Giải báo chí quốc gia phải là giải uy tín nhất đối với mọi loại hình báo chí
Giải báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam phải là giải thưởng cao quý nhất đối với những người làm báo. Đây là cũng là sự tôn vinh những đóng góp thầm lặng nhưng to lớn của những người làm báo chân chính…
Ông Nguyễn Đức Lợi, Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam khẳng định: "Chúng tôi rất cương quyết bảo vệ, giữ và nâng tầm giá trị giải báo chí Giải Báo chí Quốc gia - đây là nguyên tắc bất di bất dịch".
SỬA ĐIỀU LỆ GIẢI BÁO CHÍ QUỐC GIA THEO HƯỚNG ĐẦY ĐỦ THÀNH PHẦN BÁO CHÍ TRONG TÌNH HÌNH MỚI
Tại Hội nghị Toàn quốc năm 2024 của Hội Nhà báo Việt Nam được tổ chức vào sáng ngày 18/3/2024, tại TP.HCM, ông Lê Quốc Minh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Hội Hội Nhà báo Việt Nam, nhấn mạnh hội nghị lần này sẽ diễn ra với tinh thần trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng; đề ra các nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp đột phá nhằm tạo bước chuyển mạnh mẽ trong hoạt động báo chí và hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo Việt Nam trong thời gian tới.
Đồng thời, nêu rõ những khó khăn, thách thức từ thực tiễn hoạt động báo chí, nhất là các cơ quan báo chí và Hội Nhà báo các cấp trong việc thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Việc thực hiện Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025.
Ông Minh cũng lưu ý các lãnh đạo đơn vị báo chí đề xuất các giải pháp trong việc đổi mới nội dung, phương thức để tăng thêm tính hấp dẫn, chất lượng và hiệu quả hoạt động của tổ chức Hội Nhà báo cũng như những giải thưởng của Hội nhằm khuyến khích, động viên và tôn vinh những đóng góp thầm lặng nhưng to lớn của những người làm báo chân chính…
Một trong những chủ đề được tập trung trao đổi thảo luận tại hội nghị là việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ Giải Báo chí Quốc gia.
Theo PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng, Uỷ viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Nghiệp vụ Hội Nhà báo Việt Nam, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí Quốc gia về việc sửa đổi Điều lệ Giải, căn cứ đề xuất, kiến nghị của Hội đồng Sơ khảo, Chung khảo Giải báo chí Quốc gia lần thứ XVII và các ý kiến tại Hội nghị tổng kết 17 năm Giải báo chí Quốc gia do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức các tháng 10 và tháng 11/2023 tại 3 miền Bắc - Trung - Nam, Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam chỉ đạo Ban Nghiệp vụ phối hợp với các đơn vị liên quan tiếp thu, phân tích, tổng hợp các kiến nghị, đề xuất để chỉnh sửa, hoàn chỉnh Điều lệ Giải báo chí Quốc gia.
Trên cơ sở tổng hợp ý kiến từ các cấp Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Nghiệp vụ đã chỉnh sửa Dự thảo kèm giải trình nội dung điều chỉnh trình Thường trực Hội đồng Giải ban hành Công văn số 30 ngày (04/3/2024).
Hội Nhà báo Việt Nam cũng đã ban hành Công văn số 29 (ngày 31/01/2024) gửi Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố; các Liên Chi hội, Chi hội nhà báo trực thuộc Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam về việc xin ý kiến sửa đổi Điều lệ Giải Báo chí Quốc gia 127 đơn vị, trong đó 63 Hội Nhà báo địa phương được đề nghị gửi ý kiến.
Đa số các Tiểu ban, Hội đồng Sơ khảo, một số thành viên Hội đồng Chung khảo hoan nghênh việc Lãnh đạo Hội quan tâm sửa đổi Điều lệ Giải Báo chí Quốc gia. Đây là việc làm cần thiết để phù hợp với tình hình phát triển của công nghệ báo chí.
Về điều kiện dự giải, PGS.TS Đỗ Thị Thu Hằng cho biết, nên cân nhắc việc thành viên Ban Tổ chức và Ban Giám khảo không được gửi tác phẩm, sản phẩm dự giải. Vì tác giả có thể đứng tên ở nhiều loại giải khác nhau, chỉ nên quy định không được tham gia loại giải mình chấm thì sẽ động viên được nhiều tác giả tham gia hơn.
Tuy nhiên, việc sửa đổi cần đảm bảo phát huy tốt nhất những quy định của Giải trước, điều chỉnh những điều không còn phù hợp và bổ sung thêm những cái mới.
