"Giấc mơ" vượt Mỹ của kinh tế Trung Quốc ngày càng xa vời?

Hoài Thu
Chia sẻ

Tăng trưởng giảm tốc mạnh của Trung Quốc năm qua đã khiến nhiều chuyên gia suy nghĩ lại về khả năng nước này vượt qua Mỹ thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào cuối thập kỷ này. Một số thậm chí nghi ngờ khả năng Trung Quốc làm được điều này trong tương lai....

Một số nhà nghiên cứu cho rằng khả năng Trung Quốc vượt qua nền kinh tế Mỹ sẽ phụ thuộc vào những thay đổi chính sách lớn của Bắc Kinh - Ảnh: WSJ
Một số nhà nghiên cứu cho rằng khả năng Trung Quốc vượt qua nền kinh tế Mỹ sẽ phụ thuộc vào những thay đổi chính sách lớn của Bắc Kinh - Ảnh: WSJ

Cho đến gần đây, nhiều nhà kinh tế vẫn dự báo Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ về tổng sản phẩm trong nước (GDP) vào cuối thập kỷ này – điều mà nhiều người cho là hiện tượng tăng trưởng kinh tế phi thường nhất từ trước tới nay.

Tuy nhiên, triển vọng của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã trở nên u ám trong năm nay, khi các chính sách của Chính phủ nước này – bao gồm chiến lược Zero Covid và nỗ lực kiểm soát đầu cơ bất động sản – đã kìm hãm tăng trưởng, theo tờ Wall Street Journal.

KHÓ VƯƠN LÊN HẠNG NHẤT

Khi xem xét lại dự báo 2022, các nhà kinh tế tỏ ra lo lắng hơn về triển vọng dài hạn của Trung Quốc, với điều kiện nhân khẩu học trở nên kém thuận lợi và mức nợ cao có khả năng gây áp lực đối với bất kỳ sự phục hồi nào.

Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Kinh doanh (CEBR), một tổ chức tư vấn của Anh, từng dự báo Trung Quốc sẽ vượt Mỹ trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới vào 2028. Tuy nhiên, trong báo cáo cập nhật mới đây, tổ chức này đã lùi thời điểm thêm 2 năm tới năm 2030.

Tỏ ra kém lạc quan hơn, Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Nhật Bản có trụ sở tại Tokyo nhận định việc Trung Quốc vượt qua Mỹ sẽ không thể xảy ra cho đến năm 2033, muộn hơn 4 năm so với dự báo trước đó của họ. Một số tổ chức khác thậm chí còn hoài nghi khả năng vươn lên hạng nhất của của nền kinh tế số 2 thế giới.

Theo cựu Bộ trưởng Tài chính Mỹ Lawrence Summers, dân số già và việc Chính phủ Trung Quốc ngày càng có xu hướng can thiệp vào hoạt động của doanh nghiệp, cùng với những thách thức khác, đã khiến ông giảm đáng kể kỳ vọng về tăng trưởng của nước này.

Ông chỉ ra điểm tương đồng giữa những dự báo về sự trỗi dậy của Trung Quốc và các tiên lượng trước đây về khả năng Nhật Bản hoặc Nga sẽ vượt qua Mỹ.

“Những dự đoán như vậy giờ đây nhìn lại thấy thật nực cười. Điều tương tự có khả năng cũng sẽ xảy ra với Trung Quốc”, ông Summers, hiện là giáo sư Đại học Harvard, nói.

Đồ họa: WSJ
Đồ họa: WSJ

Các nhà nghiên cứu cũng tranh luận việc xếp hạng GDP có ý nghĩa như thế nào và liệu có thay đổi nhiều nếu Trung Quốc vượt qua Mỹ hay không.

Nhiều người cho rằng độ sâu và độ mở của nền kinh tế đồng nghĩa rằng Mỹ vẫn sẽ có sức ảnh hưởng lớn. Đồng USD được dự báo sẽ vẫn là tiền tệ dự trữ của thế giới trong nhiều năm tới.

Ông Leland Miller, CEO công ty nghiên cứu China Beige Book, cho rằng quy mô nền kinh tế không phản ánh chất lượng tăng trưởng.

“Mức sống ở Mỹ - được đo bằng GDP bình quân đầu người - cao hơn 5 lần so với ở Trung Quốc và khó có thể sớm thu hẹp khoảng cách này”, ông cho biết.

