Hà Nội xây dựng giao thông thông minh
Hà Nội đang tiên phong cả nước trong việc áp dụng hình thức thẻ vé liên thông. Dự án này đã thu hút sự quan tâm và hợp tác từ nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước…
Là một trong những thành phố lớn và có mật độ dân cư cao nhất Việt Nam, Hà Nội đang đối mặt với những thách thức lớn trong việc phát triển và quản lý hệ thống giao thông.
Tính đến hết năm 2023, Thành phố có khoảng 8,5 triệu dân. Theo quy hoạch định hướng phát triển Thủ đô trong thời gian tới, đến năm 2030, Hà Nội sẽ có dân số khoảng 12 triệu người, và đến năm 2045, dân số Hà Nội sẽ là 14,6 triệu người.
Với quy mô diện tích rộng lớn và dân số ngày càng tăng, việc ứng dụng các công nghệ hiện đại và xây dựng một hệ thống giao thông thông minh (ITS) ở Hà Nội đã trở nên cấp thiết. Điều này không chỉ giúp cải thiện tình trạng ùn tắc, giảm tai nạn giao thông và ô nhiễm môi trường, mà còn góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân.
HÀ NỘI HIỆN TIÊN PHONG ÁP DỤNG HÌNH THỨC THẺ VÉ LIÊN THÔNG
Theo ông Đỗ Việt Hải, Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải Hà Nội, thành phố Hà Nội được xác định là một trong những thành phố có số dân và mật độ dân cư cao của cả nước, vì vậy giao thông Hà Nội có tầm quan trọng lớn trong việc đáp ứng nhu cầu đi lại và vận chuyển hành khách và hàng hóa ngày một tăng.
“Hà Nội là thành phố có diện tích và mật độ dân số lớn, với hơn 8,5 triệu dân và khoảng 8 triệu phương tiện giao thông. Trong khi đó, việc tỷ lệ đất dành cho giao thông chỉ khoảng 12,13% và tỷ lệ vận tải hành khách công cộng thấp, dẫn đến tình trạng ùn tắc giao thông và ô nhiễm môi trường”, ông Đỗ Việt Hải cho biết tại hội thảo “Di chuyển xanh, thông minh cho đô thị thông minh, phát triển bền vững” diễn ra sáng 2/12.
Theo đó, từ ngày 1/1/2025, thành phố Hà Nội sẽ chính thức triển khai giải pháp thẻ vé thông minh, trở thành một trong những địa phương đầu tiên trên cả nước ban hành quy định về hệ thống kỹ thuật của thẻ vé liên thông. Hệ thống này tích hợp nhiều định hướng và công nghệ hiện đại, mở ra nhiều tiện ích cho người dân.
Người dân có thể sử dụng căn cước công dân để tham gia các phương tiện giao thông vận tải hành khách công cộng. Công nghệ sinh trắc học được ứng dụng để hỗ trợ hành khách ra vào các cổng kiểm soát trong hệ thống giao thông công cộng một cách an toàn và nhanh chóng.
Hà Nội hiện đang tiên phong trên cả nước trong việc áp dụng hình thức thẻ vé liên thông. Dự án này đã thu hút sự quan tâm và hợp tác từ nhiều tập đoàn lớn trong và ngoài nước, như: Mastercard, Visa, Viettel, VNPT và FPT, với cam kết đầu tư mạnh mẽ vào hệ thống này. Những thành tựu ban đầu này là dấu hiệu tích cực cho sự phát triển, tuy nhiên, so với nhu cầu thực tế sử dụng, hệ thống vẫn cần mở rộng và hoàn thiện để đáp ứng kỳ vọng của người dân và nâng cao hiệu quả giao thông công cộng.
Hệ thống giao thông thông minh sẽ hỗ trợ hiệu quả công tác quản lý nhà nước, đảm bảo tính minh bạch, góp phần giảm ùn tắc giao thông, giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm chi phí đi lại và vận hành. Một trong những thành tựu quan trọng là việc quản lý và điều hành giao thông được thực hiện tập trung trên nền tảng số thông qua Trung tâm Điều khiển Giao thông Thông minh, nơi kết nối đầy đủ các thành phần và chức năng cần thiết.
Người dân là đối tượng thụ hưởng chính từ hệ thống này, được đảm bảo chất lượng dịch vụ tốt hơn, đồng thời nâng cao vai trò trong việc tham gia quản lý, điều hành và giám sát hoạt động giao thông. Hệ thống này không chỉ mang lại lợi ích thiết thực mà còn khuyến khích người dân phản biện, đánh giá và góp ý để các cơ quan quản lý nhà nước tiếp thu, cải thiện và hoàn thiện hơn trong quá trình phát triển ngành giao thông vận tải Thủ đô.
