Giá vé máy bay quốc tế trên toàn cầu đã hết “sốt”
Trong bối cảnh người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, các chuyên gia dự đoán giá vé có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới. Điều này đặt ra thách thức cho các hãng hàng không trong việc duy trì lợi nhuận và ổn định hoạt động kinh doanh…
Giá vé quốc tế trên toàn cầu đã giảm 6% trong sáu tháng đầu năm 2024, theo dữ liệu của Flight Center Travel Group Ltd có trụ sở tại Brisbane, Úc. Giá các chuyến bay ra khỏi Úc rẻ hơn 13%, trong khi giá vé đến Bali – một trong những điểm du lịch được người Úc yêu thích ở châu Á – giảm đến 18%. Bloomberg nhận định đây là “quá trình tái cân bằng” giữa cung và cầu sau những năm ngành hàng không bùng nổ nhu cầu, dẫn đến neo giá vé ở mức cao trong giai đoạn đại dịch.
Ryanair Holdings Plc, hãng bay giá rẻ đầu tiên ở châu Âu, nói rằng các chuyến bay của hãng sẽ ngày càng rẻ hơn. Tuần này, Ryanair cho biết giá vé sẽ “thấp hơn đáng kể”. Giám đốc tài chính Neil Sorahan cho rằng người tiêu dùng bắt đầu trở nên “tiết kiệm đồng nào hay đồng nấy”. Tương tự, tuần trước, hãng bay Greater Bay Airlines (GBA) của Hồng Kông đã tung ra hàng trăm chuyến bay khứ hồi với giá chỉ 20 đô la Hồng Kông (2,56 đô la Mỹ) một chặng bay.
Là hãng hàng không truyền thống với đầy đủ dịch vụ (full-servie), hôm 23/7 Qantas Airways của Úc đã tung ra hơn 1 triệu vé máy bay nội địa với giá chỉ 109 đô la Úc. Từng nổi tiếng là không thường xuyên thực hiện các đợt giảm giá vé lớn, nhưng từ đầu năm đến nay hãng Qantas đã giảm giá hơn sáu lần. James Kavanagh, CEO mảng du lịch giải trí của hãng Flight Center, nói rằng: “Đó không chỉ là một hiện tượng mà là một xu hướng toàn cầu. Các hãng hàng không chắc chắn không còn thổi phồng giá vé như trong đại dịch và hậu đại dịch”.
Ở chiều ngược lại, dự báo nhu cầu đi lại dịp Hè đạt kỷ lục được cho là sẽ mang lại lợi nhuận “khủng” cho các hãng hàng không, song những báo cáo tài chính quý 2 dường như không mấy khả quan. Mặc dù lưu lượng đi lại bằng đường hàng không nhiều hơn, song các hãng hàng không nhận thấy nguồn cung chỗ ngồi lại đang dư thừa, khiến họ phải hạ giá vé để lấp đầy máy bay, qua đó ảnh hưởng đến lợi nhuận.
Giám đốc điều hành các hãng hàng không cho rằng công suất dư thừa là do quan điểm quá lạc quan về nhu cầu đi lại, vốn theo các dự báo là rất mạnh. Cục An ninh Vận tải Mỹ (TSA) cho hay trong 6 tháng đầu năm 2024, ngành hàng không đã phục vụ trung bình khoảng 2,46 triệu lượt hành khách mỗi ngày, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài áp lực giảm giá, các hợp đồng lao động mới và chi phí thuê máy bay và bảo trì cao hơn đã đẩy chi phí hoạt động của ngành lên cao.
Các hãng hàng không châu Âu, trong đó có hãng hàng không giá rẻ của Anh easyJet sẽ công bố kết quả kinh doanh vào ngày 24/7, và Air France-KLM sẽ thông báo kết quả quý 2 vào ngày 25/7. Một số nhà phân tích lo ngại rằng Air France-KLM có thể chưa vực dậy được sau quý 1 yếu kém. Hãng hàng không Deutsche Lufthansa đã cắt giảm dự báo thu nhập năm 2024 lần thứ hai và trong tuần trước đã đưa ra cảnh báo lợi nhuận cho quý 2 do lợi suất yếu hơn.
