Giá vàng lấy lại mốc 2.400 USD/oz, nhu cầu vàng của Trung Quốc suy yếu
Ấn Độ hạ thuế nhập khẩu vàng giữa lúc nhu cầu tiêu thụ vàng của Trung Quốc yếu đi...
Giá vàng thế giới tăng trở lại mốc 2.400 USD/oz trong phiên ngày thứ Ba (23/7) tại thị trường Mỹ, chấm dứt chuỗi 4 phiên giảm liên tiếp trước đó, trong bối cảnh nhà đầu tư chờ các số liệu kinh tế Mỹ quan trọng sắp được công bố trong tuần này để định hình rõ hơn về khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) hạ lãi suất trong năm nay.
Ấn Độ hạ thuế nhập khẩu vàng giữa lúc nhu cầu tiêu thụ vàng của Trung Quốc yếu đi.
Lúc đóng cửa, giá vàng giao ngay dừng ở mức 2.410 USD/oz, tăng 12,4 USD/oz so với mức chốt của phiên trước, tương đương tăng gần 0,52% - theo dữ liệu từ sàn giao dịch Kitco.
Lúc hơn 8h sáng nay theo giờ Việt Nam, giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á có lúc giảm 1,6 USD/oz so với chốt phiên Mỹ, giao dịch ở mức 2.408,4 USD/oz. Quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank, mức giá này tương đương khoảng 73,9 triệu đồng/lượng, tăng 200.000 đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Theo chiến lược gia trưởng Bart Melek của công ty TD Securities, tâm điểm chú ý nhà đầu tư trên thị trường vàng đã dịch chuyển khỏi các diễn biến chính trị ở Mỹ, trở lại với các số liệu kinh tế Mỹ và khả năng Cục Dự trữ Liên bang (Fed) bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 9.
Tuần này, các số liệu kinh tế có thể khiến kỳ vọng về lãi suất của Fed dịch chuyển bao gồm báo cáo GDP quý 2 công bố vào ngày thứ Năm và báo cáo chỉ số giá tiêu dùng cá nhân (PCE) công bố vào ngày thứ Sáu.
Theo dữ liệu từ công cụ FedWatch Tool của sàn giao dịch CME, thị trường đang đặt cược khả năng hơn 91% Fed bắt đầu hạ lãi suất trong cuộc họp tháng 9, với mức giảm 0,25 điểm phần trăm.
Theo một cuộc khảo sát của hãng tin Reuters, đa số các nhà kinh tế học được hỏi cho rằng Fed sẽ giảm lãi suất 2 lần trong năm nay. Vàng là một tài sản không mang lãi suất nên môi trường lãi suất giảm có lợi cho giá vàng.
“Nếu số liệu PCE công bố tuần này yếu hơn dự báo, giá vàng sẽ hưởng lợi, vì lạm phát suy yếu sẽ thuyết phục thị trường rằng Fed sẽ bắt đầu nới lỏng chính sách tiền tệ vào tháng 9”, ông Melek nói.
Bất kỳ số liệu nào cho thấy sự suy yếu của nền kinh tế Mỹ đều củng cố khả năng Fed hạ lãi suất, từ đó tạo ra lực hỗ trợ cho giá vàng. Giá vàng giữ được mốc chủ chốt 2.400 USD/oz trong phiên ngày thứ Ba một phần do dữ liệu cho thấy thị trường bất động sản Mỹ tiếp tục đi xuống.
Theo Hiệp hội Quốc gia các nhà kinh doanh bất động sản Mỹ (NAR), doanh số bán nhà ở nước này trong tháng 6 giảm 5,4% so với cùng kỳ năm trước, mức giảm sâu hơn kỳ vọng của giới phân tích.
Theo chuyên gia Jim Wyckoff của trang Kitco News, xét ở góc độ kỹ thuật, các nhà đầu cơ giá lên hợp đồng vàng giao tháng 8 vẫn đang giữ ưu thế. Mục tiêu của các nhà đầu cơ giá lên này là đưa giá vàng đóng cửa trên ngưỡng kháng cự mạnh là mức kỷ lục 2.488,4 USD/oz thiết lập gần đây. Trong khi đó, mục tiêu của các nhà đầu cơ giá xuống là đẩy giá vàng xuống dưới ngưỡng hỗ trợ mạnh là mốc 2.300 USD/oz.
Ngưỡng kháng cự đầu tiên sẽ là mức cao của tuần này ở 2.414,4 USD, tiếp đến là 2.425 USD/oz. Ngược lại, ngưỡng hỗ trợ đầu tiên là 2.400 USD/oz, tiếp đến là mức thấp của tuần này là 2.385,2 USD/oz.
“Trạng thái kỹ thuật nói chung của vàng vẫn đang nghiêng về giá lên. Điều này tiếp tục khuyến khích các nhà đầu cơ đặt cược vào sự tăng giá của vàng. Ngoài ra, còn có lực mua bắt đáy mỗi khi giá giảm”, ông Wyckoff phát biểu.
Về nhu cầu vàng vật chất, Ấn Độ vừa hạ thuế nhập khẩu vàng và bạc từ 15% về 6%. Giới chức Ấn Độ nói rằng động thái này có thể làm gia tăng nhu cầu vàng bán lẻ ở quốc gia đông dân nhất thế giới và hạn chế tình trạng buôn lậu vàng vào nước này. Ấn Độ là quốc gia tiêu thụ vàng lớn thứ hai thế giới, sau Trung Quốc.
Động thái của Ấn Độ diễn ra trong bối cảnh nhu cầu vàng của Trung Quốc có dấu hiệu chững lại.
Theo Kitco News, nhiều nhà phân tích lưu ý rằng việc Trung Quốc “điên cuồng” mua vàng là một nguyên nhân chính đưa giá vàng lập kỷ lục liên tiếp trong năm nay. Nhưng giờ đây, nhu cầu vàng của Trung Quốc đang suy yếu.
Theo một báo cáo của công ty BMO Capital Markets, số liệu thương mại gần đây cho thấy nhập khẩu vàng của Trung Quốc trong tháng 6 giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm. “Giá vàng giao ngay ở thị trường Thượng Hải trong tháng 6 này đã giảm xuống mức thấp hơn giá vàng quốc tế. Đây là một hiện tượng hiếm gặp”, báo cáo viết.
Cùng với nhu cầu vàng của người dân và nhà đầu tư suy giảm, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) tạm dừng mua ròng vàng trong tháng 5 và tháng 6, sau 18 tháng mua ròng liên tiếp. BMO cho rằng PBOC có thể sẽ nối lại việc mua vàng dự trữ, nhưng nhu cầu vàng bán lẻ của Trung Quốc khó có thể mạnh trở lại như trước.