Giới đầu cơ tháo chạy khỏi các vị thế carry-trade, đồng yên tăng giá mạnh
Khi đồng yên hồi phục, các nhà giao dịch carry-trade phải mua vào yên để cắt lỗ hoặc chốt lãi. Do vậy, đà tăng giá càng mạnh hơn...
Đồng yên của Nhật Bản tiếp tục tăng giá qua các ngưỡng chủ chốt so với đồng USD trong phiên giao dịch ngày 24/7 và 25/7, khiến nhiều nhà đầu cơ phải đóng trạng thái giao dịch chênh lệch lãi suất (carry-trade), dẫn tới một vòng xoáy hồi phục tự mạnh lên.
Biến động này đẩy tỷ giá nhiều đồng tiền khác cũng sụt giảm so với đồng yên, từ đồng peso của Mexico cho tới các đồng đôla của Australia và New Zealand.
Theo hãng tin Bloomberg, tỷ giá đồng USD so với yên trong phiên 24/7 đã giảm xuống dưới ngưỡng bình quân 100 ngày lần đầu tiên kể từ giữa tháng 3, phá mốc tâm lý 155 yên đổi 1 USD. Ngoài ra, các chỉ báo kỹ thuật cho thấy xung lực này có thể tiếp diễn. Các đồng đôla Australia, đôla New Zealand và peso Argentina đồng loạt giảm khoảng 1% so với đồng yên.
Khi đóng cửa tại thị trường New York, đồng yên tăng giá 1,06% so với USD, đạt 153,97 yên đổi 1 USD.
Sáng nay (25/7), đồng yên có lúc tăng 0,5% so với USD, đạt 152,84 yên đổi 1 USD, mức giá cao nhất của yên trong 2 tháng rưỡi trở lại dây.
Đầu tháng này, đồng yên có lúc giảm giá xuống mức thấp nhất so với USD trong 38 năm, với gần 162 yên đổi 1 USD. Từ mức đáy đó, đồng yên đến nay đã tăng giá khoảng 5%.
Động lực cho sự hồi phục này của đồng yên là việc Bộ Tài chính Nhật Bản và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) được cho là đã can thiệp vào thị trường tiền tệ vào các ngày 11-12/7; ứng cử viên tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra những bình luận mang tính chất cảnh báo về tỷ giá yên; và một số quan chức cấp cao của Nhật Bản bày tỏ lo ngại về sự trượt giá của đồng nội tệ.
Khi đồng yên hồi phục, các nhà giao dịch carry-trade phải mua vào yên để cắt lỗ hoặc chốt lãi. Do vậy, đà tăng giá càng mạnh hơn.
“Tuần này, đồng yên hưởng lợi từ việc các nhà đầu cơ rút mạnh khỏi các giao dịch carry-trade. Điều này cho thấy các trạng thái bán khống đồng yên Nhật đang đối diện với áp lực ngày càng lớn từ việc Bộ Tài chính Nhật can thiệp để bảo vệ tỷ giá. Các chính trị gia Nhật Bản đã lên tiếng mạnh mẽ hơn về rủi ro kinh tế từ việc đồng yên liên tục mất giá”, trưởng chiến lược ngoại hối Richard Franulovich của ngân hàng Westpac Banking Corp nhận định với Bloomberg.
Lãi suất siêu thấp ở Nhật Bản đã khiến đồng yên trở thành đồng tiền cấp vốn (funding currency) được ưa chuộng trong giao dịch carry-trade trong những năm gần đây. Trong loại hình giao dịch này, nhà đầu cơ vay những đồng tiền có lãi suất thấp để đầu tư vào những đồng tiền có lãi suất cao hơn hoặc tài sản được định giá bằng những đồng tiền có lãi suất cao hơn.
Hiện tại, nhiều nhà đầu cơ đang rút khỏi giao dịch carry-trade vì dự báo nhà chức trách có thể tiếp tục can thiệp vào thị trường tiền tệ. Ngoài ra, khả năng BOJ tăng lãi suất vào cuối tháng này, cộng thêm việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) tiến tới hạ lãi suất trong năm nay, cũng hỗ trợ tỷ giá đồng yên.
Tuần này, Tổng thư ký Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền và Bộ trưởng Bộ Chuyển đổi số Taro Kono cùng lên tiếng kêu gọi BOJ tăng lãi suất để hạn chế đà giảm giá của đồng yên.
“Những phát biểu của ông Kono và ông Motegi làm gia tăng sự thận trọng của thị trường rằng BOJ có thể sắp tăng lãi suất thêm”, chiến lược gia Keiichi Iguchi của công ty Resona Holdings Inc. nhận định. Cùng với việc Bộ Tài chính Nhật được cho là đã can thiệp vào thị trường tiền tệ vào đầu tháng này, “một đợt tăng lãi suất nữa của BOJ có thể chấm dứt đà giảm giá kéo dài của yên”, ông Iguchi nhận định.
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg vào tuần trước, ông Trump nói Mỹ đang có “vấn đề lớn về tiền tệ” vì đồng yên Nhật và đồng nhân dân tệ Trung Quốc mất giá. Đánh giá này của vị cựu Tổng thống làm dấy lên khả năng ông sẽ tìm cách làm đồng bạc xanh mất giá nếu tái đắc cử trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Các hợp đồng hoán đổi lãi suất qua điểm đang đặt cược khả năng 33% BOJ tăng lãi suất 0,15 điểm phần trăm khi kết thúc cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ vào ngày 31/7.
Theo một cuộc khảo sát của Bloomberg, chỉ có khoảng 30% số nhà quan sát được hỏi dự báo chắc chắn BOJ sẽ tăng lãi suất vào ngày 31/7, nhưng có tới hơn 90% cho rằng có khả năng BOJ sẽ hành động như vậy.
Ngoài khả năng tăng lãi suất, BOJ còn dự kiến công bố kế hoạch cắt giảm chương trình mua trái phiếu trong lần họp này. Một động thái như vậy sẽ là tín hiệu thể hiện quyết tâm của ngân hàng trung ương này trong việc rút lại chương trình kích cầu khổng lồ bằng chính sách tiền tệ siêu nới lỏng.
“Khả năng BOJ giảm mua vào trái phiếu chính phủ Nhật và tăng lãi suất có vẻ đang đang dẫn tới biến động tỷ giá đồng yên so với USD và các đồng tiền khác”, nhà phân tích Tony Sycamore của công ty IG nhận định với hãng tin Reuters.
Tỷ giá yên so với đồng euro cũng đang ở mức cao nhất 2 tháng rưỡi, yên so với đồng bảng Anh đang cao nhất 1 tháng rưỡi.