Cơ bản nhất trí với việc bổ sung nhóm giải mới, nên để tên là Giải các tác phẩm báo chí và dự án báo chí sáng tạo trên nền tảng số sẽ phù hợp hơn là Dự án báo chí truyền thông sáng tạo (vì đây là Giải Báo chí Quốc gia).
GIẢI THƯỞNG PHẢI ĐẢM BẢO CÔNG BẰNG CHO MỌI LOẠI HÌNH BÁO CHÍ
Tuy nhiên, cũng có một số ý kiến cho rằng việc thu gọn Phát thanh, Truyền hình mỗi loại hình còn 02 loạt giải như dự thảo là hợp lý, nhưng thu gọn Báo in lại 02 loại giải và đặt thêm một loại giải cho tạp chí, thì cần phải cần nhắc thêm vì theo Điều lệ cũ đang có 03 loại giải cho các loại hình báo in, trong đó, 280 tạp chí chính trị, xã hội hiện nay chủ yếu tham gia loại giải thứ ba về bình luận, xã luận, chuyên luận.
Nếu tách tạp chí ra 01 loại giải thì công bằng cho tạp chí không được "cải thiện" là bao vì mất cơ hội tham gia giải thứ ba cho báo in - đã bị cắt, mất cả cơ hội tham gia giải Báo điện tử - vì đã đi cho ra ở riêng. Do vậy, cơ hội cho 280 tạp chí chính trị - xã hội tham gia được có giải là khó khăn hơn nhiều so với Phát thanh và Truyền hình.
Tạp chí và báo đều có thế mạnh riêng, mỗi loại đều có thể tranh giải, trúng giải trong phân khúc của mình trong cùng nhóm giải, cùng một loại hình. Hơn nữa, thể loại điều tra rất quan trọng trong báo chí, tính chất khác với thể loại tin, bài phản ánh, nên nếu xếp chung vào một nhóm giải e rằng chưa hợp lý.
Chưa kể, theo cơ cấu giải, hiện nay, 319 tạp chí khoa học hầu như đang đứng ngoài hệ thống giải, mặc dù, truyền bá khoa học đang là vấn đề vô cùng quan trọng đối với đất nước (chưa kể, 72 tạp chí văn học nghệ thuật cũng hầu như rất ít cơ hội tham gia giải). Vì vậy, ý kiến đề xuất cần bổ sung thêm 01 loại giải nhóm các thể loại thông tin truyền bá khoa học, nghiệp vụ...
Nếu vậy, sẽ vừa tạo điều kiện cho cơ hội tham gia giải của các tạp chí rộng mở hơn, vừa đảm bảo tỷ lệ công bằng các cơ quan báo in, tạp chí trong việc tham gia giải quốc gia. Bởi vì theo cơ cấu này, cả 671 tạp chí đều có cơ hội tham gia giải. Và cũng đã đến lúc cần có giải cho nghiên cứu truyền bá lý luận báo chí, truyền thông tặng cho các cá nhân có các tác phẩm, công trình, tập hợp công trình nghiên cứu, truyền bá lý luận, nghiệp vụ báo chí, truyền thông.
Do tính chất đặc biệt của loại hình này, có thể mỗi năm chỉ tặng 01 giải, đảm bảo kinh phí không quá vượt trội đồng nghĩa với việc không để bộ phận này đứng ngoài giải, mặc dù không thể không tính đến đóng góp quan trọng của họ đối với nền báo chi đất nước.
Ngoài ra, có ý kiến cho rằng nên bổ sung thêm Giải tôn vinh suốt đời với những nhà báo có thành tựu to lớn (xuất sắc), có nhiều công lao đóng góp đặc biệt đối với báo chí cách mạng Việt Nam.
Ban Nghiệp vụ đã chỉnh sửa Dự thảo Điều lệ theo hướng giữ nguyên cơ cấu loại hình Báo in gồm 3 nhóm giải, Phát thanh, Truyền hình, Báo điện tử có 2 nhóm giải, bổ sung thêm 4 loại giải như sau:
(1) Giải Tác phẩm và Dự án báo chí sáng tạo;
(2) Giải Tác phẩm thông tin, nghiên cứu, truyền bá khoa học, nghiệp vụ, văn học nghệ thuật…;
(3) Giài Tác phẩm nghiên cứu, truyền bá lý luận báo chí truyền thông;
(4) Giải “Nhà báo cống hiến” trao tặng cho các nhà báo.
