Giá vàng lập kỷ lục mới do nhà đầu tư tăng đặt cược vào mức giảm lãi suất lớn
Trên thị trường giao sau, giá vàng đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua ngưỡng 2.600 USD/oz...
Giá vàng thế giới tăng mạnh, thiết lập một kỷ lục mới trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (13/9), khi nhà đầu tư lạc quan về triển vọng giảm lãi suất tại cuộc họp của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vào tuần tới. Đặt cược gia tăng vào khả năng Fed chọn mức giảm lãi suất lớn hơn đã giúp giá vàng bứt phá mạnh mẽ.
Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay tại thị trường New York tăng 19,4 USD/oz so với mức chốt của phiên trước, tương đương tăng 0,76%, đạt 2.578,7 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 76,8 triệu đồng/lượng, tăng 300.000 đồng/lượng so với mức của sáng hôm qua.
Trên thị trường giao sau, giá vàng đã lần đầu tiên trong lịch sử vượt qua ngưỡng 2.600 USD/oz. Giá vàng giao tháng 12 trên sàn COMEX có lúc lập kỷ lục ở 2.611,7 USD/oz trước khi chốt phiên với mức tăng 25,8 USD/oz, tương đương tăng 1%, đạt 2.606,4 USD/oz.
Sau một thời gian giằng co quanh ngưỡng 2.500 USD/oz do thiếu chất xúc tác mới, giá vàng đã bứt phá mạnh lên kỷ lục mới trong hai phiên ngày thứ Năm và thứ Sáu nhờ lạc quan về việc Fed tiến tới xoay trục chính sách tiền tệ. Triển vọng lãi suất giảm cũng gây áp lực mất giá lên đồng USD, tạo thêm động lực tăng giá cho vàng.
Giá vàng đã tăng hơn 3% trong tuần này và có 34 lần lập kỷ lục từ đầu năm đến nay.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, các nhà giao dịch đang đặt cược khả năng 100% Fed giảm lãi suất trong cuộc họp diễn ra vào ngày thứ Ba và thứ Tư tuần tới. Khả năng Fed chọn mức giảm 0,25 điểm phần trăm đã giảm xuống còn 55% từ mức hơn 70% vào đầu tuần này. Trái lại, khả năng Fed chọn mức giảm 0,5 điểm phần trăm tăng lên mức 45%, từ mức dưới 30% vào đầu tuần.
Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm 0,25% trong phiên ngày thứ Sáu, chốt ở mức 101,11 điểm. Chỉ số giảm 0,06% trong tuần này và giảm 1,32% trong vòng 1 tháng trở lại đây - theo dữ liệu từ trang MarketWatch.
So với đồng yên Nhật Bản, tỷ giá USD giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu năm tới nay.
Theo một số nhà phân tích, mốc 3.000 USD/oz đang là mục tiêu của các nhà đầu cơ giá lên trên thị trường vàng. Các yếu tố hỗ trợ cho giá kim loại quý này trong trung hạn bao gồm chính sách tiền tệ chuyển sang nới lỏng của các ngân hàng trung ương lớn và cuộc đua vào Nhà Trắng sát nút giữa hai ứng cử viên Donald Trump của Đảng Cộng hòa và Kamala Harris của Đảng Dân chủ.
Trưởng phân tích Jim Wyckoff của trang Kitco Metals nhấn mạnh rằng giá vàng đang có một môi trường thuận lợi để tăng, bao gồm việc Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) có đợt giảm lãi suất thứ hai trong năm nay vào hôm thứ Năm tuần này, Fed tiến tới giảm lãi suất vào tuần tới, và lạm phát ở Mỹ tiếp tục xu hướng giảm.
“Thị trường đang kỳ vọng Fed sẽ giảm lãi suất tròn 1 điểm phần trăm trong thời gian còn lại của năm nay. Điều này đồng nghĩa rằng sẽ có một cuộc họp mà Fed giảm lãi suất 0,5 điểm phần trăm. Đó có thể là cuộc họp tháng 11 hoặc tháng 12”, một báo cáo của ngân hàng Commerzbank nhận định.
“Có vẻ kỳ vọng giảm lãi suất quyết liệt như vậy đang là động lực để vàng tăng giá”, báo cáo viết.
Theo một báo cáo vào tuần trước của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) vàng đã mua ròng vàng 4 tháng liên tiếp tính đến tháng 8 vừa qua. Quỹ ETF vàng lớn nhất thế giới SPDR Gold Trust đang nắm 870,5 tấn vàng, mức cao nhất kể từ đầu năm - theo dữ liệu từ website của quỹ.
Hãng tin Reuters cho biết, từ phương diện kỹ thuật, Chỉ số sức mạnh tương đối (Relative Strength Index) của giá vàng đang ở mức 69 điểm, đồng nghĩa giá vàng đang tiến gần tới trạng thái “mua quá nhiều” (overbought). Đây là trạng thái bắt đầu xuất hiện khi chỉ số chạm mốc 70 điểm.