Giảm phát khiến nhiều doanh nghiệp xuất khẩu Trung Quốc lo phá sản
Tình trạng giảm phát kéo dài tại các nhà máy ở Trung Quốc đang đe doạ sự sinh tồn của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu quy mô nhỏ của của nước này...
Khi nhận được đơn hàng đầu tiên trong năm 2024 từ một khách hàng nước ngoài thân thiết, Kris Lin - chủ một nhà máy sản xuất thiết bị chiếu sáng ở Trung Quốc - đối mặt với một lựa chọn khó khăn: nếu làm đơn hàng thì ông sẽ lỗ, còn không nhận đơn này, ông sẽ phải cho công nhân nghỉ việc sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
“Tôi không thể để mất đơn hàng này được”, ông Lin nói, và cho biết có kế hoạch khởi động lại hoạt động sản xuất với khoảng một nửa công suất tại nhà máy đặt ở Thái Châu thuộc tỉnh Giang Tô sau kỳ nghỉ kéo dài từ ngày 10-17/2. “Nếu không, tôi sẽ mất hẳn khách hàng này và khiến nhiều người mất sinh kế. Nếu chúng tôi trì hoãn việc sản xuất trở lại, người ta sẽ nghi ngờ hoạt động kinh doanh của chúng tôi. Tin đồn lan ra sẽ ảnh hưởng đến quyết định của các nhà cung ứng”, ông Lin nói với hãng tin Reuters.
VÒNG XOÁY NGUY HIỂM
Theo Reuters, tình trạng giảm phát kéo dài tại các nhà máy ở Trung Quốc đang đe doạ sự sinh tồn của nhiều doanh nghiệp xuất khẩu quy mô nhỏ của của nước này - những công ty đang rơi vào một cuộc chiến giảm giá liên tiếp để giành giật thị trường ngày càng co hẹp do lãi suất tăng cao ở nước ngoài và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gây suy giảm nhu cầu.
Chỉ số giá nhà sản xuất (PPI) của Trung Quốc đã giảm liên tục 15 tháng, khiến biên lợi nhuận suy giảm tới mức đe doạ sản lượng và công ăn việc làm trong lĩnh vực công nghiệp, làm trầm trọng thêm các vấn đề kinh tế của Trung Quốc bao gồm khủng hoảng bất động sản và nợ chồng chất. Theo dữ liệu của Bộ Thương mại Trung Quốc vào năm 2022, nước này có khoảng 180 triệu người lao động làm các công việc liên quan đến xuất khẩu.
Nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc của ngân hàng ANZ, ông Raymond Yeung, nói rằng xử lý tình trạng giảm phát nên được coi là một ưu tiên cao hơn so với việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế dự kiến được Chính phủ Trung Quốc đưa ra ở mức khoảng 5% trong năm nay. “Các công ty phải cắt giảm giá bán sản phẩm, rồi giảm lương công nhân viên. Rồi người tiêu dùng không mua hàng. Đó là một vòng xoáy nguy hiểm”, ông Yeung nói.
Năm ngoái, lợi nhuận tại các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp của Trung Quốc giảm 2,3%, sau khi giảm 4% trong năm 2022. Một cuộc khảo sát chính thức cho thấy hoạt động sản xuất ở nước này giảm tháng thứ tư liên tiếp trong tháng 1 vừa qua, trong khi số đơn hàng xuất khẩu giảm liên tiếp 10 tháng.
Đối với ông Lin, điều này đồng nghĩa đơn hàng 1,5 triệu USD mà ông mới nhận được đã giảm 25% so với một đơn tương tự vào năm ngoái, và rẻ hơn 10% so với giá thành.
Theo giới phân tích, xuất khẩu trì trệ khiến các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc cần triển khai các đòn bẩy khác để đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế, bao gồm kích thích nhu cầu tiêu dùng của các hộ gia đình. “Tăng trưởng càng cân bằng, thì áp lực giảm giá cả và giảm biên lợi nhuận sẽ càng sớm được giải toả”, nhà kinh tế trưởng Louis Kuijs của công ty nghiên cứu S&P Global nhận định.
