Giáo sư Từ Giấy, nhà dinh dưỡng hàng đầu châu Á, nhà báo, nhà giáo uyên bác
Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của Giáo sư Từ Giấy, một chiến sĩ cách mạng, dùng tri thức khoa học của mình xây dựng nền tảng dinh dưỡng cho dân tộc Việt, câu chuyện về người anh hùng Từ Giấy được tái hiện, với nhiều chi tiết chưa từng kể...
Tôi ngồi trên bộ tràng kỉ kiểu cổ trong sảnh nhỏ kiểu quê, ngắm vuông ao cá chép bơi lội, bên cạnh là khóm giang vươn lên đón nắng hè lao xao, quanh ao cá là một bức tường bằng đá tổ ong đen nhánh nối liền với bức vách ngăn bằng các đoạn gỗ tròn xếp chồng lên nhau xen lẫn gốc cây lũa, ngâm dưới bùn hàng trăm năm, gợi vẻ trừu tượng. Vốn là bạn đã quen nhau hơn nửa thế kỷ với ông Từ Đễ, Anh hùng lực lượng vũ trang, con trưởng của cố GS Từ Giấy, tôi chẳng rào đón gì, thong thả vào chuyện.
Tôi nhẩn nha: “Được biết cha anh là nhà báo lão thành nổi tiếng với tờ Vui sống của Quân y Cục hồi kháng chiến chống Pháp. Tờ báo có sức lôi cuốn lớn nhất thời đó, xuất bản tới 30 ngàn bản/kỳ mà vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu của công nông binh hồi đó. Anh có biết điều gì làm nên sự hấp dẫn đó không?”.
LÀ CHỦ BÚT, BIÊN TẬP VÀ XUẤT BẢN BÁO
Ông Từ Đễ từ tốn: “Thời trẻ, cha tôi vốn tôn thờ nhà báo nổi tiếng Việt Nam: Cụ Nguyễn Văn Vĩnh. Ông ham thích nghề báo đến mức lập ra một tờ báo nhỏ trong trường mang tên VĂN nhưng chỉ ra được hai số thì bị đình bản vì tư tưởng chống Pháp!
Sống ở nông thôn, ông hiểu sự dốt nát và cuộc sống đói khổ đến cùng cực của nông dân nên ông muốn đưa những kiến thức và lối sống vệ sinh khoa học cho tầng lớp công - nông - binh sao cho họ hiểu và áp dụng ngay trong cuộc kháng chiến bộn bề.
Bài viết phải rất ngắn, dễ hiểu và bày cách làm ngay. Cha tôi thường nhấn mạnh: báo phải vui, dễ vào tai! Chính vì vậy cha tôi đã vận động được hầu hết các vị trí thức đại thụ, các họa sĩ, nhạc sĩ nổi tiếng tham gia viết.
Đó là Ngụy Như Kon Tum, Vũ Văn Cẩn, Đỗ Tất Lợi, Nguyễn Trinh Cơ, Tôn Thất Tùng, Trương Công Quyền, Hồ Đắc Di, Vũ Công Hòe, Trần Hữu Tước, Trần Hữu Nghiệp. Nhà văn thì có Nguyễn Tuân, Từ Bích Hoàng, Tú Mỡ, Vũ Bằng, Nguyễn Trung Sơn. Rồi nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc, họa sĩ Nguyễn Đức Toàn, Bùi Xuân Phái, Lê Văn Hiến, Trần Văn Cẩn…
Con trai cả cụ Từ Giấy cho biết thêm: “Cha tôi thực sự là ông chủ báo, ngoài việc lo đời sống và sẵn sàng di chuyển chống địch nhảy dù ra vùng tự do, ông còn tổ chức chặt gỗ nứa ngâm làm giấy, chế mực, rồi biên tập, chế bản, kiểm tra bản in, đến cả khâu in và phát hành trên cả nước. Bận nhiều việc như vậy, nhưng ông không quên bổn phận của người thầy thuốc.
Ông vận động mọi người ăn đũa hai đầu, tráng bát bằng nước sôi, rửa tay trước khi ăn. Thậm chí đi vệ sinh kiểu hố mèo (đào lỗ, đi xong lấp đất lại), ngủ màn không ngủ đất, ngâm chân nước nóng sau khi hành quân, xúc miệng nước muối hàng ngày. Ngay cả những việc như hun khói khu đóng quân chống muỗi, đưa vào cuộc sống các kiến thức y học mới, loại bỏ các thói quen xấu.