Ngày 22/7, hãng hàng không Ryanair đã công bố kết quả kinh doanh quý 2, trong đó lợi nhuận của Ryanair giảm gần 50% trong quý này sau khi giá vé giảm 15% do khách hàng ngần ngại trước giá vé cao hơn. Cổ phiếu của các hãng hàng không châu Âu đã giảm trên diện rộng trong ngày 22/7, trong đó cổ phiếu của Ryanair bị ảnh hưởng nặng nề nhất, giảm 14%.
Trước tình trạng này, một số chủ quản của các hãng hàng không không khỏi lo lắng và các nhà đầu tư cũng cảm thấy bất an. Theo tờ The Business Times, tại Triển lãm hàng không Farnborough ở Anh hôm 23/7, Chủ tịch Emirates Tim Clark cảnh báo việc một số hãng hàng không đột ngột giảm giá vé có thể gây ra “cuộc chạy đua giảm giá xuống đáy”.
Clark nói rằng các điều kiện của kinh doanh hàng không đang thay đổi. “Chỉ cần một trong hãng lớn giảm giá, các hãng khác sẽ làm theo. Mọi người cần phải giữ vững tinh thần”, Chủ tịch Emirates nhấn mạnh. Trong khi đó, Katy Nastro của trang đặt vé máy bay Going.com cho rằng điều này là tất yếu. “Giá vé máy bay đã trở về mức bình thường như trước dịch trong năm 2023. Dự kiến trong cả năm 2024 giá cũng sẽ ở mức bình thường. Đỉnh điểm giá cao vào tháng 5/2022 đã hoàn toàn biến mất”, bà Nastro nói.
Triển lãm hàng không quốc tế Farnborough - một trong những sự kiện lớn nhất ngành hàng không thế giới - đang được tổ chức tại Anh. Trong ngày đầu tiên, số hợp đồng mua bán máy bay trị giá 39,3 tỷ bảng (50,8 tỷ USD) đã được ký kết. ADS Group - công ty tổ chức triển lãm Farnborough cho biết con số này dựa trên giá niêm yết của các hãng. Hãng sản xuất máy bay Airbus nhận sự chú ý lớn khi trưng bày mẫu A321XLR sắp ra mắt. Đây là máy bay thân hẹp có tầm bay xa nhất thế giới vừa được giới chức châu Âu cấp phép tuần trước.
Theo CNBC, những chiếc A321XLR đầu tiên dự kiến được giao trong quý III, chậm một năm so với kế hoạch. Việc này cho thấy vấn đề cố hữu của ngành hàng không - chậm bàn giao và chuỗi cung ứng gián đoạn. Boeing cũng nhận được một số đơn hàng lớn. Hãng hàng không Hàn Quốc Korea Air ký hợp đồng mua 40 chiếc thân rộng, gồm 20 chiếc 777X và 20 chiếc 787-10 Dreamliner. Japan Airlines (Nhật Bản) cũng đặt hàng 10 chiếc 787-9 Dreamliners, kèm tùy chọn mua thêm 10 chiếc nữa.
Bà Sally Gethin, Chuyên gia phân tích ngành hàng không, nhận định: "Tôi không cho rằng ngành hàng không đang gặp khủng hoảng. Lĩnh vực hàng không có tính chu kỳ cao, và sau giai đoạn khó khăn trong đại dịch, triển vọng thị trường vẫn đang đi lên, đặc biệt ở mảng hàng không thương mại. Thách thức lớn nhất lúc này là tình trạng thiếu hụt linh kiện, khiến các hãng hàng không phải chờ đợi".
Bên cạnh đó, triển lãm Farnborough cũng là nơi các nhà sản xuất thể hiện những nỗ lực mới nhất về giảm phát thải. Chẳng hạn, Airbus đã công bố các thiết kế mới về cánh và động cơ để giảm tiêu thụ nhiên liệu và hỗ trợ sử dụng nhiên liệu máy bay bền vững, hay SAF. Lĩnh vực nghiên cứu phát triển SAF đã có những phát triển mạnh mẽ thời gian gần đây, tuy nhiên chi phí vẫn là thách thức lớn nhất.