Giá USD trên thị trường tự do tăng mạnh
Tính từ giữa tháng 7 đến nay, chỉ số DXY đo sức mạnh của đồng USD đã phục hồi hơn 3%, leo lên vùng 102,22 điểm. Ở thị trường trong nước, tỷ giá tuần qua đang leo thang...
Trong tuần từ 31/7 - 4/8, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng qua các phiên. Chốt ngày 4/8, tỷ giá trung tâm ở mức 23.825 VND/USD, tăng mạnh 81 đồng so với phiên cuối tuần trước đó. Ngân hàng Nhà nước niêm yết tỷ giá mua giao ngay ở mức 23.400 VND/USD. Tỷ giá bán giao ngay phiên cuối tuần ở mức 24.966 VND/USD, thấp hơn 50 đồng so với trần tỷ giá.
Tỷ giá liên ngân hàng tiếp tục giao dịch tăng – giảm đan xen qua các phiên. Chốt phiên 4/8, tỷ giá liên ngân hàng đóng cửa tại 23.725 VND/USD, tăng tiếp 40 đồng so với phiên cuối tuần trước.
Tỷ giá trên thị trường tự do cũng tăng mạnh trong tuần qua. Chốt phiên 4/8, tỷ giá tự do tăng 100 đồng ở chiều mua vào và 80 đồng ở chiều bán ra so với phiên cuối tuần trước đó, giao dịch tại 23.730 VND/USD và 23.780 VND/USD.
Tuần từ 31/7 - 4/8, lãi suất VND liên ngân hàng biến động nhẹ ở tất cả các kỳ hạn. Chốt ngày 4/8, lãi suất VND liên ngân hàng giao dịch quanh mức: qua đêm 0,26% (+0,03 %); 1 tuần 0,46% (-0,01 %); 2 tuần 0,7% (không đổi); 1 tháng 1,9% (-0,03 %).
Lãi suất USD liên ngân hàng tăng nhẹ ở các kỳ hạn qua đêm và 1 tuần. Phiên cuối tuần 4/8, lãi suất USD liên ngân hàng đóng cửa ở mức: qua đêm 5,03% (+0,02 %); 1 tuần 5,12% (+0,01 %); 2 tuần 5,21% (không đổi) và 1 tháng 5,33% (không đổi).
Cập nhật thị trường cho thấy, trên thị trường mở tuần từ 31/7 - 4/8, Ngân hàng Nhà nước chào thầu ở kỳ hạn 7 ngày với khối lượng là 15.000 tỷ VND trên kênh cầm cố, lãi suất ở mức 4%. Không có khối lượng trúng thầu. Như vậy, không có khối lượng lưu hành trên kênh cầm cố. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục không chào thầu tín phiếu Ngân hàng Nhà nước.
Trên thị trường Trái phiếu chính phủ, ngày 2/8, Kho bạc Nhà nước chào thầu thành công toàn bộ 5.000 tỷ đồng trái phiếu chính phủ. Trong đó, kỳ hạn 5 năm và 30 năm cùng huy động được 500 tỷ, kỳ hạn 10 năm huy động được 1.500 tỷ và kỳ hạn 15 năm huy động được 2.500 tỷ. Lãi suất trúng thầu các kỳ hạn lần lượt tại 5 năm 1,8% (-0,2 %so với lần trúng thầu trước), 10 năm 2,37% (-0,08%), 15 năm 2,6% (-0,1%) và 20 năm 3,05% (-0,05%).
Trong tuần này, ngày 9/8, Kho bạc Nhà nước chào thầu 5.500 tỷ trái phiếu chính phủ, trong đó kỳ hạn 5 năm chào thầu 500 tỷ, 10 năm và 15 năm chào thầu 2.000 tỷ mỗi kỳ hạn và 30 năm chào 1.000 tỷ.
Giá trị giao dịch Outright (quyền chọn) và Repos (mua lại) trên thị trường thứ cấp tuần qua đạt trung bình 6.038 tỷ đồng/phiên, tăng so với mức 5.292 tỷ đồng/phiên của tuần trước đó. Lợi suất trái phiếu chính phủ tuần qua giảm nhẹ ở hầu hết các kỳ hạn và tăng nhẹ ở kỳ hạn 15 năm.
Chốt phiên 4/8, lợi suất trái phiếu chỉnh phủ giao dịch quanh 1,68% (-0,01 % so với tuần trước); 2 năm 1,68% (-0,01 %); 3 năm 1,72%; 5 năm 1,82% (-0,03 %); 7 năm 2,11% (-0,03 %); 10 năm 2,42%; 15 năm 2,66% (+0,02 %); 30 năm 3,06% (không thay đổi).
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 7/2023, đánh giá tình hình kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm, Chính phủ nhận định, kinh tế - xã hội cả nước tiếp tục duy trì ổn định, phát triển với nhiều điểm sáng, tháng 7 tốt hơn so tháng 6 và cùng kỳ trên nhiều lĩnh vực.
Tuy nhiên, nền kinh tế cũng còn nhiều khó khăn, thách thức. Những vấn đề quan trọng nhất là: (1) ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn còn tiềm ẩn nhiều rủi ro, lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn chịu nhiều sức ép; (2) thu ngân sách nhà nước 7 tháng giảm so cùng kỳ; tỉ lệ nợ xấu nội bảng cao, hấp thụ vốn yếu, tiếp cận vốn còn khó khăn; tăng trưởng tín dụng thấp; (3) điều hành chính sách tiền tệ khó khăn trong bối cảnh nhiều nước tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ; (4) khu vực doanh nghiệp tiếp tục gặp khó khăn, nhất là về khả năng tiếp cận vốn, đơn hàng sụt giảm; (5) cầu trên các thị trường chính, truyền thống suy giảm; (6) công nghiệp tiếp tục phục hồi nhưng chậm.
Vì vậy, Chính phủ lưu ý: (1) đảm bảo và cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa lãi suất và tỉ giá; (2) ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, nhất là 3 động lực tiêu dùng, đầu tư và xuất khẩu; (3) chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, hiệu quả, tiếp tục có những giải pháp phù hợp, hạ lãi suất, nhất là lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ, giãn hoãn nợ, tăng cung tiền và tăng tín dụng phù hợp; (4) chính sách tài khoá mở rộng, có trọng tâm, trọng điểm, tiếp tục giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, đẩy nhanh hoàn thuế, đầu tư công; (5) đảm bảo an ninh tiền tệ, tài chính quốc gia; (6) rút ngắn quy trình, thủ tục xây dựng thể chế cũng như các văn bản quy định pháp luật.