Tuy nhiên, sự thay đổi trong bảng xếp hạng sẽ là một chiến thắng về mặt danh tiếng cho Bắc Kinh, khi họ tìm cách cho thế giới và chính người dân của mình thấy rằng mô hình của họ vượt trội hơn so với phương Tây và rằng Mỹ đang suy giảm cả về chính trị và kinh tế. Theo thời gian, việc này có thể dẫn tới những thay đổi thực chất hơn khi nhiều quốc gia định hướng lại nền kinh tế của họ để phục vụ thị trường Trung Quốc.

"Nếu Trung Quốc tăng trưởng chậm lại đáng kể, việc này sẽ ảnh hưởng đến triển vọng quyền lực của họ", ông Summers nhận xét.

Năm 2020, khi Trung Quốc phục hồi nhanh hơn so với Mỹ từ các đợt bùng phát Covid-19 đầu tiên, nền kinh tế Trung Quốc được dự báo có thể vượt qua Mỹ sớm hơn dự kiến, nhưng tình hình đã đảo ngược.

Dù vậy, một số nhà kinh tế tỏ ra ít lo ngại về các mối đe dọa ngắn hạn với tăng trưởng của Trung Quốc.

“Dân số lớn hơn đồng nghĩa rằng cuối cùng nền kinh tế của Trung Quốc vẫn sẽ lớn gấp đôi so với Mỹ”, ông Justin Yifu Lin, cựu Kinh tế trưởng tại Ngân hàng Thế giới (WB), lập luận tại một diễn đàn ở Bắc Kinh hồi tháng 5.

Ông dự đoán quá trình đó sẽ tiếp tục bất chấp sự suy thoái gần đây nhất của nước này.

KHÓ KHĂN BỦA VÂY TRUNG QUỐC

Tuy nhiên, các vấn đề kinh tế tiếp tục chồng chất ở Trung Quốc, một phần là do chính sách chống dịch và chính sách kiềm chế nợ. Suy thoái thị trường bất động sản không có dấu hiệu thuyên giảm.

Một chỉ số theo dõi niềm tin của người tiêu dùng Trung Quốc đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập kỷ vào mùa xuân năm nay. Tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên thành thị nước này đang ở mức cao kỷ lục.

Thị trường bất động sản suy thoái đã góp phần làm tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc giảm tốc - Ảnh: Shutterstock
Thị trường bất động sản suy thoái đã góp phần làm tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc giảm tốc - Ảnh: Shutterstock

Viện Lowy, một tổ chức tư vấn của Australia, dự báo tăng trưởng của Trung Quốc chỉ đạt bình quân khoảng 2% đến 3% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2050, thấp hơn nhiều so với các dự báo khác là khoảng 4-5%. Những lý do cho dự báo này là yếu tố nhân khẩu học không thuận lợi, lợi nhuận từ đầu tư cơ sở hạ tầng giảm, cùng nhiều thách thức khác.

“Dù tăng trưởng từ 2% đến 3% một năm, Trung Quốc vẫn có thể trở thành nền kinh tế lớn nhất thế giới", Viện Lowy nhận định. “Tuy nhiên, nước này sẽ không bao giờ có vị trí dẫn đầu thật sự như Mỹ. Họ sẽ vẫn kém thịnh vượng và năng suất đầu người kém hơn nhiều so với Mỹ thậm chí là vào giữa thế kỷ này".

Theo tổ chức này, sự tăng trưởng cũng sẽ không đủ để mang lại bất kỳ lợi thế cạnh tranh đáng kể nào cho Trung Quốc. Ngoài ra, sự suy thoái kinh tế hơn nữa của nước này kể từ khi dự báo được công bố vào tháng 3 "ít nhất đã đẩy lùi thời điểm Trung Quốc có thể vượt Mỹ và nhiều khả năng Trung Quốc không bao giờ làm được điều này trên thực tế”.

Theo số liệu của WB, năm 2021, GDP tính theo USD của Trung Quốc bằng 77% quy mô của kinh tế Mỹ, tăng từ 13% năm 2001. Các nhà nghiên cứu của Capital Economics cho rằng kịch bản khả dĩ nhất là nền kinh tế Trung Quốc sẽ mở rộng lên khoảng 87% quy mô của Mỹ vào năm 2030, trước khi giảm trở lại mức 81% vào năm 2050.

Hai trong số các nguyên nhân là dân số trong độ tuổi lao động của Trung Quốc đang giảm xuống và tăng trưởng năng suất yếu.

“Điểm yếu của những khủng hoảng đã xuất hiện và phát triển trong một thời gian dài”, ông Mark Williams, Giám đốc kinh tế châu Á của Capital Economics, giải thích.

