Hà Nội: “Dàn hàng luồn lách”, chạy cảnh sát giao thông tại nút giao Ngã Tư Sở
Sau hơn 3 tháng thí điểm phân luồng giao thông tại nút giao Ngã Tư Sở, tình trạng ùn tắc theo hướng Trường Chinh đi Láng đã cơ bản được giải quyết. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều phương tiện xe máy “luồn lách” qua rào chắn, đi ngược chiều, gây nguy hiểm cho các phương tiện giao thông khác.
Theo phương án thí điểm phân luồng tổ chức giao thông tại nút giao Ngã Tư Sở từ ngày 18/6/2022, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội (GTVT) thực hiện cấm các phương tiện từ Nguyễn Trãi đi thẳng Tây Sơn hoặc rẽ trái sang đường Láng.
Việc phân luồng được thực hiện bằng dải phân cách cứng tại vị trí cầu vượt Ngã Tư Sở. Các phương tiện từ Nguyễn Trãi muốn vào trung tâm Thành phố buộc phải rẽ phải sang Trường Chinh, sau đó quay đầu trở lại và rẽ phải đi Tây Sơn hoặc đi thẳng để sang đường Láng.
Sau hơn 3 tháng triển khai phân luồng giao thông, qua quan sát của phóng viên Auto News tình hình giao thông theo hướng Trường Chinh đi Tây Sơn và Láng đã cơ bản ổn định. Các phương tiện di chuyển chậm nhưng không bị ùn tắc thường xuyên như trước đây.
Ngược lại, hướng đường Láng và Nguyễn Trãi đi Trường Chinh vẫn ùn tắc cục bộ. Một phần nguyên nhân do nhiều phương tiện xe máy tự ý lách qua dải phân cách để đi tắt từ Nguyễn Trãi sang Tây Sơn, hoặc rẽ trái, đi ngược chiều sang đường Láng. Khi gặp các phương tiện từ đường Láng đi tới, giao thông tại một số thời điểm trở nên “hỗn loạn”.
Thiếu tá Phạm Việt Dũng, Đội CSGT đường bộ số 3 (Phòng CSGT, Công an Thành phố Hà Nội) cho biết: “So với trước đây, các phương tiện muốn di chuyển từ Nguyễn Trãi sang Tây Sơn hoặc đường Láng sẽ phải đi đường vòng thêm khoảng 1,4km. Mặt khác, đoạn từ nút giao Ngã Tư Sở đi Trường Chinh có rất nhiều phương tiện giao thông nhập làn nên thường xuyên bị ùn ứ. Đây cũng chính là lý do khiến một số người dân vì sự tiện lợi của bản thân nên đã vòng qua rào chắn để đi tắt”.
Cũng theo Thiếu tá Phạm Việt Dũng, tình trạng người dân đi ngược chiều tại nút giao Ngã Tư Sở thường diễn ra vào khung giờ cao điểm khoảng 7h15 đến 8h sáng. Số lượng vi phạm tuy đã giảm nhiều so với trước đây, nhưng vẫn gây xung đột giao thông. Lực lượng chức năng trực chốt tại đây thường xuyên phải căng mình, vừa điều tiết giao thông, vừa ngăn chặn, xử lý các trường hợp cố tình vi phạm.
Theo quy định tại Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP, hành vi đi ngược chiều của đường một chiều, đi ngược chiều trên đường có biển “Cấm đi ngược chiều” sẽ bị phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với xe máy. Đồng thời, chủ phương tiện có thể bị tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 01 - 03 tháng. Trường hợp đi ngược chiều gây tai nạn giao thông sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, tước quyền sử dụng Giấy phép lái xe từ 02 - 04 tháng.
Mặc dù vậy, không ít người đi xe máy vẫn “phớt lờ” biển chỉ dẫn và hiệu lệnh của CSGT, ngang nhiên dàn hàng ngang giữa nút giao Ngã Tư Sở, chờ đợi đèn đỏ xuất hiện để đi sang hướng Tây Sơn. Khi phát hiện thấy bóng dáng của lực lượng chức năng, một số chủ xe máy quay đầu bỏ chạy, bất chấp các phương tiện khác đang di chuyển tới.
Ông N.T.Sơn (Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi thường xuyên thấy rất nhiều xe máy đi ngược chiều kiểu này. Lực lượng chức năng cũng chỉ xử lý được một vài trường hợp, còn lại vẫn cố tình vượt qua, ai xui xẻo thì bị giữ lại. Mặc dù chưa có vụ tai nạn đáng tiếc nào xảy ra nhưng cũng khiến giao thông lộn xộn”.
Theo kế hoạch, Sở GTVT Hà Nội sẽ thí điểm phương án phân luồng tại nút giao Ngã Tư Sở đến ngày 22/10 tới đây và có thể sẽ tiếp tục kéo dài thời hạn thí điểm đến hết năm 2022. Cùng với việc phân luồng, điều chỉnh tổ chức giao thông, Sở GTVT cũng thực hiện điều chỉnh chu kỳ đèn tín hiệu giao thông kết hợp hệ thống vạch sơn, biển báo trên các trục.