07:27 01/03/2023

Ngân hàng tại TP.HCM cam kết dành 11.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất từ 7%/năm

Tú Uyên

16 ngân hàng thương mại đã ký kết cho 64 khách hàng bao gồm các doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn TP.HCM vay với tổng mức tín dụng khoảng 11.000 tỷ đồng với lãi suất ngắn hạn là 7%/năm, trung dài hạn là 10%/năm…

Nhiều ngân hàng cam kết cho doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM vay sản xuất kinh doanh với lãi suất ngắn hạn là 7%/năm, trung dài hạn là 10%/năm.
Nhiều ngân hàng cam kết cho doanh nghiệp trên địa bàn TP.HCM vay sản xuất kinh doanh với lãi suất ngắn hạn là 7%/năm, trung dài hạn là 10%/năm.

Chia sẻ tại Hội nghị Đối thoại ngân hàng - doanh nghiệp với chủ đề “Ngành ngân hàng đồng hành cùng doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển" do Ủy ban Nhân dân TP.HCM tổ chức vào ngày 28/02/2023, nhiều doanh nghiệp cho biết vẫn đang phải vay vốn với lãi suất khá cao và khả năng tiếp cận vốn còn hạn chế.

DOANH NGHIỆP KỲ VỌNG GIẢM LÃI SUẤT

Phản ánh tại hội nghị, nhiều doanh nghiệp cho biết những vướng mắc trong việc tiếp cận vốn vay chủ yếu liên quan đến các tài sản đảm bảo, thủ tục pháp lý để doanh nghiệp có thể được hưởng lãi suất ưu đãi từ các ngân hàng như gói hỗ trợ 2% theo Nghị định 31 của Chính phủ.

Ông Đỗ Phước Tống, Chủ tịch Hội Cơ khí - Điện TP.HCM, cho biết nhiều doanh nghiệp trong hội đang phải vay vốn với lãi suất mười mấy phần trăm và trong hội có doanh nghiệp "đang phải khóc vì lãi suất cao". Có doanh nghiệp khi ngân hàng điều chỉnh lãi suất thì biên độ cộng thêm tới 4,8%/năm khiến lãi suất cho vay sau điều chỉnh tăng cao.

Nhiều doanh nghiệp khác đã được ngân hàng cam kết giải ngân nhưng khi doanh nghiệp mở thư tín dụng, hàng nhập về cảng nhưng vốn chưa giải ngân kịp khiến doanh nghiệp phải tốn thêm chi phí kho bãi… Hay như việc doanh nghiệp rút tài sản đảm bảo từ ngân hàng này chuyển sang ngân hàng khác khi được nhận lãi suất ưu đãi cạnh tranh hơn cũng bị phía ngân hàng cũ gây khó khăn.

Theo các doanh nghiệp, lãi suất trung hạn trên 10% hiện đang được áp dụng gây khó khăn, áp lực lớn lên các hoạt động sản xuất kinh doanh của họ. Do đó, nhiều doanh nghiệp mong muốn các ngân hàng chia sẻ, đồng hành cùng doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn hiện nay và kỳ vọng lãi suất sẽ giảm trong thời gian tới.

11.000 TỶ ĐỒNG CAM KẾT CHO VAY TỪ NGÀNH NGÂN HÀNG

Ghi nhận những phản ánh từ phía doanh nghiệp, ông Võ Minh Tuấn, Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, ngay sau buổi đối thoại này, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM sẽ phối hợp với các sở, ngành, hiệp hội ngành hàng cũng như làm việc trực tiếp với các ngân hàng thương mại trên địa bàn về từng trường hợp cụ thể để có thể gỡ vướng nhanh chóng cho các doanh nghiệp. Đối với những vướng mắc ngoài thẩm quyền, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM sẽ đề xuất với lãnh đạo Thành phố kiến nghị lên các bộ, ngành Trung ương.

Lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp TP.HCM năm 2023 
Lễ ký kết hợp đồng tín dụng giữa ngân hàng và doanh nghiệp TP.HCM năm 2023 

Trong năm 2022, có 13 ngân hàng tại TP.HCM đăng ký gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp với tổng số vốn đạt 434.280 tỷ đồng. Thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp đã giải ngân được 568.340 tỷ đồng, vượt 131% số vốn đăng ký và tăng 16,65% so với cuối năm 2021. Trong đó, có những khoản vay lãi suất 6%/năm đối với ngắn hạn, dài hạn là 10%/năm.

Để hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn, chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp năm nay tiếp tục có sự tham gia của nhiều ngân hàng thương mại. Cụ thể, có 16 ngân hàng thương mại tại TP.HCM đã ký cam kết cho 64 doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn TP.HCM vay với tổng vốn khoảng 11.000 tỷ đồng, lãi suất cho vay ngắn hạn là 7%/năm, trung-dài hạn là 10%/năm.

Ngân hàng Sacombank dành tổng nguồn vốn 1.000 tỷ đồng với mức lãi suất ưu đãi giảm bình quân khoảng 2%/năm so với lãi suất thông thường nhằm tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển sản xuất, kinh doanh.

Trước đó, Sacombank cũng đã dành nguồn vốn 5.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi chỉ từ 7,5%/năm dành cho khách hàng doanh nghiệp có nhu cầu vay thanh toán hàng nhập khẩu, làm hàng xuất khẩu hoặc khách hàng doanh nghiệp đạt hạng siêu VIP theo chương trình Sacombank Sapphire.

Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) cũng đã chính thức triển khai gói ưu đãi lãi suất vay quy mô 20.000 tỷ đồng cho khách hàng doanh nghiệp, cá nhân vay mới với mức ưu đãi giảm tối đa 3%/năm lãi vay so với biểu lãi suất hiện hành. Trong đó, riêng địa bàn TP.HCM, ACB dành 2.000 tỷ đồng với lãi suất ưu đãi cho Chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp.

Tương tự, Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) cũng cho biết ngân hàng đang triển khai gói tín dụng 25.000 tỷ đồng để hỗ trợ các khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ có thể tiếp cận nguồn tín dụng với lãi suất thấp hơn lãi suất hiện hành từ 1,5-2%.

 

"Cần phải ứng dụng chuyển đổi số, tạo ra kênh kết nối giữa Ngân hàng Nhà nước, các doanh nghiệp, các sở, ngành Thành phố và các ngân hàng thương mại trên địa bàn. Từ đó có thể chia sẻ, giải quyết, tháo gỡ các vướng mắc, khó khăn được nhanh chóng".

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi nhấn mạnh: “Việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc giữa các doanh nghiệp và ngân hàng cần được duy trì thường xuyên, không chỉ một buổi đối thoại này. Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp và ngân hàng cần giải quyết vướng mắc từng trường hợp cụ thể, trên tinh thần cùng đồng hành và chia sẻ, giải quyết cùng nhau sao cho 2 bên đều đạt được lợi ích cao nhất”.

Về phía các ngân hàng thương mại trên địa bàn, ông Phan Văn Mãi đề nghị việc triển khai chính sách phải minh bạch thông tin và cập nhật thường xuyên điều kiện vay vốn, các thủ tục doanh nghiệp cần đáp ứng cho doanh nghiệp thông qua các hiệp hội.

 

Tính từ đầu năm 2023 đến nay, các tổ chức tín dụng trên địa bàn TP.HCM đã hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trên địa bàn thành phố với doanh số đạt 469.000 tỷ đồng. Trong số này, các ngân hàng tại TP.HCM đã giảm lãi suất cho vay các chương trình của ngân hàng khoảng 300.000 tỷ đồng, chủ yếu tập trung vào 5 nhóm lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, Doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, ứng dụng công nghệ cao.