Gần 510.000 tỷ đồng vốn tín dụng ưu đãi dành cho doanh nghiệp TP.HCM trong năm 2024
17 thương hiệu ngân hàng trên địa bàn TP.HCM đã đăng ký tham gia gói tín dụng ưu đãi trong chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp năm 2024 với tổng số tiền gần 510.000 tỷ đồng, cao nhất từ trước đến nay…
Quy mô gói tín dụng ưu đãi của chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trong năm 2024 được 17 thương hiệu ngân hàng trên địa bàn TPHCM đăng ký với tổng số tiền 509.684 tỷ đồng với lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng chỉ khoảng 4%/năm.
Ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, tổng số tiền gói tín dụng ưu đãi của chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp trong năm 2024 đạt mức cao nhất từ trước đến nay (quy mô gói tín dụng tăng 12,49% so với năm 2023). Đây là gói tín dụng nằm trong chương trình Kết nối ngân hàng - doanh nghiệp TP.HCM năm 2024 nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh phục hồi sau khi thành phố kiểm soát được dịch bệnh Covid-19.
Năm nay, ngoài 4 ngân hàng thương mại Big 4 (Vietcombank, Vietinbank, BIDV, Agribank) và các ngân hàng thương mại tư nhân như ACB, Sacombank, Nam A Bank, OCB, BVBank… còn có các ngân hàng nước ngoài như Standard Chatered, Sinhanbank… cũng tham gia. Điều này tạo sự khác biệt và trách nhiệm của các tổ chức tín dụng trên địa bàn trong việc thực thi chính sách và đồng hành cùng doanh nghiệp thành phố.
Tiêu chí đăng ký gói tín dụng ưu đãi tham gia chương trình bao gồm: giảm lãi suất cho doanh nghiệp; cơ cấu lại nợ cho doanh nghiệp giữ nguyên nhóm nợ; cho vay 5 nhóm ngành, lĩnh vực ưu tiên; tăng hạn mức tín dụng cho doanh nghiệp; cho vay lãi suất thấp….
Theo đó, gói tín dụng này thực hiện cho vay mới với lãi suất ưu đãi (cho vay ngắn hạn bằng VND khoảng 4%/năm và lãi suất cho vay trung - dài hạn khoảng 9%/năm, sẽ điều chỉnh hợp lý theo diễn biến thị trường, song đảm bảo nguyên tắc hỗ trợ) và thực hiện giảm lãi suất các khoản vay cũ, đặc biệt là các khoản vay trung - dài hạn thời gian trước có lãi suất cao. Ngoài ra, chương trình còn thực hiện gia hạn nợ mà không chuyển nhóm nợ đối với các tổ chức, cá nhân đủ điều kiện.
Theo Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, việc giải ngân gói tín dụng này được kỳ vọng sẽ mang lại hiệu quả thiết thực cho doanh nghiệp trong quá trình mở rộng và phát triển sản xuất kinh doanh, qua đó thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo định hướng của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước và của Ủy ban nhân dân TP.HCM.
Để chương trình tiếp tục phát huy hiện quả, ông Nguyễn Đức Lệnh cho rằng cần tăng cường hơn nữa hiệu quả phối hợp của các sở ngành quận, huyện và Hiệp hội doanh nghiệp thành phố trong công tác tổ chức thực hiện chương trình; công tác đối thoại và truyền thông chính sách; công tác trao đổi thông tin và tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; đặc biệt trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc vay và sử dụng vốn vay hiệu quả, để góp phần nâng cao hiệu quả tín dụng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế xã hội Thành phố theo mục tiêu đề ra.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM trong 2 năm (2022 - 2023) các tổ chức tín dụng trên địa bàn đã hỗ trợ cho hơn 1,1 triệu khách hàng (doanh nghiệp; hộ kinh doanh và hợp tác xã) được cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ và giảm lãi suất cho vay.
Trong đó 700 nghìn khách hàng được cơ cấu lại nợ, với dư nợ đạt 327.000 tỷ đồng và hơn 420.000 khách hàng được miễn giảm lãi suất, với tổng dư nợ đạt hơn 29.000 tỷ đồng.
Thời gian qua, chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp là giải pháp và hành động cụ thể của ngành ngân hàng để hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận được các nguồn vốn tín dụng. Trong đó, việc gắn chương trình với việc giải ngân gói tín dụng ưu đãi do các tổ chức tín dụng đăng ký tham gia chương trình (theo kế hoạch hằng năm) đã phát huy hiệu quả và đảm bảo tính thiết thực, hiệu quả trong hoạt động kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, đảm bảo doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn lãi suất thấp; tiếp cận thuận lợi cơ chế chính sách hỗ trợ của Chính phủ, của Ngân hàng Nhà nước.