Đối với các doanh nghiệp, hệ thống giao thông thông minh mang lại lợi ích ở hai phương diện: sử dụng dịch vụ và đầu tư xây dựng hệ thống. Ngoài ra, giao thông thông minh được xem như một cơ sở dữ liệu lớn, mở ra tiềm năng khai thác thông tin, một tài nguyên vô cùng giá trị trong bối cảnh các nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt. Hệ thống này không chỉ là giải pháp cho hiện tại mà còn là nền tảng quan trọng cho sự phát triển bền vững của ngành giao thông vận tải Hà Nội trong tương lai.
BA GIAI ĐOẠN PHÁT TRIỂN GIAO THÔNG THÔNG MINH HÀ NỘI
Hiện tại, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội đã lập và trình UBND thành phố phê duyệt Đề án Giao thông Thông minh, bao gồm các nội dung chính như: quản lý, khai thác hạ tầng giao thông hiệu quả; ứng dụng công nghệ nâng cao năng lực quản lý; bảo đảm an toàn giao thông và văn hóa giao thông.
Lộ trình phát triển hệ thống giao thông thông minh tại Hà Nội được chia thành ba giai đoạn chính.
Giai đoạn 1 (2025-2027) tập trung xây dựng Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông Thông minh của thành phố. Trong giai đoạn này, hệ thống sẽ đảm bảo các nền tảng dùng chung như bản đồ số, dữ liệu lớn (Big Data), IoT, và công nghệ đám mây (Cloud).
Trung tâm sẽ thực hiện 9 chức năng chính bao gồm giám sát giao thông, cung cấp thông tin giao thông, điều khiển giao thông, hỗ trợ xử lý vi phạm trật tự an toàn giao thông, quản lý giao thông công cộng, quản lý đỗ xe, quản lý sự cố, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, và quản lý thanh toán vé điện tử. Ngoài ra, thiết bị ngoại vi như camera, đèn tín hiệu, và bảng báo điện tử sẽ được lắp đặt tại 55 nút giao trên các tuyến vành đai 1, 2, 3 và các trục xuyên tâm.
Giai đoạn 2 (2028-2030) sẽ mở rộng phạm vi hoạt động và hoàn thiện Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông Thông minh, tích hợp toàn bộ các hoạt động quản lý giao thông của thành phố. Ba chức năng mới sẽ được bổ sung, bao gồm quản lý vận tải, quản lý nhu cầu thông qua việc thu phí nội đô, và mô phỏng giao thông. Phạm vi triển khai lắp đặt thiết bị giao thông thông minh ngoại vi cũng được mở rộng cho 150 nút giao và vị trí trên toàn bộ các tuyến vành đai và các tuyến trục chính đô thị, các tuyến hướng tâm.
Giai đoạn 3 (sau năm 2030) hướng tới nâng cấp và mở rộng Trung tâm Quản lý và Điều hành Giao thông Thông minh với việc cập nhật và nâng cấp 12 chức năng hiện có. Hệ thống sẽ phát triển thêm các ứng dụng giao thông thông minh, tận dụng giá trị của dữ liệu số. Đồng thời, phạm vi lắp đặt thiết bị giao thông thông minh ngoại vi sẽ được mở rộng cho 300 nút giao và các vị trí trên toàn địa bàn thành phố, góp phần tạo ra một hệ thống giao thông tiên tiến hàng đầu trong khu vực.
TÀI NGUYÊN THIÊN NHIÊN NGÀY CÀNG CẠN KIỆT, TRONG KHI TÀI NGUYÊN SỐ NGÀY CÀNG PHONG PHÚ
Trong đề án giao thông thông minh, Sở Giao thông vận tải Hà Nội xác định vai trò quan trọng của việc sử dụng công nghệ thông tin và khai thác dữ liệu lớn.
Theo các chuyên gia, giao thông thông minh không chỉ là giải pháp hiện đại hóa hạ tầng mà còn được xem như một cơ sở dữ liệu quý giá trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày càng cạn kiệt, trong khi tài nguyên số ngày càng phong phú.
Một trong những thách thức lớn trong các giai đoạn tới là làm sao khai thác hiệu quả dữ liệu về hành trình đi lại, mật độ di chuyển, và luồng giao thông để tối ưu hóa mạng lưới quy hoạch, đồng thời hỗ trợ quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô một cách chính xác và hiệu quả hơn.
Hệ thống này còn mở ra tiềm năng cung cấp các dịch vụ dữ liệu thiết thực, chẳng hạn như hỗ trợ doanh nghiệp phân tích mật độ giao thông và thói quen di chuyển tại một khu vực cụ thể để đưa ra quyết định kinh doanh.
Đây không chỉ là một giải pháp cải thiện giao thông đô thị mà còn có thể tạo nguồn thu đáng kể cho ngành giao thông vận tải nếu biết cách khai thác đúng đắn. Giao thông thông minh được xem là nền tảng cần thiết để xây dựng thành phố thông minh, giải quyết các vấn đề cấp bách của đô thị hiện đại.