Hài lòng thủ tục hành chính, quan ngại "chủ nghĩa vị thân"
Hiện tượng đáng quan ngại là người dân dường như đã quen và cam chịu với tham nhũng vặt, chạy chọt, hối lộ
Người dân hài lòng về thủ tục hành chính, nhưng quan ngại về "chủ nghĩa vị thân", đó là phát hiện từ chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) từ 2011 - 2016.
Đánh giá của người dân về hiệu quả hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước cấp tỉnh nhìn tự dự án PAPI là một trong 10 tham luận tại Hội thảo cải cách tổ chức bộ máy hành chính Nhà nước - khung chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện.
Hội thảo được tổ chức bởi đoàn giám sát của Quốc hội về cải cách bộ máy hành chính nhà nước, diễn ra sáng 22/2 tại Hà Nội.
Theo tác giả bản tham luận - TS Đặng Ngọc Dinh, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng - trong xã hội hiện đại, chính quyền từ vị thế đứng trên chuyển sang đứng giữa người dân.
Khi đó, người dân đóng vai trò là khách hàng của cơ quan công quyền. Một khi đã là khách hàng thì người dân có quyền đánh giá, giám sát các hoạt động của chính quyền, tham gia và có tiếng nói quan trọng, và trong nhiều trường hợp là quyết định (không mang tính hình thức) đối với các vị trí lãnh đạo của chính quyền.
Ông Dinh cho biết, hàng năm khảo sát PAPI đã trao đổi trực tiếp, lắng nghe những trải nghiệm của gần 14.000 người dân, được chọn ngẫu nhiên, về những nội dung về quản trị và hành chính công.
Phát hiện từ PAPI cho thấy người dân đánh giá về các thủ tục hành chính cao hơn về nội dung liên quan đến quản trị.
5 năm qua các giá trị về lĩnh vực cải cách hành chính luôn được người dân đánh giá cao (trên 70% hài lòng) hơn hẳn các trục nội dung liên quan đến thể chế , đạo đức công vụ, liên quan đến lĩnh vực quản trị.
Như, sự tham gia của người dân, công khai minh bạch, trách nhiệm giải trình, kiểm soát tham nhũng. Bốn chỉ số này luôn luôn chỉ đạt trên 50% và chưa thấy tiến bộ qua các năm.
Tác giả tham luận cho biết, người dân tỏ ra rất công bằng, đánh giá khá cao nội dung về dịch vụ chứng thực, xác nhận tại văn phòng một cửa của UBND xã, phường. Hầu như các tỉnh đều đạt giá trị rất cao, nhiều tỉnh gần như hoàn hảo.
Trong khi đó, người dân cũng không ngần ngại khi trả lời câu hỏi: ông/bà có thấy việc quen thân (còn gọi là chủ nghĩa vị thân) hoặc lo lót có quan trọng khi vào làm công chức, viên chức không?. Kết quả có đến trên 80% người được hỏi trả lời là rất quan trọng hoặc quan trọng.
Nhìn cả 63 tỉnh, thành thì tỷ lệ phẩn trăm số người cho rằng quan hệ thân quen hoặc hối lộ để có việc làm trong cơ quan nhà nước là không quan trọng ở Bình Dương là nhiều nhất, còn ở Hà Giang là ít nhất.
Tham luận nêu rõ, mặt tiêu cực trong tuyển chọn công chức/viên chức, ảnh hưởng của chủ nghĩa vị thân cũng được thể hiện rõ trên phạm vi toàn quốc. Suốt 5 năm liền, sự đánh giá của người dân tính trung bình trên cả nước là rất thấp (có giá trị 1,06 - 1,2 trên giá trị tối đa là 5).
Phát hiện tiếp theo từ PAPI là xã hội dường như đã quen với tập quán tham nhũng vặt, giá trị của trục nội dung "kiểm soát tham nhũng" có giá trị thấp so với lĩnh vực cải cách hành chính và dẫm chân tại chỗ 5 năm liền.
Một hiện tượng cũng đáng quan ngại, đó là dường như người dân đã quen và cam chịu với tham nhũng vặt, chạy chọt, hối lộ. Số liệu từ khảo sát PAPI cho thấy người dân ngày càng không còn hăng hái tố cáo hành vi tham nhũng khi bị vòi vĩnh, đòi hối lộ.
Cụ thể, tỷ lệ người bị vòi vĩnh đã tố giác hành vi đòi hối lộ giảm dần từ 9,15% của 2011 xuống 2,67% năm 2015.
Sự chịu đựng đối với hành vi tham nhũng cũng tăng lên theo thời gian, sẵn sàng bỏ qua, đồng loã với tham nhũng, số tiền bị vòi vĩnh tăng nhiều qua các năm.
Những số liệu "biết nói" trên, theo tác giả tham luận có thể là những tham khảo bổ ích đối với các cơ quan dân cử trong giám sát hoạt động của chính quyền tại một địa phương hoặc trên bình diện quốc gia.