Bây giờ ngẫm kỹ mới thấy, chúng ta đã quên nguyên lí “phòng bệnh hơn chữa bệnh”, chỉ chú tâm xây các bệnh viện, còn bỏ ngỏ công tác vệ sinh, không giữ gìn môi trường sống.
Nhất là nạn chặt phá rừng, làm bẩn nguồn nước và không khí, rác thải không xử lí, lối sống không khoa học, lười vận động và nạn béo phì. Mới đấy mà 70 năm đã trôi qua, bây giờ bị dịch bệnh tấn công ta mới chợt nhớ ra và quay lại nếp sống xưa!”.
Con trai giáo sư cho biết một chi tiết. Trong quá trình làm báo, cha ông cũng được Bác Hồ chấn chỉnh khi Người tiếp đoàn Ban chấp hành Hội Nhà báo Cứu quốc lên chúc thọ tại Việt Bắc ngày 19/5/1950. Bác nhắn nhẹ: “Báo Vui Sống vui nhưng không được tếu”.
Tự nhiên, câu chuyện của chúng tôi ngược về quá khứ, cách đây tròn 100 năm, hồi đầu thế kỷ 20 trên mảnh đất Khê Bồi, xã Hà Hồi, phủ Thường Tín, Hà Đông. Dù sinh ra trong một gia đình rất nghèo, nhưng nhờ giời, cậu bé Từ Giấy lại được ban cho trí thông minh phi thường, thi đâu đậu đấy. Vùng quê này vốn là đất học, có tới 66 vị tiến sĩ được ghi danh trong Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Làng có hẳn một nơi tôn vinh những người học giỏi gọi là Văn Chỉ.
THI ĐÂU ĐẬU ĐẤY, THÀNH THẠO BỐN NGOẠI NGỮ
Hồi trẻ, chàng trai Từ Giấy đã thành thạo tiếng Pháp và Nga, sau tự học thêm tiếng Anh, Tây Ban Nha, Trung Quốc (ông rành tiếng Nôm từ nhỏ). Với vốn liếng ngoại ngữ giàu có này, ông tự học và mở rộng kiến thức qua sách báo, nên dù chỉ có bằng bác sĩ nhưng ông vẫn được phong giáo sư đợt đầu tiên.
Bản thân tôi đã được một cụ học cùng thời với ông tại Liên Xô kể rằng khi học ở Học viện Quân y ở Leningrat, tuy chỉ là học viên nhưng ông luôn được các giáo viên chỉ định làm trợ giảng cho lớp, chủ trì các cuộc vui, tham gia các buổi chiếu phim cấp học viện. Khi bàn luận về các vấn đề y học quân sự hiện đại, bác sĩ Từ Giấy luôn được yêu cầu tham luận về kinh nghiệm đảm bảo sức khỏe cho bộ đội trong kháng chiến chống Pháp, nhất là ở chiến dịch Điện Biên Phủ.
Ông đã từng phát biểu: “Các đồng chí có biết công tác Đảng - công tác chính trị trong chiến đấu hiệu quả nhất là khâu nào không? Xin thưa, đó là chiến sĩ được ăn no và trạm phẫu toàn bác sĩ giỏi ở gần tuyến xuất phát tiến công!”.
Người bạn học hồi đó còn nhớ khi học ở Học viện Chính trị, trong giờ lên lớp về triết học, Từ Giấy “nhắm mắt” nghe giảng, giáo sư phát hiện ra liền đặt một câu hỏi bất ngờ. Ông đứng lên trả lời đầy đủ và còn mở rộng ra các vấn đề triết học liên quan trên thế giới, kể cả thuyết hiện sinh và các quan điểm triết học Á Đông.
Chính nhờ đọc nhiều, đi nhiều trong hai cuộc kháng chiến, cộng với phương pháp truyền đạt dễ hiểu và hài hước của người làm báo, nên khi bác sĩ Từ Giấy được mời lên phát biểu tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ 4 (1976), cả hội trường vang lên tiếng vỗ tay, tiếng cười. Mặc dù là một quân nhân nhưng thực sự ông chưa bao giờ cầm khẩu súng cả.
Chuyện quá khứ có lẽ kể mãi không hết, chúng tôi rẽ sang chuyện đời thường, liên quan tới đồng tiền, miếng cơm, manh áo. Tôi hỏi: “Cha anh có bao giờ lý giải nguồn gốc đẻ ra hệ thống tái sinh vườn – ao - chuồng (VAC)?”. Ông Từ Đễ không trả lời ngay câu hỏi.
