Hà Tĩnh đề xuất chuyển đổi gần 22ha đất trồng lúa thực hiện dự án hơn 2 tỷ USD
Sau khi đồng ý chủ trương cho phép chuyển đổi hơn 24ha diện tích đất rừng để thực hiện các hạng mục tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II, tỉnh Hà Tĩnh có công văn gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường để bổ sung hồ sơ đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng gần 22ha diện tích đất đồng lúa sang thực hiện dự án trên...
Mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh Trần Báu Hà đã ký Công văn số 587 gửi Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất về việc bổ sung hồ sơ đề nghị chuyển đổi mục đích sử dụng 21,6ha diện tích đất đồng lúa sang thực hiện dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II.
Theo nội dung văn bản, dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II có tổng quy mô diện tích sử dụng đất là 149,2 ha, trong đó diện tích đất trồng lúa phục vụ cho dự án là 58,1 ha đã được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chuyển đổi mục đích sang đất phi nông nghiệp tại văn bản số 1084/TTg-NN ngày 17/8/2021.
Đến nay, số diện tích đất trồng lúa chuyển mục đích sang đất phi nông nghiệp đã sử dụng vào các hạng mục cho dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II là 36,5 ha, còn lại 21,6 ha chưa thực hiện việc chuyển đổi do chưa thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng.
Vì vậy, UBND tỉnh Hà Tĩnh đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Cục Quy hoạch và Phát triển tài nguyên đất thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.
Trước đó, Hà Tĩnh cũng đã đồng ý chủ trương cho phép chuyển đổi 24,42ha diện tích đất rừng để thực hiện các hạng mục như: Tuyến ống xỉ, bãi xỉ, đường xả ông làm mát, trạm bơm, khu vực tổ hợp thiết bị... tại dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II.
Trong đó, rừng phòng hộ 9,95 ha; rừng sản xuất 9,31 ha và 5,16ha ngoài quy hoạch 3 loại rừng. Số diện tích đất rừng trên địa bàn các xã Kỳ Lợi, Kỳ Trinh, Kỳ Thịnh tại thị xã Kỳ Anh.
Được biết, dự án Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng II có tổng mức đầu tư 2,2 tỷ USD, công suất 1.320 MW, đầu tư theo hình thức BOT tại xã Kỳ Lợi, thị xã Kỳ Anh.
Theo dự kiến, vào quý 3/2025 dự án sẽ hoàn thành và đi vào vận hành thương mại. Dự án hoạt động sẽ tạo việc làm cho khoảng 5.000 lao động, đóng góp khoảng 300 tỷ đồng/năm vào ngân sách địa phương, đáp ứng 8,529 GWh/năm cho nhu cầu phụ tải điện của Việt Nam.
Trước đó, ngày 2/3/2009, Chính phủ đồng ý cho Công ty Cổ phần Nhiệt điện Vũng Áng II (Công ty VAPCO) phát triển dự án Nhiệt điện Vũng Áng II theo hình thức BOT gồm 3 cổ đông với tỷ lệ góp vốn: Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) 25%, Công ty Cổ phần Cơ điện lạnh (REE) 23%, Công ty One Energy Asia (Hồng Kông) 30%. Số cổ phần còn lại (22%) do các cổ đông khác nắm giữ.
Đến tháng 9/2011, LILAMA chuyển nhượng toàn bộ cổ phần nêu trên cho REE. Tháng 8/2012, Công ty VAPCO chỉ còn 2 cổ đông chính là REE và One Energy. Trong đó, REE nắm giữ 51,55% cổ phần và One Energy nắm giữ 48,45% cổ phần. Tháng 4/2018, REE tiếp tục chuyển nhượng toàn bộ cổ phần tại Công ty VAPCO cho One Energy Asia.
Tuy nhiên, cuối năm 2020, Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc (KEPCO) đã mua lại 40% cổ phần tại dự án Nhiệt điện Vũng Áng II; "ông lớn" Mitsubishi cùng với 1 doanh nghiệp ngành điện của Nhật Bản nắm giữ 60% cổ phần còn lại tại VAPCO. Tháng 12/2021, Mitsubishi bán 15% cổ phần nhà máy Nhiệt điện than Vũng Áng II cho 'đại gia' năng lượng Nhật Bản là Công ty TNHH Điện lực Shikoku.