GEMADEPT muốn thoái hết 84,66% tại Cảng Nam Hải Đình Vũ
Tính tới 30/9/2022, Gemadept đang sở hữu 84,66% vốn tại CTCP Cảng Nam Hải Đình Vũ, đơn vị có địa chỉ tại km số 6 Đình Vũ, Phường Đông Hải 2, Quận Hải An, TP. Hải Phòng.
Công ty Cổ phần GEMADEPT (mã GMD-HOSE) thông báo Nghị quyết HĐQT về việc chuyển nhượng cổ phần tại CTCP Cảng Nam Hải Đình Vũ.
Theo đó, Hội đồng quản trị Gemadept đã thông qua việc chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại CTCP Cảng Nam Hải Đình Vũ và uỷ quyền cho Tổng giám đốc tìm kiếm, lựa chọn đối tác phù hợp, thực hiện các thủ tục pháp lý theo pháp luật, đàm phán, ký kết hợp đồng chuyển nhượng sau khi được Cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
Tính tới 30/9/2022, Gemadept đang sở hữu 84,66% vốn tại CTCP Cảng Nam Hải Đình Vũ, đơn vị có địa chỉ tại km số 6 Đình Vũ, Phường Đông Hải 2, Quận Hải An, TP. Hải Phòng.
Được biết, CTCP Cảng Nam Hải Đình Vũ là ưu tiên hàng đầu của Gemadept trong năm 2013, cảng Nam Hải Đình Vũ được hoàn thành và đưa vào khai thác đúng tiến độ, đáp ứng kịp thời nhu cầu hàng hóa đang quá tải tại khu vực Hải Phòng có tổng mức đầu tư trên 1,000 tỷ đồng; công suất thiết kế: 500,000 Teus/năm; diện tích bãi CY: 200,000 m² và khả năng tiếp nhận tàu lên tới 48,000 DWT.
Mới đây, GMD đã thông qua phương án chào bán cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với tỷ lệ 90:30, cổ đông sở hữu 90 cổ phiếu được quyền mua thêm 30 cổ phiếu mới với giá 20.000 đồng/cp. Theo đó, GMD dự kiến sẽ phát hành thêm 100,46 triệu cổ phiếu. Sau phát hành, vốn điều lệ của GMD nâng lên 4.018,37 tỷ đồng.
Thời gian dự kiến triển khai trong năm 2023 và sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.
Tổng số tiền huy động dự kiến là 2.009 tỷ đồng - trong đó, công ty dự kiến dùng 1.000 tỷ đồng tăng vốn góp vào CTCP Cảng Cái Mép Gemadept – Terminal Link để thực hiện đầu tư mở rộng giai đoạn 2; 800 tỷ đồng tăng vốn góp vào CTCP Cảng Nam Đình Vũ để thực hiện đầu tư mở rộng giai đoạn 2 và góp vốn vào các dự án cảng thủy nội địa; và còn lại 209 tỷ đồng sẽ được đầu tư mua sắm tài sản cố định để phát triển hoạt động kinh doanh của Công ty.
Trong báo cáo mới nhất của Công ty Cổ phần Chứng khoán VnDirect, VnDirect đã đánh giá ngành vận tải biển và cảng biển sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 2023 do suy thoái kinh tế gây ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động thương mại cũng như sản lượng vận tải biển.
Tuy nhiên, vẫn có một vài yếu tố hỗ trợ tích cực triển vọng ngành trong năm 2023, bao gồm tình trạng thiếu container đã được giải quyết nhờ nguồn cung container bổ sung trong năm 2022; bên cạnh đó, Trung Quốc đang mở cửa trở lại, điều này sẽ thúc đẩy hoạt động thương mại và tiêu dùng toàn cầu, dự báo giá dầu Brent trung bình sẽ duy trì ở mức khoảng 90 USD/thùng vào năm 2023 và điều này sẽ giúp giảm chi phí nhiên liệu cho các doanh nghiệp vận tải biển và thúc đẩy thương mại toàn cầu.
VnDirect cũng cho biết, ngành cảng biển Việt Nam sẽ tích cực hơn nhờ FDI vào Việt Nam trở lại mạnh mẽ và một số hiệp định thương mại có hiệu lực. Đồng thời, VnDirect cũng kỳ vọng sản lượng container của Việt Nam sẽ tăng trưởng kép 8,6% giai đoạn 2022-30, trong đó các cụm cảng Hải Phòng với tình trạng thừa cung giảm và cụm cảng Cái Mép – Thị Vải đang được nâng cấp & có nhiều cơ chế ưu đãi có tiềm năng nhất trong số các cụm cảng.
Trong giai đoạn 2023-2024, một số dự án mở rộng sẽ được triển khai và đi vào hoạt động như Nam Đình Vũ giai đoạn 2, Gemalink giai đoạn 2 của GMD (6.070 tỷ đồng) và cảng nước sâu của PHP (6.946 tỷ đồng) sẽ mang lại tiềm năng tăng trưởng vượt bậc cho doanh nghệp sở hữu.
Trên cơ sở đó, VnDirect cho biết công ty ưa thích các doanh nghiệp có kế hoạch mở rộng công suất trong khi vẫn duy trì được tăng trưởng lợi nhuận trong những năm tới và công ty lựa chọn GMD và VnDirect đưa PHP, VSC và HAH vào danh sách theo dõi do các công ty này cũng có kế hoạch mở rộng và đang ở mức định giá hấp dẫn.