Cho đến nay, Trung Quốc vẫn hướng các nguồn lực tài chính về phía ngành sản xuất thay vì lĩnh vực tiêu dùng. Điều này làm gia tăng mối lo ngại về tình trạng dư thừa công suất và giảm phát, ngay cả ở những lĩnh vực sản xuất công nghệ cao đang phát triển mạnh mẽ như ô tô điện. Một nhà điều hành đề nghị không tiết lộ danh tính của một nhà máy đúc linh kiện ô tô ở Triết Giang dự báo sản lượng và kim ngạch xuất khẩu đều tăng, nhưng lợi nhuận giảm do mức độ cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
DOANH NGHIỆP NGẠI VAY VỐN
Trong nỗ lực vực dậy nền kinh tế, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) đã hạ lãi suất và hạ tỷ lệ dự trữ bắt buộc để giải phóng thanh khoản trong hệ thống tài chính. Các ngân hàng thương mại vì thế đã chào nhiều khoản vay với lãi suất thấp. Tuy nhiên, do bị đối thủ lớn áp đảo, các doanh nghiệp nhỏ không muốn vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh. Các nhà kinh tế học cảnh báo đây là một mắt xích bị đứt trong chính sách tiền tệ ngày càng kém hiệu quả của Trung Quốc.
Đầu tư của doanh nghiệp tư nhân nước này - khu vực mà số liệu chính thức cho thấy là nơi cung cấp 80% công ăn việc làm tại thành thị - đã giảm 0,4% trong năm ngoái, trong khi đầu tư của doanh nghiệp quốc doanh tăng 6,4%. “Nhiều sếp ngân hàng đã gọi cho tôi và bày tỏ lo lắng vì không cho vay được”, Miao Yujie - chủ một doanh nghiệp xuất khẩu dệt may - cho biết.
“Nhưng người ta chỉ vay tiền khi họ muốn mở rộng sản xuất kinh doanh”, ông Miao nói và tiết lộ đang cân nhắc việc đóng cửa công ty.
Trung Quốc đã từng trải qua một đợt giảm phát vào năm 2015, khi nước này đương đầu với tình trạng dư thừa công suất trong các ngành công nghiệp cơ bản như thép, vốn là những lĩnh vực mà doanh nghiệp quốc doanh giữ vai trò chủ đạo. Sau đó, Chính phủ Trung Quốc đã thu hẹp quy mô của các doanh nghiệp này để giảm bớt nguồn cung và đẩy mạnh hoạt động xây dựng hạ tầng và bất động sản để kích thích nhu cầu.
“Câu chuyện lần này không chỉ là sự dư thừa trong lĩnh vực tư nhân”, nhà kinh tế Nie Wen của công ty Hwabao Trust nhận định, nhấn mạnh tình trạng dư thừa công suất trong các ngành điện tử, hoá chất và chế tạo máy. Đây là những doanh nghiệp sử dụng số lượng lao động lớn, nên có ý nghĩa quan trọng đối với ổn định xã hội.
“Việc giảm nguồn cung trong những ngành này bởi vậy sẽ là một việc khó. Cho nên, nỗ lực trong năm nay cần tập trung vào vấn đề nhu cầu”, ông Nie nói.
Các chủ doanh nghiệp cho biết áp lực cắt giảm nhân công đang rất lớn, ngay cả khi công ty không muốn giảm.
Ông Yang Bingben, chủ một công ty sản xuất van công nghiệp ở thành phố Ôn Châu, cho biết ông đã nghĩ đến việc đóng cửa công ty, nhưng vẫn phải duy trì hoạt động vì cảm thấy mắc nợ người lao động của công ty, vốn đa số là những người đã gần đến tuổi về hưu. Nhưng ông Yang không biết chắc công ty có thể duy trì được đến bao giờ. “Năm nay sẽ là năm tốt nhất trong một thập kỷ tới”, ông nói.