Gói 7.500 tỷ cho vay trả người người lao động mới giải ngân được 5%
Theo các doanh nghiệp, vẫn còn nhiều khó khăn tiếp cận gói hỗ trợ 7.500 tỷ, bởi vậy, cần phải nới lỏng các điều kiện...
Theo Ngân hàng Chính sách Xã hội, sau 2 tháng triển khai cho vay hỗ trợ trả lương ngừng việc, phục hồi sản xuất, đến ngày 17/9, hệ thống ngân hàng này mới phê duyệt được 746 hố sơ đề nghị vay vốn của người sử dụng lao động với số tiền hơn 392 tỷ đồng.
Đồng thời, ngân hàng đã giải ngân 382 tỷ đồng cho 730 người sử dụng lao động để trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất cho 109.373 lượt người lao động tại 63 tỉnh, thành phố.
Sau hơn 2 tháng triển khai, Ngân hàng Chính sách xã hội mới giải ngân được khoảng 5% trong tổng quy mô gói hỗ trợ 7.500 tỷ đồng.
Trước đó, số liệu ngân hàng này cung cấp tại ngày 17/8 cho biết, hệ thống đã tiếp nhận 308 hồ sơ đề nghị vay vốn của người sử dụng lao động với tổng số tiền 174,6 tỷ đồng.
Trong đó, số hồ sơ được phê duyệt là 276 lượt với số tiền gần 170,7 tỷ đồng để trả lương cho 49.043 lượt người lao động. Số tiền ngân hàng đã giải ngân cho người sử dụng lao động vay đến cùng thời điểm là gần 170 tỷ đồng.
Như vậy, trong khoảng 1 tháng qua, Ngân hàng Chính sách Xã hội giải ngân thêm khoảng 212 tỷ đồng cho người sử dụng lao động vay để trả lương người lao động ngừng việc và trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh.
Theo Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Chính sách xã hội được Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn để cho người sử dụng lao động vay trả lương cho người lao động bị ngừng việc và phục hồi sản xuất kinh doanh. Tổng số tiền tái cấp vốn tối đa 7.500 tỷ đồng với lãi suất là 0%/năm.
Như vậy, sau hơn 2 tháng triển khai, Ngân hàng Chính sách xã hội mới giải ngân được khoảng 5% trong tổng quy mô gói hỗ trợ 7.500 tỷ đồng.
Hiện, theo phản ánh của các doanh nghiệp, có nhiều khó khăn khi người sử dụng lao động muốn tiếp cận gói tín dụng này. Điển hình, do phải giãn cách xã hội nên nhiều doanh nghiệp không thể liên hệ để làm hồ sơ vay.
Hay như, quy định người lao động phải ngừng việc từ 15 ngày liên tục là chưa phù hợp thực tế. Bởi lẽ, để bảo đảm thu nhập cho người lao động, không ít doanh nghiệp phải thực hiện chế độ nghỉ luân phiên (đi làm một tuần, nghỉ 1 tuần) đối với từng bộ phận công nhân.
Ngoài ra, quy định doanh nghiệp muốn vay vốn phải được cơ quan chức năng xác định là đang phải tạm dừng hoạt động để phòng dịch. Nhưng khi thực hiện các biện pháp cách ly, giãn cách xã hội, các địa phương chưa có quy định cụ thể về đối tượng phải dừng hoạt động dẫn đến việc khó xác định người sử dụng lao động dừng hoạt động theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Để tháo gỡ khó khăn của doanh nghiệp, lãnh đạo Ngân hàng Chính sách Xã hội cho biết, các tỉnh, thành phố đang trong khu vực thực hiện theo nguyên tắc Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ có thể thông qua Cổng Dịch vụ công quốc gia, bưu điện để tiếp nhận, hướng dẫn người sử dụng lao động hoàn thiện hồ sơ.
Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp Bộ Lao động, thương binh và xã hội trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. Trong đó chú trọng sửa đổi, nới lỏng điều kiện tiếp cận chính sách vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, để tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng lao động, người lao động đủ điều kiện được thụ hưởng gói cho vay trả lương lãi suất 0% theo Quyết định số 23, Ngân hàng Chính sách đã thực hiện miễn phí chuyển tiền giải ngân.
Đại diện Vụ Tín dụng các ngành kinh tế cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp Bộ Lao động, thương binh và xã hội trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Nghị quyết 68/NQ-CP, Quyết định 23/2021/QĐ-TTg. Trong đó chú trọng sửa đổi, nới lỏng điều kiện tiếp cận chính sách vay vốn trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất kinh doanh.