Giải mã hiện tượng nhiều cổ phiếu địa ốc đang rơi thảm bỗng tăng kịch trần khiến nhà đầu tư "vỡ oà hạnh phúc"
Dù vẫn quá sớm để ăn mừng phiên đảo chiều hôm nay nhưng hàng loạt cổ phiếu bất động sản tăng kịch trần cũng là một niềm an ủi lớn sau gần một tháng nhóm này rơi tụ do...
Kết phiên giao dịch, Vn-Index bật tăng 30,4 điểm về vùng 1.341 với hầu hết các chỉ số các nhóm đều tăng mạnh. Trong đó, ngân hàng tăng 1,71%, Chứng khoán tăng 3,72%, bảo hiểm 3,64%, bất động sản tăng 2,85% với ít nhất 7 mã đóng cửa tăng kịch trần, trắng bên bán. Các mã tăng kịch trần có thể kể đến như NLG, BCG, DIG, QCG, CKG, VRE, TDH, còn lại hầu hết đều có mức tăng trưởng khá tốt.
Đà tăng của cổ phiếu nhóm này trong phiên giao dịch hôm nay có thể được xác định bởi 4 nguyên nhân chính sau.
Thứ nhất, nếu như giai đoạn vừa qua, cổ phiếu nhóm này chịu áp lực giảm do sự kiện bắt bớ liên quan đến hai lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản, kéo theo tâm lý tiêu cực bán ròng của nhà đầu tư cá nhân thì hôm nay nhóm này đón nhận thông tin tích cực từ Bộ Tài chính.
Trong buổi trao đổi với báo chí xung quanh vấn đề không hình sự hoá các quan hệ dân sự, kinh tế trên thị trường chứng khoán, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, chiều ngày 25/4, Bộ Tài chính đã làm việc với các cơ quan liên quan như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an và khẳng định thời gian gần đây có nhiều tin đồn thất thiệt không phải do cơ quan chức năng đưa ra đã khiến thị trường chứng khoán rung lắc, giảm điểm. Đây là điều đáng tiếc.
Bộ Tài chính đưa ra chính sách để bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư, kể cả nhà đầu tư hay doanh nghiệp đã có những sai phạm thì cũng tạo điều kiện để khắc phục sai phạm nhằm ổn định sản xuất kinh doanh, đảm bảo quyền lợi cho cổ đông và việc làm cho người lao động, từ đó giúp doanh nghiệp phát triển trở lại.
Thứ hai, trước những tin đồn thất thiệt trên thị trường, trong vòng 3 phiên giao dịch đổ lại, các sếp và người nhà doanh nghiệp bất động sản ồ ạt đăng ký mua vào như một cách để đập tan tin đồn, giải cứu thị giá cổ phiếu.
Cụ thể, cổ phiếu NLG của Công ty CP Đầu tư Nam Long mất giá 25% trong vòng 1 tháng trở lại đây. Áp lực giảm giá của NLG nằm trong xu hướng bán tháo nhóm bất động sản khi mà những thông tin bắt bớ hàng loạt lãnh đạo doanh nghiệp bất động sản kể từ cuối tháng 3, đầu tháng 4. Trong bối cảnh này, bà Lâm Thị Mai, vợ của ông Nguyễn Đức Thuấn Thành viên HĐQT NLG đã mua vào thành công 88.500 cổ phiếu NLG, thời gian thực hiện từ ngày 6/4 đến 21/4/2022. Ước tính, bà Mai có thể đã chi gần 4 tỷ đồng để mua vào sở hữu số cổ phiếu trên. Trên thị trường, cổ phiếu NLG phiên chiều 26/4 đã bật tăng hết biên độ, trắng bên bán.
Tương tự, tại Licogi 16, bà Cao Ngọc Phương Tổng giám đốc LCG vừa đăng ký mua vào 300.000 cổ phiếu LCG thông qua phương thưc khớp lệnh từ ngày 28/4 đến ngày 27/5/2022. Thị giá LCG cũng bật tăng mạnh có lúc kịch trần phiên giao dịch hôm nay.
Trước đó, tại GEX, Ông Nguyễn Văn Tuấn, Thành viên HĐQT - TGĐ CTCP Tập đoàn GELEX vừa đăng ký mua 10 triệu cổ phiếu GEX nhằm tăng tỷ lệ sở hữu. Giao dịch dự kiến thực hiện từ ngày 25/04 đến ngày 24/05/2022. Nếu giao dịch thành công, ông Tuấn sẽ tăng tỷ lệ sở hữu tại GEX từ 22.58% (hơn 192 triệu cp) lên 23.75% (hơn 202 triệu cp).
Động thái gom hàng của ông Tuấn diễn ra trong bối cảnh giá cổ phiếu GEX giảm mạnh do những tin đồn tiêu cực về Tập đoàn và lãnh đạo. Giá cổ phiếu chốt phiên 22/04 tại mốc 29.500 đồng/cổ phiếu. So với hồi đầu tháng 4, giá đã giảm gần 24%. Tuy nhiên, trong 2-3 phiên đổ lại, GEX đang xu hướng đi ngang, đứng giá, phiên giao dịch hôm nay tăng nhẹ 2%.
Thứ ba, xét về triển vọng dài hạn, cổ phiếu nhóm bất động sản tất cả các phân khúc đều được dự báo sẽ hồi phục trong 2022 nhờ nguồn cầu được thúc đẩy mạnh mẽ bởi thị trường phục hồi trên diện rộng trong 2022; lãi suất vay mua nhà thấp củng cố quyết định mua nhà; và nguồn cung mới hồi phục nhờ nới lỏng pháp lý.
Thị trường bất động sản nghỉ dưỡng sẽ hồi phục nhanh chóng trong tương lai nhờ hỗ trợ của vắc-xin cùng với sự phục hồi của thị trường du lịch tại Việt Nam, trong khi đó giá cho thuê bất động sản bán lẻ kỳ vọng phục hồi hậu. Covid-19. Hầu hết các doanh nghiệp bất động sản cũng đều đặt kế hoạch kinh doanh tăng trưởng đột phá so với năm 2022.
Cuối cùng, thị trường chứng khoán Việt Nam đang được đánh giá là rẻ. Mức P/E của chỉ số VN-Index ở mức 14.7x, thấp hơn 8% so với mức P/E trung bình 7 năm (tức là 16.0x). Đồng thời, mức P/E của chỉ số VN-Index cũng là mức thấp nhất so với các thị trường trong khu vực trong bối cảnh mức ROE và ROA của thị trường chứng khoán Việt Nam đang ở mức cao nhất trong khu vực cho thấy chứng khoán Việt Nam đang có mức định giá hấp dẫn.
Trong 10 phiên đổ lại đây, khối ngoại đã mua ròng gần 6.000 tỷ cổ phiếu trong đó, có những mã bất động sản được gom nhiều như VRE, GEX, NVL, NLG, DIG, DXG với giá trị mua ròng 1.000 tỷ đồng, chiếm 1/5 tổng giá trị mua ròng trên sàn chứng khoán Việt Nam, từ đó kích hoạt tâm lý tích cực của nhà đầu tư nội với cổ phiếu nhóm bất động sản.