Hải Phòng sẽ phát triển theo cấu trúc “Hai vành đai - Ba hành lang - Ba trung tâm và các đô thị vệ tinh”
Ba hành lang cảnh quan của Hải Phòng gồm: hành lang sông Cấm, sông Lạch Tray và sông Văn Úc. Ba Trung tâm đô thị và các đô thị vệ tinh gồm: Trung tâm đô thị lịch sử và đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm; Trung tâm Thương mại, Tài chính quốc tế (CBD) ở quận Hải An và quận Dương Kinh; Đô thị sân bay Tiên Lãng...
UBND thành phố Hải Phòng vừa phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức Hội nghị công bố Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Đây là sự kiện quan trọng trong sự phát triển của thành phố, nhằm cụ thể hóa quan điểm chỉ đạo Nghị quyết 45-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ngày 30/3/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 323/QĐ-TTg phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
Với mục tiêu trọng tâm, phát triển thành phố Hải Phòng trở thành cực tăng trưởng quan trọng của đất nước, cửa ngõ hướng ra biển Đông trên vịnh Bắc Bộ; phấn đấu đến năm 2045 – 2050, Hải Phòng trở thành thành phố có trình độ phát triển cao trong nhóm các thành phố hàng đầu châu Á và thế giới.
Đồng thời, phát triển thành phố Hải Phòng theo mô hình “Đô thị đa trung tâm và các đô thị vệ tinh”, với cấu trúc không gian: Hai vành đai - Ba hành lang - Ba trung tâm và các đô thị vệ tinh.
Trong đó, hai vành đai kinh tế gồm: vành đai kinh tế ven biển phát triển dịch vụ - du lịch - đô thị hướng ra biển; vành đai kinh tế công nghiệp dịch vụ từ cảng Lạch Huyện đến phía Bắc (huyện Thuỷ Nguyên), phía Tây (dọc quốc lộ 10), phía Nam (dọc sông Văn Úc) kết nối với mạng lưới khu, cụm công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng và hệ thống cảng biển Hải Phòng.
Ba hành lang cảnh quan gồm: hành lang sông Cấm, sông Lạch Tray và sông Văn Úc. Ba Trung tâm đô thị và các đô thị vệ tinh gồm: Trung tâm đô thị lịch sử và đô thị hành chính mới Bắc sông Cấm; Trung tâm Thương mại, Tài chính quốc tế (CBD) ở quận Hải An và quận Dương Kinh; Đô thị sân bay Tiên Lãng. Các đô thị vệ tinh gồm các đô thị trong vùng sinh thái biển, nông nghiệp, nông thôn...
Ngay sau Hội nghị công bố, Bộ Xây dựng đề nghị thành phố Hải Phòng cùng với các Sở, Ban, ngành phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành liên quan sớm triển khai các công việc trọng tâm như: tổ chức rà soát và lập các chương trình, khu vực và kế hoạch phát triển đô thị; tổ chức lập và ban hành Quy chế quản lý kiến trúc thành phố Hải Phòng; tổ chức lập Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Đình Vũ – Cát Hải, quy hoạch chuyên ngành hạ tầng kỹ thuật, quy hoạch không gian ngầm và các quy hoạch cấp dưới phù hợp với Quy hoạch chung thành phố… ; xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch đồng bộ với việc đầu tư hệ - thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong đô thị…
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Lê Anh Quân khẳng định, điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Hải Phòng đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 là nội dung rất quan trọng, trong việc tiếp tục kế thừa những kết quả đã đạt được, các mục tiêu, chủ trương đã được Thủ tướng Chính phủ hoạch định tại Đồ án điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng thành phố đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 tại Quyết định số 1448/QĐ-TTg ngày 16/9/2009, mở ra triển vọng phát triển mới của đô thị Hải Phòng trong thời gian tới.
Ông Lê Anh Quân cũng khẳng định chính quyền thành phố Hải Phòng rất vinh hạnh được hợp tác với các nhà đầu tư và doanh nghiệp trên chặng đường tạo dựng và lan tỏa những giá trị mới vượt trội, hiện thực hóa khát vọng để phát triển nhanh và bền vững trong thời gian tới. Thành phố Hải Phòng cam kết thực hiện cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, đặt sự thành công của nhà đầu tư chính là thành công của thành phố.