Gần 90% đơn đăng ký sáng chế ở Việt Nam từ chủ thể nước ngoài
Tỷ lệ nộp đơn bảo hộ kiểu dáng công nghiệp, giải pháp hữu ích của chủ thể người Việt Nam cao hơn với chủ thể người nước ngoài. Tuy nhiên, trong số các đơn đăng ký sáng chế, có đến 85-90% của chủ thể người nước ngoài, còn 10-15% của người Việt Nam...
Nhằm giúp các thành viên trong hệ thống Liên hiệp hội Việt Nam nâng cao kiến thức về sở hữu trí tuệ, ngày 6/10/2023, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Hội thảo phổ biến kiến thức về sở hữu trí tuệ.
Theo PGS.TS Phạm Ngọc Linh, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, trong năm gần đây, vấn đề vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, vi phạm quyền tác giả diễn ra khá phổ biến, có nhiều trường hợp tranh tụng, gây bức xúc.
Khái niệm sở hữu trí tuệ được hình thành, xác định ở Việt Nam sau khi có Pháp lệnh về bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp năm 1989 và Pháp lệnh bảo hộ quyền tác giả năm 1994. Đến năm 2005, Quốc hội thông qua Luật 50 về Sở hữu trí tuệ và từ đó đến nay liên tục có sự sửa đổi bổ sung trong các năm 2009, 2019. Đến năm 2022 Luật sở hữu trí tuệ tiếp tục được sửa đổi và chính thức có hiệu lực từ 1/1/2023.
PGS.TS Phạm Ngọc Linh nhấn mạnh, Luật mới này giúp quy định thống nhất, đồng bộ và minh bạch nhằm điều chỉnh các quan hệ xã hội liên quan đến tài sản hết sức đặc biệt, đó là tài sản trí tuệ.
Tại hội thảo, các chuyên gia lĩnh vực sở hữu trí tuệ, bản quyền… đã chia sẻ các vấn đề đang thu hút sự quan tâm hiện nay về hiện trạng sở hữu công nghiệp, sáng chế, kiểu sáng công nghiệp, bản quyền tác giả, những thay đổi của pháp luật sở hữu trí tuệ hiện nay.
Ông Đào Anh Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm định kiểu dáng công nghiệp, Cục Sở hữu trí tuệ, đã chia sẻ về sự khác nhau giữa phát minh với sáng chế, tầm quan trọng của việc bảo hộ quyền với sáng chế và kiểu dáng công nghiệp.
Thực tế nhận thức về bảo hộ sở hữu trí tuệ nói chung và sáng chế nói riêng trong những năm qua đã có những cả thiện thông qua lượng đơn giai đoạn 2018-2022 đã tăng.
Tuy nhiên, nhận thức về đăng ký sáng chế của các chủ thể người nước ngoài cao hơn Việt Nam. Các chủ thể người nước ngoài thường đăng ký ở Việt Nam trước khi đưa sản phẩm giải pháp vào thị trường. Những nước có số lượng chủ thể nộp đơn đăng ký sáng chế nhiều nhất vào Việt Nam là các nước phát triển như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước châu Âu…Minh chứng trong số các đơn đăng ký sáng chế ở Việt Nam có đến 85-90% của nước ngoài.
Theo một chuyên gia trong lĩnh vực này, con số 10-15% đơn sáng chế của chủ thể người Việt Nam thể hiện số lượng sáng chế ở Việt Nam nhưng đồng thời cũng phản ánh về sự chưa chú trọng đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ. Do đó, điều quan trọng là cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các chủ thể về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung và sáng chế nói riêng.
Nếu nhận thức về vấn đề này được cải thiện và có thêm đơn vị chuyên trách kết nối giữa nhà nghiên cứu với các doanh nghiệp có nhu cầu thì giá trị sẽ được nâng tầm. Khi đó, lượng đơn sẽ tăng lên. Chuyên gia này cũng hy vọng trong tương lai tỷ lệ lượng đơn đăng ký sáng chế của chủ thể người Việt Nam sẽ thay đổi.
Theo một công bố trước đó của Cục Sở hữu trí tuệ về vấn đề này, trong giai đoạn 2013- 2022, tốc độ tăng trưởng bình quân của đơn đăng ký sáng chế và giải pháp hữu ích tại Việt Nam là 9,11%/năm. Trong khi đó, các chủ thể nước ngoài có tổng số đơn đăng ký sáng chế là 55.774 đơn, cao hơn so với chủ thể Việt Nam (chỉ có 7.012 đơn).
Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm của số đơn đăng ký sáng chế của chủ thể Việt Nam đang tăng lên nhanh hơn so với đơn của chủ thể nước ngoài. Thực tế này cho thấy, các tổ chức, cá nhân trong nước bắt đầu quan tâm nhiều hơn đến đối tượng sở hữu trí tuệ này.
Đại diện Cục Sở hữu trí tuệ dự báo, trong tương lai với sự dịch chuyển đầu tư, sản xuất của chuỗi cung ứng vào Việt Nam, số lượng đơn đăng ký sáng chế của chủ thể nước ngoài sẽ còn tăng cao hơn nữa.
Theo đó, với những hoạt động đào tạo, tuyên truyền, nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của sở hữu trí tuệ, sáng chế, lượng đơn đăng ký sáng chế ở Việt Nam trong thời gian tới sẽ tăng lên.
Khi tạo ra một sáng chế, sản phẩm có giá trị, các chủ thể phải chú trọng bảo vệ tài sản của mình. Đặc biệt với những thiết kế, sáng chế, có khả năng thương mại hóa cao, mang lại giá trị lớn, các chủ thể phải đăng ký bảo vệ. Nếu sáng chế không được đăng ký sẽ là một dự lãng phí. Trong môi trường số, nếu để lộ thông tin, sáng chế có thể bị đối tượng khác đăng ký mất.
Sở hữu trí tuệ ngày càng đóng vai trò quan trọng, mang lại giá trị lớn trong phát triển kinh tế xã hội đất nước. PGS.TS Bùi Thị An nhấn mạnh, sở hữu trí tuệ là tài sản giá trị, là tiền những trí thức nhưng trước đây chưa quan tâm đầy đủ tới vấn đề quyền lợi, giá trị trí tuệ, chất xám của mình.
Do đó, cần giải pháp để bảo vệ quyền tác giả, sáng tạo cho các trí thức một thực chất, từ gốc. Chuyên gia cũng đặt vấn đề về bảo hộ quyền với hoạt động tư vấn của các trí thức nhà khoa học bởi có những tư vấn của chuyên gia trí thức có giá trị rất lớn, đóng góp cho phát triển kinh tế xã hội…
Bện cạnh việc nêu thực trạng về sáng chế và kiểu dáng công nghiệp, thủ tục đăng ký sáng chế…, các chuyên gia cũng thông tin về các sáng chế, kiểu dáng công nghiệp được bảo hộ và không được bảo hộ; những điểm mới trong quy định của Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi có hiệu lực từ năm 2023 về quyền đăng ký và kết quả nhiệm vụ khoa học công nghệ sử dụng ngân sách nhà nước.
Đại diện Hội Sở hữu trí tuệ Việt Nam, bà Nguyễn Thị Thu Hà, Trưởng ban Pháp chế, đã chỉ ra một số thay đổi nổi bật của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ về quyền tác giả, sáng chế, nhãn hiệu, thực thi quyền…