Giá vàng thế giới lao dốc khi đồng USD lên đỉnh 5 năm, trong nước mất mốc 70 triệu đồng/lượng
Khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục tăng vì giá vàng trong nước giảm ít hơn...
Giá vàng thế giới giảm sâu dưới mốc chủ chốt 1.900 USD/oz do đồng USD duy trì xu hướng tăng mạnh và đạt đỉnh của 5 năm, khiến giá vàng miếng trong nước sáng nay (28/4) không trụ được mốc 70 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, khoảng cách giữa giá vàng trong nước và thế giới tiếp tục tăng vì giá vàng trong nước giảm ít hơn.
Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 69,25 triệu đồng/lượng (mua vào) và 69,95 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm ngày hôm qua, giá vàng miếng tại doanh nghiệp này hiện giảm 200.000 đồng/lượng ở chiều mua và giảm 150.000 đồng/lượng ở chiều bán.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá 54,85 triệu đồng/lượng và 55,55 triệu đồng/lượng, giảm 350.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 69,2 triệu đồng/lượng và 69,9 triệu đồng/lượng, giảm 200.000 đồng/lượng.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn 17,5 triệu đồng/lượng, từ chỗ cao hơn 17,1 triệu đồng/lượng vào sáng qua. Khi giá vàng thế giới giảm mạnh những ngày gần đây, giá vàng miếng chỉ giảm cầm chừng, dẫn tới khoảng cách giữa giá vàng miếng với giá vàng thế giới quy đổi ngày càng kéo giãn.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 10h trưa theo giờ Việt Nam đứng ở 1.883,8 USD/oz, giảm 3,2 USD/oz so với đóng cửa phiên ngày thứ Tư tại Mỹ. Mức giá này tương đương 52,4 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo tỷ giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan. So với sáng qua, giá vàng thế giới quy đổi hiện giảm 600.000 đồng/lượng.
Vietcombank sáng nay báo giá USD ở mức 22.820 đồng (mua vào) và 23.100 đồng (bán ra), giảm 20 đồng ở cả hai đầu giá so với sáng qua.
Trong phiên New York đêm qua, giá vàng giao ngay sụt 19,7 USD/oz, tương đương giảm hơn 1%, còn 1.887 USD/oz.
Vàng không giữ được mốc giá 1.900 USD/oz và rơi xuống đáy của 2 tháng do đồng USD liên tục mạnh lên.
Về phần mình, đồng bạc xanh tiếp tục được hỗ trợ bởi khả năng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ để chống lạm phát. Ngoài ra, đồng USD cũng là một đối thủ của vàng với vai trò một tài sản an toàn trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc và chiến tranh Nga-Ukraine chưa có hồi kết.
Trong phiên ngày 27/4, chỉ số Dollar Index vượt 103 điểm, cao nhất kể từ tháng 1/2017. Phiên sáng nay, chỉ số này dao động quanh mốc 103,1 điểm, từ mức 102 điểm vào sáng hôm qua.
“Đồng USD đang được mua mạnh như một tài sản an toàn… Vàng sẽ chật vật trong thời gian từ nay đến cuộc họp của Fed”, chiến lược gia Bob Haberkorn của RJO Futures phát biểu.
Thị trường đang dự báo Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tiền tệ diễn ra vào ngày 3-4/5.
Vàng là một tài sản không mang lãi suất và được định giá bằng USD, nên môi trường lãi suất tăng và đồng USD cũng tăng giá như hiện nay đặt ra “trở ngại kép” đối với giá kim loại quý này.
“Hiện tại, không có nhiều nhà đầu tư hứng thu với việc mua vàng”, một báo cáo của TD Securities cho hay.
Trong tháng 4 này, giá vàng thế giới đã giảm 2,5%, trong khi giá vàng miếng SJC bán lẻ tăng khoảng 1 triệu đồng/lượng, tương đương tăng gần 1,5%.
Khoảng cách giữa giá vàng miếng với giá vàng thế giới quy đổi vì thế đã tăng từ mức khoảng 16 triệu đồng/lượng lên mức 17,5 triệu đồng/lượng hiện nay. Khác với ở Việt Nam, giá vàng bán lẻ tại một số nước châu Á như Trung Quốc và Ấn Độ thời gian gần đây thấp hơn giá quốc tế. Tại một số thị trường khác như Singapore, Hồng Kông và Nhật Bản, giá vàng bán lẻ ngang bằng hoặc cao hơn một chút so với giá vàng quốc tế - theo hãng tin Reuters.