CHA ĐẺ MÔ HÌNH "VƯỜN AO CHUỒNG”
Ông bảo, cha ông ta từ xa xưa đã xây dựng một mô hình sinh thái khép kín: vườn ao chuồng như trong mấy câu thơ của cụ Nguyễn Khuyến: “Ao sâu nước cả khôn chài cá. vườn rộng rào thưa khó đuổi gà”.
Tôi nhớ thuở sinh thời, cha tôi bảo đây có lẽ là lối thoát khi giao thông và phương tiện đi lại phát triển. Dân cư có xu thế rời thành phố, người nghỉ hưu thường trốn về vùng quê sinh sống. Cha anh vốn là một nhà dinh dưỡng ứng dụng. Còn nhớ hồi 1966, ông đã cho xây dựng một khu vực sản xuất riêng chuyên cung cấp thực phẩm, gạo sạch cho phi công tại Hà Nam theo mô hình hệ sinh thái VAC.
Thậm chí, khi biết phi công nghiện thuốc lá ông còn cử người vào tận vùng Cẩm Thủy (Thanh Hóa) nghiên cứu trồng loại thuốc lá ít nicotin. Rồi hồi ở chiến trường B2 khô hạn, anh em không có rau ăn, ông chỉ nói: nơi nào người sống được thì rau sống được.
Sau ngày hòa bình, chính ông đã lên tiếng đấu tranh để cho sản phụ sau sinh được nghỉ 6 tháng, sau đó lại vận động việc nuôi con bằng sữa mẹ, tô màu cho bát bột, rồi chương trình vitamin A cho mắt, bữa ăn tổng hợp…
Giọng ông Từ Đễ chợt trầm ngâm, lắng lại: “Tôi chịu cha tôi về sức sáng tạo. Khi nghiên cứu lương khô cho bộ đội ta, cụ không dùng đạm động vật mà dùng đạm thực vật - đậu tương ép thành bánh, rồi mắm trưng thịt, rau khô, mắm cô, toàn đồ có thể để lâu được. Cụ nghiên cứu rau rừng và in ra tài liệu phát cho bộ đội (lính Mỹ cũng nhặt được và in thành sách cho lính biệt kích sử dụng). Tất cả các công trình ứng dụng của cha tôi đều theo quan điểm “ăn là thuốc” và bám theo lời dạy của danh y Tuệ Tĩnh: “Nam dược trị Nam nhân” – Người Nam dùng thuốc Nam. Anh xem, lương khô 70, 72 của ông làm từ hồi chiến tranh chống Mỹ mà đến nay Công ty X22 quân đội vẫn sản xuất cho bộ đội hoặc giúp bà con vùng lũ lụt (thay cho mì tôm). Ngay trong thời dịch đang hoành hành nhiều người đi công tác vẫn mang theo lương khô và chai nước lọc để tránh vào hàng quán ven đường”.
Tôi bỗng nhớ lại một chuyện xa xưa bèn tò mò hỏi: “Hồi trước tôi thường nghe dư luận người ta kháo nhau về việc cụ Từ Giấy từng nói: ngô bổ hơn gạo. Vậy thực hư ra sao?”. Ông Từ Đễ cười lớn: “À, chuyện này tôi được nghe đã lâu rồi, mọi người còn thêm thắt nhất là vào thời ăn bo bo là: “Dinh dưỡng phục vụ chính trị”. Thật ra dân ta có món ăn rất ngon đó là xôi lúa khi ngô bung cho chút mỡ vào. Bản chất khoa học của nó là thêm chất béo vào thì ngô trở nên bổ hơn nhiều. Nhiều nước trên thế giới ăn ngô quanh năm đấy thôi. Ông còn phê phán tư duy bảo thủ “nô lệ” cho lúa gạo.
Ông kể khi sang Nhật, món tráng miệng chính là khoai lang, một loại củ ngon, bổ và có lợi cho sức khỏe. Chả thế mà ngày xưa cha tôi lấy bút danh là bác sĩ Lang Khoai. Nhân đây tôi nhớ lại một chuyện. Cha tôi kể khi sinh ra, ông được đặt tên là Từ Dáy (một loại cây họ khoai sọ nhưng ăn rất ngứa) để tránh bị “ma” bắt đi. Bởi hồi ấy, cứ 1.000 đứa trẻ sinh ra thì sau một năm chỉ còn một nửa. Sau này khi đi học, ông thầy người Pháp mới đổi chệch tên thành Từ Giấy”.
