2024 tại tất cả các đại lý trên toàn quốc của hãng này.
Cụ thể, số lượng xe được hãng phát hiện và công bố nằm trong diện ảnh hưởng là 25.971 chiếc có giai đoạn sản xuất ngày 6/1/2022 đến 30/8/2023.
Trên các xe thuộc diện triệu hồi, Toyota đã phát hiện đai ốc giảm chấn trước trên nhiều xe Avanza, Veloz và Yaris Cross do vấn đề thiết kế, có thể không đủ lực siết. Trong quá trình sử dụng xe, đai ốc giảm chấn có thể bị lỏng, gây ra tiếng kêu bất thường. Trường hợp xấu nhất, đai ốc giảm chấn có thể bị rơi ra, khiến cho xe thiếu ổn định trong quá trình sử dụng xe.
Các khách hàng có xe trong diện ảnh hưởng sẽ nhận được thông báo từ đại lý Toyota, mời mang xe đến kiểm tra. Dựa vào kết quả kiểm tra, xe của khách hàng sẽ được tiến hành siết đai ốc giảm chấn. Thời gian kiểm tra và sửa chữa/ thay thế dự kiến khoảng 30 phút đến 2,5 giờ/xe.
Ngoài chương trình triệu hồi, TMV còn thực hiện đồng thời thêm chương trình làm hài lòng khách hàng, thay thế chụp bụi chốt trượt càng phanh trước trên các dòng xe Veloz, Avanza và Raize nhập khẩu.
Theo thiết kế, chốt trượt càng phanh trước được trang bị chụp bụi để tránh bụi, nước lọt vào. Nhưng trên các xe nằm trong chương trình trong quá trình lắp ráp cụm càng phanh trước, dụng cụ lắp ráp có thể cọ vào chụp bụi chốt trượt này gây nên hư hại trên chụp bụi. Nếu nước lọt vào chụp bụi và gây rỉ, má phanh có thể bị mòn sớm hơn.
Các khách hàng có xe trong diện ảnh hưởng, sẽ nhận được thông báo từ các đại lý Toyota để mời mang xe đến kiểm tra. Dựa vào kết quả kiểm tra, xe của khách hàng sẽ được tiến hành thay thế chụp bụi chốt trượt càng phanh/ bộ càng phanh. Thời gian kiểm tra và sửa chữa thay thế dự kiến khoảng 1,3-2,4 giờ/xe.
Toyota Việt Nam khuyến cáo khách hàng sở hữu xe trong diện ảnh hưởng của 2 chương trình trên nhanh chóng mang xe tới các đại lý của Toyota trên toàn quốc để được kiểm tra và được thay thế hoàn toàn miễn phí.
Trước đó, theo số liệu từ Toyota Việt Nam, năm 2023, hãng đạt doanh số 59.207 xe (bao gồm Lexus), nâng tổng doanh số tích lũy đạt trên 916.000 xe. Trong đó, thương hiệu Lexus đạt doanh số kỷ lục kể từ khi ra mắt với 1.793 xe, nâng tổng số xe tích lũy lên hơn 12.000 xe.
Toyota đã xuất xưởng 26.426 xe trong năm 2023, đưa sản lượng sản xuất tích lũy đạt trên 687.000 xe.
Về dịch vụ, Toyota đã chào đón gần 1,8 triệu lượt khách hàng, tăng 8% so với 2022, nâng tổng lượt xe sử dụng dịch vụ chính hãng tích lũy lên hơn 18 triệu lượt.
Đối với hoạt động xuất khẩu linh kiện, phụ tùng của Toyota đạt doanh thu gần 74 triệu USD, doanh thu tích lũy đạt gần 864 triệu USD.
Toyota đã đóng góp hơn 873 triệu USD cho ngân sách nhà nước. Tổng số tiền đóng góp ngân sách nhà nước tích lũy đạt hơn 13 tỷ USD.
Vừa qua, nhà máy Toyota Việt Nam đã đạt giải thưởng Good Factory 2024 trao tặng bởi Hiệp hội Quản lý Nhật Bản (JMA). Đây là giải thưởng uy tín được trao cho các nhà máy đạt kết quả tốt trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và cải thiện hoạt động trong lĩnh vực sản xuất tại Nhật Bản và khu vực Châu Á. Với việc mở rộng dải sản phẩm lắp ráp trong nước, đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng của Toyota toàn cầu và áp dụng phương thức quản lý hiệu quả, Toyota Việt Nam là nhà máy duy nhất ngoài Nhật Bản đạt giải thưởng này.
Năm 2023 cũng chứng kiến sự đổi mới toàn diện dải sản phẩm của Toyota ở nhiều phân khúc: Wigo, Yaris Cross, Innova Cross và Alphard, trong đó, có tới 3 mẫu xe bổ sung thêm phiên bản Hybrid, đưa tổng số mẫu xe Toyota có phiên bản Hybrid lên 6 mẫu.
Hiện danh sách các nhà cung cấp của Toyota lên tới con số 60, trong đó có 13 nhà cung cấp Việt Nam với tổng số sản phẩm nội địa hóa đạt trên 1.000 sản phẩm các loại.
Toyota đã phát triển định hướng Tiếp cận đa chiều (Multi-Pathway) hướng tới mục tiêu giảm phát thải carbon thông qua việc đưa ra các giải pháp đa dạng, phù hợp với các điều kiện khác nhau về cơ sở hạ tầng, hiện trạng ngành công nghiệp và nhu cầu khách hàng tại các khu vực khác nhau. Trên toàn cầu, Toyota cung cấp nhiều giải pháp điện khí hóa như: Hybrid, Hybrid sạc ngoài, xe thuần điện, xe điện pin nhiên liệu… đồng thời phát triển các tùy chọn năng lượng thay thế khác nhau, tiết kiệm nhiên liệu nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng.