Giá vé máy bay Tết quá cao, du lịch nội địa sẽ “thất thu”?
Ngay khi lịch nghỉ Tết Nguyên đán 2024 của công chức, viên chức được công bố, các hãng hàng không Việt Nam đã đồng loạt mở bán vé máy bay để phục vụ nhu cầu đi lại, về quê, du lịch…
Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, tổng sản lượng hành khách đi lại trong dịp tết đạt khoảng 10 triệu, tăng 149,3% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, khách quốc tế đạt 2,4 triệu, khách nội địa đạt 7,6 triệu. Còn dịp tết năm nay, theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, từ ngày 15 tháng Chạp đến 15 tháng Giêng có khoảng 5,6 triệu vé nội địa và 2,4 triệu vé quốc tế. Hiện tại, các hãng hàng không chưa có kế hoạch tăng chuyến bay phục vụ Tết.
Vé mở bán sớm, tuy nhiên nhiều người lao động tại TP.HCM bày tỏ sự lo lắng khi có thể phải bỏ ra số tiền khá lớn để về quê ,so với việc mua vé máy bay ngày thường. Qua ghi nhận, giá vé ngày tết từ ngày 7/2 đến 15/2/2024 (những ngày cao điểm trước và sau Tết Nguyên đán) từ các hãng hàng không như Vietnam Airlines, Vietjet Air, Bamboo Airway từ TP.HCM đi các địa phương đều khá cao.
Chẳng hạn chặng TP.HCM - Vinh (Nghệ An) còn vé bay khung giờ 2h15 ngày 8/2 của Vietnam Airlines, giá 3,5 triệu đồng/vé/chiều, chuyến 23h có giá vé không dưới 5,3 triệu đồng/vé/chiều (giá đã bao gồm thuế, phí). Giá vé của Vietjet Air trên cùng chặng từ 3,5 triệu đồng/vé/chiều.
Ở chặng TP.HCM - Thanh Hóa, giá vé của Vietjet Air và Bamboo Airways từ 3,4 - 3,5 triệu đồng/vé/chiều. Chặng TP.HCM - Bình Định có giá vé dao động từ 2,5 - 5 triệu đồng/lượt. Giá vé các chặng từ TP.HCM đi Đà Nẵng, Huế… của các hãng ở mức từ 2,2 -2,5 triệu đồng/vé/chiều. Với chặng bay TP.HCM - Hà Nội khởi hành ngày 8/2, giá vé của Vietjet Air trung bình 2,8 triệu đồng/chiều, Vietravel Airlines, Bamboo Airways từ 3,1 - 3,4 triệu đồng/vé/chiều, Vietnam Airlines từ 3,5 triệu đồng/vé/chiều.
Các mức giá này rất cao, có trường hợp cao gấp đôi. Theo các hãng bay, tổng cộng gần 6 triệu vé được hãng bay nội đã mở bán, trừ số chặng bay tỉnh có lượng khách mua vé nhiều, còn các đường bay trục vẫn chậm. Đại diện Vietravel Airlines cho biết vé Tết năm nay không chỉ có sự cạnh trạnh giữa các hãng hàng không, mà còn có sự cạnh tranh giữa thị trường hàng không với đường bộ và đường sắt vì người lao động thắt chặt chi tiêu dịp cuối năm.
Một chuyên gia hàng không cho biết, việc các hãng hàng không rơi vào khó khăn, đã gây ra những thiệt thòi nhất định cho hành khách, đặc biệt giá vé bay nội địa. Các năm trước (không kể giai đoạn ảnh hưởng dịch Covid-19), với nội lực sẵn có và cạnh tranh, các hãng thường tung nhiều đợt khuyến mại giá vé nội địa, đặc biệt là vào giai đoạn thấp điểm (sau Tết nguyên đán, mùa Thu). Tuy nhiên, năm nay, các đợt khuyến mại hay giảm giá vé máy bay nội địa rất ít, kể cả giai đoạn thấp điểm. Với giai đoạn cao điểm như dịp Tết Nguyên đán sắp tới, người dân cũng khó kỳ vọng có vé máy bay giá rẻ.
