Giao dịch rất thận trọng, cổ phiếu tầm trung hút dòng tiền
Bên mua có lẽ vẫn đang thăm dò ý đồ chốt lời của lượng cổ phiếu ngắn hạn, khiến thị trường sáng nay tiếp tục tụt dốc về thanh khoản, dù giao dịch không xấu. Độ rộng cho thấy xu hướng tăng giá vẫn đang áp đảo, nhưng biên độ lại rất mỏng. Thanh khoản chỉ sôi động ở một số cổ phiếu midcap.
Bên mua có lẽ vẫn đang thăm dò ý đồ chốt lời của lượng cổ phiếu ngắn hạn, khiến thị trường sáng nay tiếp tục tụt dốc về thanh khoản, dù giao dịch không xấu. Độ rộng cho thấy xu hướng tăng giá vẫn đang áp đảo, nhưng biên độ lại rất mỏng. Thanh khoản chỉ sôi động ở một số cổ phiếu midcap.
Lượng hàng ngắn hạn giá thấp tiếp tục về đến tài khoản và không hẳn gây sức ép lên thị trường. Sức ép chính đến từ sự thận trọng của bên mua. Sau ít phút trồi sụt đầu tiên, VN-Index cũng vượt được tham chiếu, nhưng chủ đạo là lình xình, khi đỉnh tăng cao nhất lúc 11h cũng chỉ được 0,91%.
Đến cuối phiên sáng chỉ số này đã tụt nhẹ xuống, còn tăng 0,37% tương đương 4,59 điểm. VN30 vẫn khá mạnh, tăng 0,55% với 21 mã tăng/6 mã giảm. Như vậy ảnh hưởng điểm số đang đến từ một vài mã trụ.
Cụ thể, GAS đang tụt xuống mức thấp nhất phiên sáng, dưới tham chiếu 0,95%. VCB giảm 0,53%, VIC giảm 0,64%, SAB giảm 1,78%, HPG giảm 0,53%... Đó là các mã trong rổ VN30 có ảnh hưởng xấu nhất, bên cạnh BCM giảm 3,03%. Có thể thấy mức giảm của blue-chips cũng không nhiều, duy nhất SAB là mất hơn 1% giá trị.
Tuy nhiên hạn chế là số tăng giá trong rổ VN30 tuy nhiều, nhưng cũng không có trụ. Dẫn đầu là GVR tăng 4,36%, còn lại nhóm tăng trên 1% toàn các mã trung bình của rổ này, như PNJ, TPB, POW, ACB, FPT, MWG, MBB, BVH. Điều này cũng lý giải nguyên nhân vì sao VN30-Index lại tốt hơn VN-Index.
Nhóm cổ phiếu vốn hóa trung bình trên HoSE cũng đang thể hiện sức mạnh lẫn khả năng thu hút dòng tiền tốt hơn các trụ, hay các mã đầu cơ. Nhóm VN30 chỉ có SSI là thanh khoản khá cao với 299,1 tỷ đồng, giá tăng 0,7%. HPG dĩ nhiên cũng giao dịch nhiều, khoảng 251,4 tỷ, nhưng giá giảm 0,53%. Phần còn lại là các cổ phiếu Midcap như DIG, DXG, DPM, GEX, chiếm hết các vị trí dẫn đầu thị trường về thanh khoản.
Với độ rộng tốt: 253 mã tăng/163 mã giảm trong VN-Index, thị trường đang giao dịch ổn định, dù thanh khoản rất tệ. HoSE chỉ khớp thành công 6.712 tỷ đồng, giảm hơn 2% so với sáng hôm qua dù giá tăng giá tốt hơn. Đây là phiên sáng thấp nhất 6 ngày gần nhất. Bù lại biên độ tăng giá không quá kém, với 7 cổ phiếu kịch trần, 80 mã tăng trên 2%, 53 mã tăng trên 1%. Số giảm có 32 mã giảm trên 2%, 30 mã giảm trên 1%. Nói đơn giản, xác suất để nhà đầu tư tiếp tục chứng kiến danh mục tăng trưởng khá sáng nay là cao hơn xác suất thua lỗ.
Midcap đang ghi nhận dòng tiền vào tốt nhất với 3.090 tỷ đồng, chiếm 46% mức khớp sàn HoSE. Chỉ số đại diện rổ tăng 0,95% và độ rộng cũng rất áp đảo: 50 mã tăng/15 mã giảm. Smallcap mạnh hơn, tăng 1,14% với 122 mã tăng/64 mã giảm nhưng thanh khoản kém, chỉ đạt 1.057,5 tỷ đồng. VN30 giao dịch khá đuối với 2.088,1 tỷ đồng, chỉ chiếm 31%. Như vậy nhóm Midcap vừa tốt hơn về thanh khoản, vừa có biên độ tăng giá mạnh hơn. Thậm chí ngay trong nhóm VN30 – như mới nói ở trên – các cổ phiếu tầm trung cũng mạnh hơn hẳn. Những cổ phiếu thanh khoản trên trăm tỷ đồng với biên độ tăng giá vượt 3% sáng nay có thể điểm ra là DIG, DXG, DPM, GEX, NKG, DCM, CII.
Nhà đầu tư nước ngoài sáng nay cũng xả khá nhiều blue-chips. Rổ Vn30 bị bán ròng 225,3 tỷ đồng. Quy mô bán rađạt 376,7 tỷ đồng, chiếm 18% giá trị khớp của rổ. SSI bị xả nhiều nhất với 85,7 tỷ đồng ròng, HPG với 66 tỷ, VIC -36 tỷ, VHM -18,6 tỷ. HDB là cổ phiếu duy nhất trong rổ VN30 được mua ròng quá 10 tỷ đồng, đạt gần 13 tỷ. Tổng giá trị bán ròng trên HoSE đạt 209 tỷ đồng. Các mã được mua tốt nhất là DPM với 85,1 tỷ, DCM 21,1 tỷ, chứng chỉ quỹ FUESVFL với 20,4 tỷ đồng.