Hai bài học lớn của thế giới trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19
Tâm lý chủ quan có thể khiến virus bùng lên ở những nơi có thành tích chống dịch tốt nhất và tiêm chủng chính là giải pháp căn cơ nhất...
Tâm lý chủ quan có thể khiến virus bùng lên ở những nơi có thành tích chống dịch tốt nhất và tiêm chủng chính là giải pháp căn cơ nhất để thế giới vượt qua cuộc khủng hoảng Covid-19. Đó là hai bài học lớn mà thế giới đã rút ra tới thời điểm này trong cuộc chiến chống đại dịch.
Cho tới gần đây, Đài Loan được xem là một hình mẫu về chống Covid mà thế giới nên học theo. Các biện pháp kiểm soát của Đài Loan hiệu quả đến nỗi vùng lãnh thổ này gần như sạch bóng virus trong lúc nhiều khu vực khác liên tiếp trải qua những đợt sóng dịch.
Nhưng sự tự mãn bắt đầu xuất hiện: công tác xét nghiệm gần như bị gác lại, các biện pháp giám sát để phát hiện ca nhiễm trong cộng đồng không còn được thực hiện nghiêm ngặt, và đặc biệt là chiến dịch tiêm chủng Covid của Đài Loan gần như bằng 0.
CÂU CHUYỆN CỦA ĐÀI LOAN VÀ ẤN ĐỘ
Hôm 15/4, Đài Loan đi đến một quyết định sai lầm là rút ngắn thời gian cách ly đối với phi hành đoàn của các hãng hàng không xuống còn 3 ngày, sau khi các hãng bay phàn nàn về khó khăn trong vận hành các chuyến bay chở hàng trong điều kiện phi hành đoàn phải cách ly 14 ngày sau khi nhập cảnh.
Một số phi công bị nhiễm Covid-19 biến chủng Anh đã nhập cảnh vào Đài Loan, sau đó virus bắt đầu lây lan nhanh thông qua các tiếp viên quán bar - một nơi mà nhiều người không muốn thừa nhận là đã đến, dẫn tới việc truy dấu các ca bệnh trở nên khó khăn hơn.
Hôm 18/5, Đài Loan phát hiện 276 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm trong vài ngày trở lại đây lên 1.291 ca. Con số này có thể không lớn nếu so với tình hình dịch bệnh ở một số nơi khác trên thế giới, nhưng gây giật mình trong trường hợp Đài Loan, vì trước ngày 1/5, vùng lãnh thổ này mới chỉ ghi nhận tổng cộng 1.132 ca kể từ khi đại dịch bắt đầu.
Việc số ca nhiễm gia tăng từ 0 lên 4 chữ số là một dấu hiệu cho thấy virus đã âm thầm lây lan từ hàng tháng trước. Mối lo lúc này là Đài Loan có thể đi vào “vết xe đổ” như những mô hình chống dịch thành công khác trước đây: từ dịch bùng phát ở bang Victoria của Australia vào năm ngoái khiến bang này phải phong toả suốt 3 tháng, cho tới số ca nhiễm tăng chóng mặt gần đây ở Thái Lan do các ổ dịch trong nhà tù.
“Nếu họ phát hiện 300 ca, thì họ phải có 3.000 ca ngoài cộng đồng. Chẳng qua là họ không biết mà thôi”, nhà virus học Gregory Poland, Giám đốc Mayo Clinics Vaccine Research Group, phát biểu. “Việc này đòi hỏi một đợt phong toả nghiêm ngặt, hay còn gọi là phương pháp ngắt mạch lây nhiễm, sau đó là triển khai vaccine nhanh nhất có thể”.
Ấn Độ, quốc gia đang trải qua một “trận sóng thần” Covid cũng là một lời cảnh báo đối với thế giới về tâm lý chủ quan trong công tác chống dịch. Năm ngoái, Ấn Độ đã kiểm soát thành công làn sóng Covid thứ nhất bằng một đợt phong toả toàn quốc, dù phong toả khiến nền kinh tế của quốc gia Nam Á này sụt giảm 9,6% trong năm 2020.
Nghĩ rằng đã khống chế được dịch, Chính phủ của Thủ tướng Narendra Modi bắt đầu mất cảnh giác. Nhà chức trách cho phép diễn ra những cuộc tụ tập tôn giáo và chính trị quy mô lớn ở thời điểm số ca nhiễm mới giảm dưới 10.000 ca mỗi ngày và không có kế hoạch củng cố sức mạnh cho hệ thống y tế. Sự nới lỏng này tạo cơ hội lý tưởng cho sự lây lan của virus.
Vào hôm 13/3 tại Geneva, Giám đốc khoa học của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Soumya Swaminathan, một người Ấn Độ, cảnh báo rằng đất nước của bà đang ngó lơ một “quả bom virus hẹn giờ”. “Quả bom này có thể nổ bất kỳ lúc nào. Chúng ta không nên tự mãn”. Nhưng đã quá muộn: từ giữa tháng 3, số ca nhiễm ở Ấn Độ bắt đầu tăng mạnh trở lại và tiếp đó là bùng phát ngoài sức tưởng tượng, gây “vỡ trận” hệ thống y tế của đất nước tỷ dân.