Bồi hồi lục lại quá khứ, gợi nhớ ký ức xa xưa, dường như khiến người ta suy ngẫm, ngộ ra nhiều điều. Đôi mắt ông Từ Đễ trở nên xa xăm, tư lự. Ông bảo, nghĩ rộng ra tôi thấy cha tôi làm cái gì, nói cái gì cũng trên vị trí nhà khoa học đã trải qua thực nghiệm và kinh nghiệm lâu đời của người nông dân.
Ví như khi mô hình VAC được ứng dụng tốt ở nông thôn, đời sống người dân được nâng lên thì cha tôi đề xuất: Tỉ lệ đất 5% dành cho nông dân phải tăng lên 20 thậm chí 50% thì Chính phủ sẽ không cần lo cho nông dân nữa. Nhưng lập tức ý kiến đó bị phê phán là phát triển theo con đường tư bản chủ nghĩa! Hoặc khi nêu ông quan điểm “quân dân y kết hợp” trong chiến lược xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành thì ông bị quy kết là “làm hỏng cán bộ”.
KHOA HỌC LÀ DẤN THÂN VÌ ĐỒNG BÀO
Thời kỳ kinh tế khó khăn, năm 1980, ông Từ Đễ kể lại: “Cha tôi có bài viết đăng trên báo Nhân Dân “Tự cứu trước khi Chúa cứu”, lập tức có ý kiến khép cho tội ủng hộ “phá rào” ở miền Nam (mãi đến năm 1986, Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh cũng có bài viết tương tự). Thậm chí còn có ý kiến đòi phải kiểm tra lại lý lịch của cha tôi: vì sao gia đình nghèo mà lại học được thành bác sĩ thời Tây? Tôi không thể quên được chuyện này.
Một hôm ông nhận được một bức thư của giáo sư Trương Ngọc Ninh bạn lâu năm, nguyên Hiệu trưởng Đại học Y Sài Gòn từ Mỹ gửi về trao đổi về bản dịch bài thơ ‘Albatros’ (Chim hải âu) của nhà thơ Pháp De Bole thế kỉ 19. Ông nhẹ nhàng giảng: Bài thơ này nói về sự tự do của con người, chim hải âu cũng vượt biển như mọi con tàu nhưng nếu nhốt nó trên tàu thì nó chỉ là con vịt què”. Từ đó tôi mới hiểu tại sao ông lại “phớt Ănglê” trước mọi dư luận trái chiều.
Mãi đến khi 60 tuổi cha tôi mới được Thủ tướng Phạm Văn Đồng điều từ quân đội ra ngoài xây dựng Viện Dinh dưỡng quốc gia. Nói vậy để biết rằng làm khoa học thực thụ phức tạp như thế nào. Cũng may cha tôi là một quân nhân trí thức đã được rèn luyện qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ cho nên mọi việc cũng suôn sẻ. Song, một phần cũng nhờ lối hành xử thông minh của ông: chuyện to biến thành chuyện nhỏ, chuyện nhỏ coi như không có gì!”.
Vị chủ nhà im lặng ngắm nhìn hồ nước lăn tăn, giọng ông nhỏ nhẹ như nói với thinh không: “Suy cho cùng, cha tôi được như thế là do giáo dục quyết định anh à. Tôi kể anh nghe chuyện này. Khi giải phóng Điện Biên, cha tôi có nhiệm vụ thu dọn chiến trường, đưa bệnh binh, thương binh Pháp ra khỏi hầm và tổ chức chữa trị cho họ. Sau đó dọn dẹp các hầm ngầm dã chiến và tổng vệ sinh chiến trường, trong đó có nhiệm vụ chôn cất xác binh lính Pháp, rồi tẩy uế bằng thuốc và vôi bột tự nung tại chỗ. Khi tiếp quản Thủ đô ông mang một về một ba lô đầy thư của binh lính Pháp bị chết, bị thương trong hầm. Mang về và cất tại phòng bảo mật Cục Quân y để mong một dịp nào đấy tìm cách trả lại cho gia đình của họ bên Pháp.
Sau này khi ông đi học, ở nhà cậu phụ trách bảo mật cho hủy đi hết vì cho rằng tài liệu chả có giá trị gì. Vậy tôi hỏi anh, cái việc tưởng nhỏ bé kia có phải là văn hóa không?. Tôi nghĩ là nhà báo có tâm và được giáo dục trong môi trường văn hóa cao như cha tôi thì mới có lối hành xử nhân văn kiểu “Tây” như thế. Thế nhưng lại lạc lõng và bị coi là “tư tưởng tạch tạch sè”.
