Giá vàng thế giới tăng khá mạnh, trong nước đi xuống
Giá vàng thế giới tăng do nhu cầu phòng ngừa rủi ro trong bối cảnh đàm phán Nga-Ukraine không có tiến triển. Trong nước, giá vàng miếng sáng nay (22/3) được một số doanh nghiệp điều chỉnh giảm...
Lúc gần 10h trưa, Tập đoàn Phú Quý niêm yết giá vàng miếng SJC cho thị trường Hà Nội ở mức 67,7 triệu đồng/lượng (mua vào) và 68,7 triệu đồng/lượng (bán ra). So với cùng thời điểm sáng qua, giá vàng miếng SJC tại doanh nghiệp này hiện giảm 100.000 đồng/lượng ở cả hai đầu giá.
Nhẫn tròn trơn 999,9 hiệu Phú Quý có giá mua vào tăng 100.000 đồng/lượng, lên 55,2 triệu đồng/lượng, nhưng giá bán ra đi ngang ở mức 56,2 triệu đồng/lượng.
Tại thị trường Tp.HCM, Công ty SJC báo giá vàng miếng cùng thương hiệu ở mức 68,05 triệu đồng/lượng và 68,95 triệu đồng/lượng, tăng tương ứng 150.000 đồng/lượng và 50.000 đồng/lượng.
So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng miếng SJC bán lẻ đang cao hơn khoảng 15,1-15,4 triệu đồng/lượng.
Giá vàng giao ngay tại thị trường châu Á lúc gần 10h trưa theo giờ Việt Nam đứng ở 1.934 USD/oz, giảm 3 USD/oz so với đóng cửa phiên đêm qua tại New York. Mức giá này tương đương 53,6 triệu đồng/lượng nếu được quy đổi theo giá USD bán ra tại ngân hàng Vietcombank và chưa tính các chi phí liên quan.
Trong phiên Mỹ ngày thứ Hai, giá vàng tăng 14,1 USD/oz, tương đương tăng hơn 0,7%, đạt 1.937 USD/oz.
Chiến sự căng thẳng ở Ukraine thúc đẩy nhiều nhà đầu tư nắm giữ vàng để phòng ngừa rủi ro. Trong khi đó, thị trường vẫn dõi theo cuộc đàm phán ngừng bắn giữa Nga và Ukraine, nhưng tình hình chưa có tiến triển rõ rệt.
“Căng thẳng gia tăng giữa Nga với Ukraine sẽ thúc đẩy nhu cầu nắm giữ vàng. Kim loại quý này cũng sẽ phát huy vai trò kênh đầu tư chống lạm phát nếu giá hàng hoá cơ bản tiếp tục tăng mạnh do lệnh trừng phạt mà phương Tây áp lên Nga”, nhà phân tích Craig Erlam thuộc Oanda phát biểu.
Giá dầu thô đã tăng hơn 7% trong phiên ngày thứ Hai, sau khi có tin Liên minh châu Âu (EU) có thể gia nhập cùng Mỹ áp lệnh cấm nhập khẩu dầu thô từ Nga.
Tuần trước, giá vàng giảm hơn 3% do thị trường kỳ vọng vào một bước tiến trong đàm phán Nga-Ukraine và do việc Cục Dự tữ Liên bang Mỹ (Fed) nâng lãi suất.
Chủ tịch Fed Jerome Powell ngày 21/3 cam kết hành động cứng rắn để chống lạm phát, cho rằng đang có nguy cơ lạm phát cao đe doạ sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế từ đại dịch Covid. Ông Powell nói Fed sẽ làm bất kỳ điều gì cần thiết để đưa lạm phát về tầm kiểm soát, bao gồm cả việc nâng lãi suất với bước nhảy 0,5 điểm phần trăm.
Thị trường đang đặt cược vào khả năng 50-50 Fed nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp tháng 5. Khả năng này thậm chí còn cao hơn đối với cuộc họp tháng 6.
Vàng là một tài sản không mang lãi suất nên thường chịu áp lực mất giá trong môi trường lãi suất tăng, và ngược lại.
Tuy nhiên, một số nhà phân tích cho rằng dù có tăng lãi suất quyết liệt hơn, Fed vẫn chậm hơn so với lạm phát, lãi suất vẫn thực âm, và giá vàng vẫn sẽ giữ được xu hướng tăng.
“Ngay cả khi Fed đẩy nhanh việc tăng lãi suất, lạm phát vẫn cứ đi trước, lãi suất còn thực âm, duy trì một môi trường thuận lợi cho sự tăng giá của vàng trong trung hạn”, một báo cáo của công ty phân tích thị trường kim loại quý Heraeus nhận định.
Đồng USD trên thị trường quốc tế đang tăng giá mạnh do khả năng Fed đẩy nhanh thắt chặt chính sách tiền tệ. Chỉ số Dollar Index sáng nay dao động quanh mốc 98,7 điểm, từ mức 98,3 điểm vào sáng qua.
Giá USD tự do tại Hà Nội sáng nay phổ biến ở mức 23.400 đồng (mua vào) và 23.460 đồng (bán ra), giảm 20 đồng ở cả hai đầu giá so với sáng qua. Ngân hàng Vietcombank giữ nguyên báo giá USD ở mức 22.720 đồng và 23.000 đồng.