Giá xăng hạ nhiệt, gần 50% doanh nghiệp vận tải tuyến cố định đã giảm giá cước
Khoảng 44,6% đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định kê khai giảm giá cước sau khi giá xăng hạ nhiệt, Bộ Giao thông vận tải cho biết.
Theo Bộ Giao thông vận tải, từ đầu năm 2022, giá nhiên liệu liên tục tăng cao, ảnh hưởng đến chi phí vận tải và giá dịch vụ vận tải của các doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải. Tại thời điểm giá nhiên liệu tăng cao, một số doanh nghiệp, đơn vị kinh doanh vận tải điều chỉnh tăng giá dịch vụ vận tải để bù đắp chi phí như: Giá cước hành khách vận tải đường bộ điều chỉnh tăng, giá cước vận tải hàng hóa đường bộ tăng khoảng từ 10-20% tùy theo cung đường và loại hàng hóa, giá cước vận tải hàng hóa đường sắt điều chỉnh tăng từ 3-5% so với giá cước đã công bố từ đầu năm, giá vé trên các tuyến vận tải hành khách từ bờ ra đảo tăng từ 15-20% so với năm 2021.
Bên cạnh đó cũng có các doanh nhân, đơn vị kinh doanh vận tải không điều chỉnh tăng giá như giá vé dịch vụ vận tải hành khách đường thủy nội địa; giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa được thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt nên các hãng hàng không vẫn có thể chủ động điều chỉnh các mức giá và tỉ lệ bán vé tương ứng với từng mức giá để giảm thiểu tác động về chi phí do biến động của giá nhiên liệu.
Từ tháng 7/2022 đến nay, sau khi Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành đã thực hiện các giải pháp để điều hành giảm giá nhiên liệu nhằm bình ổn giá trên thị trường. Bộ Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị rà soát và hoàn thiện hệ thống các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn có liên quan đến công tác quản lý giá thuộc thẩm quyền; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về việc kê khai, niêm yết giá và việc bán vé đúng giá niêm yết đối với các đơn vị kinh doanh vận tải.
Thống kê cho thấy, ở lĩnh vực đường bộ, đến thời điểm hiện tại khoảng 63,98% các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe taxi sau khi kê khai tăng giá đã giảm hoặc đã thực hiện kê khai giảm giá (từ 800 đến 1.000 đồng/km) tương đương từ 4,5% đến 12%.
Khoảng 44,6% đơn vị kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định cũng giảm khoảng 5,26% đến 14,7%; các loại hình vận tải du lịch, hợp đồng giảm theo thỏa thuận khi ký kết hợp đồng vận chuyển giá tăng giảm theo từng thời điểm.
Với đường sắt, kể từ thời điểm giá dầu đồng loạt giảm, các công ty vận tải đường sắt đã thực hiện 2 đợt giảm giá. Giá cước vận tải hàng hóa thực hiện giảm 5%, vận tải hành khách giảm 5-10%.
Ở lĩnh vực hàng không, các hãng hàng không đều triển khai thực hiện kê khai nhiều dải giá từ thấp đến cao, bảo đảm không vượt mức giá tối đa quy định tại Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT ngày 3/5/2019 của Bộ trưởng Bộ GTVT và thực hiện niêm yết giá công khai trên trang thông tin điện tử của hãng.
Đối với công tác phục vụ vận tải hành khách và các dịp lễ, tết, hàng năm, Bộ Bộ Giao thông vận tải đã có nhiều các văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị về việc tăng cường công tác vận tải phục vụ tốt nhu cầu đi lại của người dân vào các dịp nghỉ lễ như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, nghỉ lễ 30/4-1/5, dịp Quốc khánh 2/9,…
Bộ GTVT chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan trong toàn ngành Bộ Giao thông vận tải tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tàu, vé xe theo quy định.
Kết quả cho thấy trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán năm 2022, dịp lễ 30/4 - 1/5, năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ được nâng cao, bảo đảm an toàn và giao thông thông suốt, ngay cả trong các ngày cao điểm phục vụ tết, không xảy ra hiện tượng người dân không có phương tiện đi lại; công tác phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân được bảo đảm tốt, các phản ánh về thu giá vé cao đã giảm nhiều so với các năm trước đây.
Trong thời gian tới, Bộ Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện kê khai giá cước, niêm yết giá cước vận tải, giá vé tàu, vé xe theo quy định, đặc biệt là dịp lễ, tết, tiếp tục theo dõi nắm bắt tình hình diễn biến của giá nhiên liệu để chỉ đạo kịp thời việc kê khai giá của doanh nghiệp, đơn vị vận tải phù hợp với giảm giá nhiên liệu… để phục vụ tốt nhu cầu đi lại chính đáng của người dân.
Trước đó, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp theo dõi sát diễn biến giá cả thị trường, nắm tình hình cân đối cung - cầu hàng hóa, dịch vụ để chủ động tham mưu cấp có thẩm quyền phương án kịp thời nhằm bình ổn thị trường; kiểm tra, kiểm soát việc chấp hành pháp luật về giá, các biện pháp kê khai giá, niêm yết giá và xử lý nghiêm theo thẩm quyền các trường hợp lợi dụng để tăng giá bất hợp lý.
Các cơ quan, đơn vị chủ động rà soát các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý giá để ban hành hoặc kịp thời kiến nghị sửa đổi, bổ sung các nội dung có vướng mắc, chồng chéo không phù hợp với thực tiễn tạo thuận lợi cho quản lý điều hành giá.
Đối với hàng hóa, dịch vụ thuộc danh mục kê khai giá, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục chuyên ngành, các doanh nghiệp rà soát phương án giá đã kê khai, kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, thực hiện đồng bộ có hiệu quả các giải pháp tiết giảm chi phí để tiếp tục giảm giá, hỗ trợ người tiêu dùng, đánh giá việc điều chỉnh giá phù hợp với biến động của các yếu tố đầu vào, đặc biệt là chi phí xăng dầu đơn vị thực hiện kê khai giảm giá kịp thời.
Đối với hàng hóa dịch vụ thuộc danh mục nhà nước định giá, Bộ Giao thông vận tải yêu cầu Tổng cục Đường bộ Việt Nam, các Cục chuyên ngành, các doanh nghiệp thuộc rà soát phương án giá, trường hợp yếu tố hình thành giá giảm, đề nghị trình cấp có thẩm quyền điều chỉnh giá phù hợp với diễn biến, mặt bằng giá thị trường theo đúng quy định.
Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp công khai, minh bạch thông tin giá, nhất là với nguyên, nhiên, vật liệu hàng hóa thiết yếu là đầu vào cho sản xuất; giá cước vận tải, hạn chế tối đa các tác động tăng giá do yếu tố tâm lý, kỳ vọng lạm phát, tránh các tin đồn thất thiệt gây ảnh hưởng đến mặt bằng giá cả thị trường, đời sống người dân. Công khai trên phương tiện thông tin đại chúng các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vi phạm.