TRI KỶ, TRI BỈ, TRI TÚC, TRI CHỈ
Chuyện giữa chúng tôi có nhẽ đã đến hồi kết, ông Từ Đễ trải lòng: “Tôi chỉ biết mỗi tiếng Nga nên bây giờ cũng ít có điều kiện đọc. Còn cha tôi biết 5 thứ tiếng nên ông hiểu gốc gác vấn đề không phụ thuộc dịch thuật nhất là chuyên môn hẹp. Tôi vẫn không quên cái thời nước mình bị cấm vận vì “xâm lược Campuchia” những năm 80 thế kỉ trước.
Thời đó, cả nước đói kém lắm, trẻ em gày còm ốm yếu nhưng cha tôi vẫn lên Bộ Ngoại giao xin đi dự Hội nghị của Tổ chức lương nông Liên hợp quốc (PAO) họp tại Ý để xin viện trợ cho trẻ em. Một đề nghị không thực tế lúc đó, nhưng cuối cùng ông cũng được phép đi dự. Sang Roma ông chỉ đi một mình và đã mang về gói viện trợ 24 triệu USD cho trẻ em Việt Nam.
Ông đã trao đổi tình hình trực tiếp với đại diện các nước, họ đều thông cảm và ủng hộ ta. Lúc đó có hai tảng đá cản đường là Hoa Kỳ và Trung Quốc. Thế nhưng, trưởng đoàn Hoa Kỳ qua tiếp xúc lại tỏ ra kính nể uy tín khoa học và kinh nghiệm của ông. Còn trưởng đoàn Trung Quốc lại là bạn học rất thân thiết của ông hồi ở Liên Xô. Thế là họ bỏ phiếu trắng.
Qua lời ông Từ Đễ, giờ tôi mới được biết, cha ông không chỉ làm những việc liên quan tới sức khỏe quân đội và nhân dân như cải tiến cơ cấu bữa ăn, cơ khí hóa bếp ăn tập thể, ông còn chuyển đổi tư duy cửa miệng “bữa cơm” trở thành “bữa ăn” như ngày nay. Đấy là cả một quá trình vận động, tuyên truyền vất vả và kiên trì. Ông còn làm những việc chả liên quan gì đến dinh dưỡng.
Hồi đầu năm 1973, khi còn làm Viện trưởng Viện Nghiên cứu ăn mặc cho quân đội, ông nhận được nhiệm vụ lạ lùng: chế tạo áo giáp cho Chủ tịch Phi-đen sang thăm Việt Nam.
Trên cơ sở áo giáp tre chống mảnh bom của lính lái xe Trường Sơn, ông bàn với trung tá Trần Tự Đãi dùng mắt tre cật kết lại kiểu vây cá thành áo giáp chống bom bi. Sau khi thử nghiệm ở trường bắn, chiếc áo ấy được chế tạo và Chủ tịch Phi-đen đã mặc bên trong quân phục khi đi thăm chiến trường Quảng Trị.
Thủ tướng Phạm Văn Đồng từng tâm sự: “Trong các quyết định tôi kí thì quyết định cử anh Từ Giấy làm Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia là sáng suốt nhất!”.
Ông Từ Đễ chia sẻ: “Cha tôi thường dạy anh em tôi trong cuộc đời cần sống theo lời các cụ dặn: tri kỉ, tri bỉ, tri túc, tri chỉ (tức là biết mình, biết người, biết đủ, biết dừng). Sau hơn chục năm làm Viện trưởng ông đã viết đơn xin nghỉ hưu khi vào tuổi 73. Trong Bộ Y tế chả có ai lại làm đơn xin nghỉ hưu như ông cả”.
Mải chuyện, lúc này tôi mới để mắt ngắm hai bức tranh dường như đối nghịch treo trong nhà. Một bức tranh Hàng Trống “Lý ngư vọng nguyệt” (cá chép trông trăng) và bức sơn dầu “Cô gái bưng cốc nước” của họa sĩ Đức.
Dường như ông Từ Đễ “đọc” được suy nghĩ của khách, ông giảng giải: “Đây là hai bức tranh mà cha tôi thích nhất. Bức tranh Hàng trống có hai tứ sâu xa: chỉ có cá chép mới đủ sức và ý chí vượt được vũ môn như cuộc đời của cha tôi.