Xếp hàng để xét nghiệm Covid-19 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Chiến lược Zero Covid đã kìm hãm tăng trưởng kinh tế nước này - Ảnh: Shutterstock
Xếp hàng để xét nghiệm Covid-19 ở Bắc Kinh, Trung Quốc. Chiến lược Zero Covid đã kìm hãm tăng trưởng kinh tế nước này - Ảnh: Shutterstock

Một số nhà nghiên cứu cho rằng khả năng Trung Quốc vượt Mỹ sẽ phụ thuộc vào việc nước này có theo đuổi các thay đổi về chính sách kinh tế hay không.

“Trung Quốc có thể vượt qua Mỹ về GDP vào năm 2035 nếu họ năng tuổi nghỉ hưu, cho phép nhiều lao động ở nông thôn di cư tới thành thị và thực hiện các bước để nâng cao năng suất lao động như chi tiêu nhiều hơn cho giáo dục và y tế”, ông Bert Hofman, giám đốc Viện Đông Á tại Đại học QUốc gia Singapore, cũng từng là một nhà kinh tế tại WB, nhận định. “Tuy nhiên, Trung Quốc sẽ không thể bắt kịp Mỹ nếu các nhà hoạch định chính sách chỉ theo đuổi những cải cách hạn chế hoặc nếu Trung Quốc rơi vào khủng hoảng nợ”.

Ông cũng cho rằng việc phân ly khỏi Mỹ sâu sắc hơn cũng có thể khiến Trung Quốc khó tiến xa hơn vì dòng kiến thức từ nước ngoài bị gián đoạn.

Các nhà kinh tế khác lo ngại rằng việc so sánh quy mô kinh tế có nguy cơ khơi dậy chủ nghĩa dân tộc – điều có thể gây bất lợi cho cả hai quốc gia.

“Nhiều người quên mất thực tế rằng các nền kinh tế cùng được hưởng lợi", ông Andy Rothman, chiến lược gia đầu tư tại Matthews Asia, nhận xét.

Ông dẫn chứng rằng kể từ khi Trung Quốc gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc đã tăng hơn 600% và phần còn lại của thế giới cũng tăng 126%.

"Thật sai lầm khi nhìn nền kinh tế Trung Quốc và Mỹ như một trò chơi có tổng bằng 0”, ông nói.

Tin liên quan

Khởi nghiệp

Hồ sơ Startup

Citigo là công ty công nghệ cung cấp những giải pháp đơn giản với chi phí tiết kiệm, giúp khách hàng nâng cao hiệu quả kinh doanh. Citigo hướng tới tầm nhìn trở thành công ty cung cấp giải pháp công nghệ cho doanh nghiệp phổ biến tại Đông Nam Á
ESBT là công ty hoạt động trọng lĩnh vực công nghệ thông tin, chúng tôi xây dựng những sản phẩm phần mềm cho cộng đồng và cung cấp dịch vụ phát triển phần mềm cho các doanh nghiệp
Lozi là một trong những ứng dụng thương mại điện tử được yêu thích nhất tại Việt Nam, kết nối hàng triệu người mua và người bán nhằm phục vụ nhu cầu mua bán trực tuyến ngày càng cao. Không chỉ là một cầu nối thương mại điện tử đáng tin cậy, Lozi còn cung cấp dịch vụ giao hàng nhanh chóng và tiện lợi chỉ trong 1 giờ, đem đến cho khách hàng những trải nghiệm mua sắm trực tuyến hiệu quả và tối ưu
Bắt nguồn từ mong muốn mang chất lượng dạy Tiếng Anh tại Trường Quốc tế đến với mọi học sinh Việt Nam, để các bạn nhỏ dù không có điều kiện kinh tế theo học tại các Trường Quốc Tế hay Trung Tâm đắt tiền vẫn có thể sử dụng Tiếng Anh tốt như người bản ngữ. Đây chính là hành trang chuẩn bị cho các em tương lai vươn ra thế giới. Chính vì lý do trên, đội ngũ sáng lập đã bắt tay vào xây dựng sản phẩm đầu tiên có tên “Chương trình học Tiếng Anh Online EDUPIA”.
Công ty TNHH SA-ACH định vị về lĩnh vững trồng rừng, phát triển gồm 3 loại cây và bốn tầng cây trên một hecta đất nhằm tạo hệ sinh thái bền vững, và nâng cao thu nhập cho bà con