Trong suốt gần một tháng trời, số ca nhiễm mới hàng ngày ở Ấn Độ liên tục ở ngưỡng 300.000-400.000 ca. Tính đến ngày 19/5, số ca nhiễm mới đã giảm dưới 300.000 ca ngày thứ ba liên tiếp, nhưng số ca tử vong lại lập kỷ lục mới ở 4.529 ca.
VACCINE - GIẢI PHÁP CĂN CƠ NHẤT
Việc Mỹ có thể đẩy nhanh việc mở cửa trở lại nền kinh tế là một minh chứng cho thấy tiêm chủng chính là giải pháp căn cơ và hữu hiệu nhất trong cuộc chiến chống Covid. Vào ngày 18/5, Mỹ đã thiết lập một cột mốc quan trọng khi 60% người trưởng thành ở nước này đã được tiêm ít nhất một mũi vaccine ngừa Covid.
Ngoài ra, hơn 4,1 triệu người từ 12-17 tuổi ở nước này cũng đã được tiêm ít nhất một mũi. Tỷ lệ dân số Mỹ được tiêm đầy đủ đã đạt 35,8%. Ngoài ra, số ca nhiễm mới trung bình hàng ngày trong 7 ngày gần nhất đã giảm dưới 29.000 ca, từ mức đỉnh điểm hơn 290.000 ca mỗi ngày hồi tháng 1.
Với tỷ lệ tiêm phòng ở mức cao và số ca nhiễm mới giảm mạnh, Trung tâm Kiểm soát và ngăn ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ đã nới lỏng quy định về đeo khẩu trang. Theo đó, người dân đã tiêm phòng Covid-19 đầy đủ có thể bỏ khẩu trang và không cần giữ khoảng cách với người khác trong hầu hết các trường hợp ở trong nhà và ngoài trời.
Tiêm chủng và những gói kích cầu khổng lồ mở ra cơ hội phục hồi mạnh mẽ cho kinh tế Mỹ. Sau khi tăng trưởng 6,4% trong quý 1/2021 so với cùng kỳ năm ngoái, nền kinh tế lớn nhất thế giới được dự báo tiếp tục bùng nổ trong thời gian còn lại của năm. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo tổng sản phẩm trong nước (GDP) của Mỹ có thể tăng 7,2% trong năm nay.
Chiến dịch tiêm chủng tăng tốc cũng là câu chuyện đang diễn ra ở Trung Quốc. Sau một thời gian lưỡng lự với vaccine, người dân nước này đã đổ xô đi tiêm phòng khi chứng kiến số ca nhiễm mới tăng mạnh ở hai tỉnh An Huy và Liêu Ninh.
Hiện Trung Quốc đang là quốc gia có tốc độ tiêm phòng Covid nhanh nhất thế giới, với hơn 400 triệu liều đã được tiêm tính đến ngày 19/5 - theo dữ liệu từ Uỷ ban Y tế quốc gia Trung Quốc (NHC). Nước này đạt mốc 100 triệu người được tiêm vào hôm 27/3, sau đó mất 26 ngày để đạt mốc 200 triệu người được tiêm, và 17 ngày tiếp theo để đạt mốc 300 triệu người được tiêm. Điều này đồng nghĩa với việc Trung Quốc đang tiến gần hơn tới mục tiêu tiêm chủng 40% dân số hoặc tiêm ít nhất 560 triệu liều vaccine trước cuối tháng 6.
Đối với Ấn Độ, Thủ tướng Modi không áp lệnh phong toả toàn quốc trong đợt dịch nghiêm trọng này. Thay vào đó, ông để các bang tự quyết định biện pháp hạn chế, và song song với đó đẩy mạnh công tác tiêm chủng. Một tháng trước, Ấn Độ - quốc gia sản xuất vaccine hàng đầu thế giới - đã ngừng xuất khẩu vaccine Covid để tập trung đáp ứng nhu cầu trong nước.
Nguồn tin là quan chức Chính phủ Ấn Độ tiết lộ với hãng tin Reuters rằng nước này khó có thể nối lại việc xuất khẩu vaccine Covid trước tháng 10 năm nay. Serum Institute of India (SII), nhà thầu lớn nhất thế giới về sản xuất vaccine Covid của hãng AstraZeneca, nói có thể đến cuối năm nay mới bắt đầu cung cấp được vaccine cho sáng kiến vaccine toàn cầu Covax và các quốc gia khác.
Tốc độ tiêm chủng ngừa Covid ở Ấn Độ hiện vẫn khá chậm do thiếu vaccine, bình quân chỉ đạt khoảng 1,7-1,8 triệu mũi mỗi ngày. Bộ trưởng Bộ Y tế Ấn Độ Harsh Vardhan nói rằng nguồn cung vaccine của Ấn Độ cần đạt mức 516 triệu liều vào tháng 7 và đạt hơn 2 tỷ liều trong khoảng từ tháng 8-12, thông qua đẩy mạnh sản xuất trong nước và cả nhập khẩu.
Về phần mình, Đài Loan giờ đã nhận thức được sự cần thiết của tiêm chủng, sau một thời gian cho rằng đã kiểm soát được virus. Tính đến đầu tuần này, mới chỉ có 0,9% dân số 23,5 triệu người của Đài Loan đã được miễn dịch thông qua tiêm chủng hoặc nhiễm bệnh và khỏi. Tỷ lệ này quá thấp so với tỷ lệ dân số đã tiêm đầy đủ đạt 14,5% ở Trung Quốc đại lục, hơn 1/3 ở Mỹ, và hơn 30% ở Anh.