Việc giá vé máy bay tăng cao đã khiến cho người dân chần chừ trong việc lên kế hoach về quê ăn Tết hoặc đi du lịch. Với các tour du lịch, giá vé máy bay luôn chiếm 40% - 60% tổng giá tour nên rất có thể du khách sẽ suy nghĩ lại và chọn các điểm đến khác, thậm chí là xuất ngoại như Thái Lan hay Singapore. Và thực tế số liệu từ cục hàng không cũng cho thấy một hiện tượng khách đi du lịch trong nước đang sụt giảm trong khi số lượng khách du lịch nước ngoài lại tăng mạnh.
Theo các đơn vị lữ hành, năm nay du khách Việt có xu hướng chọn những điểm đến gần Việt Nam như Thái Lan, Singapore, liên tuyến Singapore - Malaysia, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Trong đó, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan nhiều khả năng là những sản phẩm chủ lực do các thị trường này duy trì được sức hút trong thời gian qua, thời gian bay đều không quá dài. Hiện nhiều đơn vị lữ hành chưa mở bán tour nội địa dip Tết vì nhu cầu từ khách còn thấp. Đa số tập trung khai thác sản phẩm mùa thu đông như du lịch miền bắc, miền tây.
Ông Nguyễn Hữu Cường, Tổng giám đốc Tràng An Travel, nhận xét hiện tại "rất hiếm vé rẻ", đặc biệt với chuyến bay khởi hành từ Hà Nội hoặc TP.HCM dịp Tết. Theo ông Cường, giá vé khứ hồi bay nội địa của các hãng hàng không trên một số đường bay trong dịp Tết bằng, thậm chí cao hơn giá tour du lịch trọn gói đến Singapore, Thái Lan, Campuchia cùng thời điểm. "Giá vé máy bay cao là một trong những nguyên nhân khiến du khách chuyển hướng du lịch nước ngoài dịp lễ Tết thay vì du lịch nội địa", ông Cường nói. "Điều này có tác động không tốt với du lịch nội địa".
Lấy ví dụ một tour 5 ngày 4 đêm khởi hành từ TP.HCM đi Đài Loan vào mùng 1, mùng 2 và mùng 8 Tết hiện đang được một đơn vị lữ hành lớn bán với giá 12 triệu đồng mỗi khách. Trong khi đó, một tour TP.HCM đi Quy Nhơn và Phú Yên cùng thời điểm được công ty này bán với giá khoảng 9,5 triệu đồng. "Giá tour nội địa năm nay tăng khoảng 30% so với mức bình thường, chủ yếu đến từ việc vé máy bay tăng cao", đại diện Tràng An Travel nói.
Từng có kinh nghiệm khai thác mảng hàng không, ông Trần Tiến Đạt, CEO Aza Travel đánh giá nhu cầu đi lại dịp Tết hàng năm thường tương đối ổn định, do đó ông Đạt đề xuất các cơ quan chức năng, đơn vị liên quan cần dự đoán tổng lượng khách là bao nhiêu, có kế hoạch tăng cường chuyến ngay từ đầu để có lượng cung đầy đủ, bù chi phí bán lệch đầu cho ngành hàng không.
CEO Aza Travel đánh giá, nếu có phương án sớm về vận tải hành khách mùa cao điểm, ngành hàng không sẽ tạo môi trường lành mạnh, hành khách không phải mua vé giá quá cao. Không có tình trạng hãng bay ế vé mà công ty du lịch cũng không thể bán nhiều tour hơn vì không có giá tốt ngay từ sớm. “Từ đó, công ty du lịch kết hợp với hàng không để mua vé máy bay giá cả phải chăng từ sớm, thúc đẩy tour Tết để tránh tình trạng chảy máu ngoại tệ, vì khách hàng thấy vé nội địa đắt quá nên chuyển hướng đi nước ngoài”, ông Đạt khẳng định.