Còn bức tranh còn lại cha tôi thích mỗi cốc nước trong vắt mà cô gái bưng trân trọng trên khay: cội nguồn cuộc sống và tượng trưng cho sự thánh thiện của cô thôn nữ.
Cha tôi yêu thích nghệ thuật nhưng phải là nghệ thuật đích thực. Ông từng lên đất Lim (Bắc Ninh) nghe quan họ cổ do các cụ hát chứ không nghe quan họ cải biên. Tôi nhớ, năm 1961 ông mang từ Liên Xô về chồng đĩa than các bản nhạc cổ điển nổi tiếng nhất nên anh em tôi được sống trong không gian âm nhạc đích thực qua các tác phẩm đậm chất kinh điển châu Âu như Traicopski, Glinka, Shotstakovic, Suman, Ravel...
Ông từng dẫn tôi đến học vẽ ở nhà thày Đinh Minh, phố Hàng Trống, thày Sĩ Ngọc. Cậu em tôi thì học đàn violon và cậu út do chiến tranh nên không có điều kiện học nghệ thuật.
Các con ông được cử đi đào tạo tại các trường và học viện quân sự của Liên Xô và họ đều là những người mang tính cách cổ điển của sĩ quan Nga: “Tâm hồn dâng cho đất trời, nghĩa vụ dâng cho Tổ quốc, tình yêu dành cho phụ nữ và danh dự giữ riêng cho mình”. Chúng tôi chắc chắn cũng thừa hưởng gene nghệ thuật của bên ngoại vì mẹ tôi thuộc dòng họ cụ Nguyễn Trãi.
Bao năm qua rồi, nhưng ông Từ Đễ vẫn còn nhớ, một hôm cha ông dẫn đến chỗ người bạn lâu năm họa sĩ Phan Kế An và chỉ cho xem bức tranh “Một chiều Tây bắc” (mô tả một đoàn chiến sĩ kiểu Tây tiến của nhà thơ Quang Dũng) họ nối đuôi nhau đi dọc triền núi trong ánh chiều vàng Tây bắc.
Rồi ông nhỏ nhẹ giảng giải về sự khiêm nhường của con người: “Đây là bức tranh bố thích nhất vì con người thật là nhỏ bé trước thiên nhiên hùng vĩ. Phối cảnh bức tranh này giống kiểu tranh thủy mặc Tàu. Con cần biết trong tiếng Nga chữ “tôi” đứng cuối cùng trong bảng chữ cái. Còn điều này con càng phải nhớ kỹ: trong cơ thể ta có tới 70% là nước”.
Khi ra về, tôi được chủ nhà tặng một túi xoài trong vườn ATK của gia đình và một hộp lương khô của X22. Đều là cây nhà lá vườn. Tôi thầm nghĩ, cả cuộc đời của một nhà khoa học, nhà báo, người thầy thuốc dâng hiến cho cuộc đời, cho con người, không chỉ để lại những công trình, những sáng tạo. Điều lớn lao nhất mà ông để lại con cháu, cho thế hệ mai sau là tấm gương của một nhà khoa học tận tụy cống hiến nhưng hết mực khiêm nhường. Suốt đời GS.Từ Giấy là cuộc sáng tạo không ngừng nghỉ cho đến lúc nhắm mắt, xuôi tay.
Giáo sư Từ Giấy sinh 10/10/1921, mất 27/9/2009 thọ 89 tuổi, quê quán thôn Khê Hồi, xã Hà Hồi, phủ Thường Tín, tỉnh Hà Đông.
Giáo sư Từ Giấy là một chiến sĩ cách mạng, dùng tri thức khoa học của mình xây dựng nền tảng dinh dưỡng cho dân tộc Việt. Ông được giới khoa học, y học, dinh dưỡng học gọi là cha đẻ của ngành dinh dưỡng Việt Nam, thế giới vinh danh là “Huyền thoại của ngành dinh dưỡng thế giới”, Liên Hiệp Quốc vinh danh là “Nhà khoa học đã suốt đời cống hiến cho sự nghiệp dinh dưỡng”…
Giáo sư Từ Giấy là Anh hùng Lao động, Thày thuốc Nhân dân, Giải thưởng Nhà nước về KHCN, Huân chương Độc lập hạng nhì, Huân chương Lao động hạng nhất và nhì, Huân chương Quân công hạng nhì, Huân chương Chiến công hạng nhất và nhì, Huân chương Kháng chiến hạng nhất, Huân chương Chiến thắng hạng nhì.