Hải Dương sẽ “thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá” trong năm 2022
Năm 2021, Hải Dương đã trải qua rất nhiều đợt phong tỏa, cách ly xã hội diện rộng, hàng loạt nhà máy lớn trong khu công nghiệp của tỉnh cũng phải đóng cửa. Hải Dươngđã dốc toàn lực, tìm những giải phải nhanh nhất, hiệu quả nhất để khống chế dịch bệnh, nhưng đồng thời phải cũng giảm tối đa thiệt hại cho doanh nghiệp.
Ngày 28/1/2021 là một dấu mốc lịch sử trong trận chiến với Covid-19 của Hải Dương. Mặc dù đã “phòng thủ” khá cẩn thận nhưng Covid -19 vẫn bùng phát tại một trong những doanh nghiệp nước ngoài lớn nhất của địa phương này.
Kể từ thời điểm 28/1, người dân trong tỉnh đã trải qua rất nhiều ngày phong tỏa, cách ly xã hội diện rộng, hàng loạt nhà máy lớn trong khu công nghiệp của tỉnh cũng phải đóng cửa.
Toàn bộ lãnh đạo tỉnh Hải Dương đã có rất nhiều ngày chạy "bở hơi tai" tới các điểm nóng để cùng bàn bạc, tìm ra những giải pháp nhanh nhất hiệu quả nhất để khống chế dịch bệnh, nhưng đồng thời phải cũng giảm tối đa thiệt hại cho doanh nghiệp.
Với tinh thần “vào trận” đoàn kết, quyết tâm, Hải Dương đã từng bước kiềm chế đẩy lùi Covid -19 và cũng giành nhiều thắng lợi trên mặt trận kinh tế.
Câu chuyện tìm lối đi cho quả vải thiều của Hải Dương giữa mùa dịch có thể coi là một ví dụ tiêu biểu nhất cho thấy sự đoàn kết chung lòng của chính quyền, người dân và doanh nghiệp khi phải đối mặt với thách thức do Covid -19 gây ra.
Vụ vải thiều năm 2021 chín rộ đúng giai đoạn Covid -19 bùng phát dữ dội, nhưng chính quyền, người dân, doanh nghiệp đã bình tĩnh, chủ động kết nối nền tảng số, đưa vải lên các sàn thương mại điện tử trong nước, thậm chí quảng bá và bán sản phẩm online trên facebook, cùng với đó là kết hợp với kênh để mở rộng, phát triển các thị trường mới, có tiềm năng ở trong và ngoài nước…
Nhờ "tổng hòa" các giải pháp nên nông dân trồng vải thiều tại Hải Dương “thoát hiểm” ngoạn mục. Hàn ngàn hecta vải thiều đã được bán với giá cao chứ không phải chịu cảnh được mùa, mất giá như một số năm trước.
Ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư tỉnh ủy tỉnh Hải Dương nhớ lại: “Năm 2021 là năm Hải Dương gặp rất nhiều khó khăn thách thức do tác động của các đợt dịch Covid-19, đặc biệt đợt dịch thứ 3 diễn ra vào dịp Tết Nguyên đán. Đúng, với tinh thần “vượt khó - tăng tốc” Hải Dương đã đoàn kết, cố gắng vượt bậc để vượt qua khó khăn, kiểm soát dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và nỗ lực thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đạt được nhiều kết quả quan trọng đáng ghi nhận.”
Kết thúc năm đại dịch, Hải Dương đã đạt và vượt 11/14 chỉ tiêu của năm 2021, trong đó, tổng giá trị sản phẩm ước đạt 8,6% cả năm; thu ngân sách ước đạt 19.290 tỷ đồng, tăng khoảng gần 50% so với kế hoạch, tăng 14% so với cùng kỳ. Địa phương này cũng hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới toàn tỉnh. Cơ bản hoàn thành nhiệm vụ lập “Quy hoạch tỉnh Hải Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050”.
Năm 2022 dự báo tiếp tục sẽ có những khó khăn ảnh hưởng đến quá trình phát triển và thực hiện nhiệm vụ của Hải Dương. Việc xuất hiện biến chủng mới Omicron tiếp tục là một lời cảnh báo trên toàn cầu trong phòng chống Covid – 19, vì vậy, theo lãnh đạo tỉnh, Hải Dương sẽ tiếp tục phát huy sự đoàn kết, thống nhất, sức mạnh của cả hệ thống chính trị, sự hưởng ứng, đồng thuận của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp để phấn đấu hoàn thành tốt các yêu cầu, nhiệm vụ đề ra.
Với những kết quả đáng phấn khởi đã đạt được của năm 2021, ông Phạm Xuân Thăng cho rằng, Hải Dương tự tin vào năm 2022 với chủ đề ‘Thích ứng linh hoạt, tăng trưởng bứt phá’; mở rộng xúc tiến đầu tư, tỉnh sẽ không chỉ tập trung thu hút FDI trong công nghiệp, nông nghiệp, mà mọi lĩnh vực đều được đẩy mạnh, từ y tế, giáo dục, đến thương mại, du lịch….