Việc thêm 03 giải mới trao cho tác phẩm, sản phẩm, dự án báo chí là phù hợp với sự phát triển của báo chí hiện đại, xu thế báo chí đa loại hình, đa nền tảng, đa phương tiện, trong đó cho phép vượt qua các yếu tố về thể loại và loại hình truyền thông. Nó đem lại nhiều ý nghĩa và lợi ích, cụ thể như:
Một là, tăng cơ hội tham gia cho tất cả các cơ quan báo chí, các chi hội và hội viên vào 3 nhóm giải mới mà không bị giới hạn bởi loại hình và thể loại.
Hai là, khuyến khích và thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong báo chí, tạo động lực phát triển báo chí đa nền tảng, đa phương tiện, báo chí dữ liệu và ứng dụng công nghệ trong báo chí truyền thông
Ba là, tăng cường sự tham gia, tạo động lực phát triển nghiệp vụ các chuyên mục trên báo, tạp chí, chương trình phát thanh, truyền hính, đặc biệt là tạp chí khoa học và lý luận chuyên ngành và văn học nghệ thuật.
Bốn là, tạo cơ hội tham gia cho các nhà báo - hội viên chi hội, liên chi hội làm công tác đào tạo, nghiên cứu, các cơ quan báo chí của Hội Nhà báo Việt Nam; Bộ Thông tin và Truyền thông, các cơ sở đào tạo, các Viện nghiên cứu…, từ đó khuyến khích, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển và truyền bá lý luận báo chí truyền thông.
Với Giải “Nhà báo cống hiến” trao tặng cho các nhà báo - hội viên. Đó là sự tôn vinh của Đảng, Nhà nước và Nhân dân với các nhà báo có thành tựu to lớn, có nhiều công lao đóng góp đặc biệt với báo chí nước nhà.
Trước thềm Lễ Kỷ niệm 100 năm Báo chí cách mạng Việt Nam, nếu có một Giải trao cho nhà báo - hội viên có cống hiến lớn cho nền báo chí cách mạng Việt Nam, nếu được Thông qua Giải này, sẽ là sự động viên, khuyến khích đầy ý nghĩa với báo giới cũng như nền báo chí cách mạng Việt Nam.
Như vậy, theo đề xuất sửa đổi bổ sung, Điều lệ 2019 gồm 5 loại giải với 11 nhóm giải; đề xuất Điều lệ 2024 gồm 8 loại giải với 13 nhóm giải dành cho tác phẩm, sản phẩm, dự án báo chí; 01 Giải “Nhà báo cống hiến”. Như vậy, về kinh phí cho giải (tiền thưởng) có tăng nhưng rất ít. Đề xuất bổ sung quy định về huy động nguồn lực xã hội hoá nhằm tăng Quỹ trao giải.
Bàn về vấn đề đổi mới trong Giải Báo chí Quốc gia, ông Nguyễn Đức Lợi cho rằng, Giải Báo chí Quốc gia có thể cần phải thay đổi về thể thức nội dung, kết cấu của Giải, tuy nhiên phải hết sức thận trọng, cần có sự trao đổi, xem xét kỹ hơn nữa.
"Chúng tôi sẽ mở một số cuộc họp mời một số chuyên gia, một số các nhà báo lão thành tiếp tục trao đổi nội dung này. Năm nay, chúng ta vẫn tổ chức Giải như năm 2023, chưa thể thay đổi ngay, nếu thay đổi sẽ áp dụng ở năm 2025 có nghĩa là Giải Báo chí Quốc gia 2024".
Theo đồng chí Nguyễn Đức Lợi, việc làm thế nào để Giải Báo chí Quốc gia không bị lu mờ trước vô số các giải báo chí khác như Giải báo chí Diên Hồng của Quốc hội, Búa liềm vàng của Xây dựng Đảng hay Giải Phòng chống tham nhũng của Mặt trận tổ quốc, lâu nay đã được lãnh đạo quan tâm.
"Chúng tôi rất cương quyết bảo vệ, giữ và nâng tầm giá trị giải báo chí Giải Báo chí Quốc gia - đây là nguyên tắc bất di bất dịch", đồng chí Nguyễn Đức Lợi khẳng định.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cho biết, Hội sẽ có những phương án để Giải Báo chí Quốc gia là giải thưởng cao quý nhất, sân chơi nghề nghiệp danh giá nhất bằng cách cố gắng tổ chức ở một quy mô cao hơn, lớn hơn, giá trị giải thưởng có thể được tăng lên. Công tác tổ chức Lễ trao giải cũng phải được sang trọng, lộng lẫy hơn.