Hàng lỗ bán nhẹ, tiền mua thăm dò, thanh khoản thấp nhất 10 phiên
VN-Index thiếu chút nữa đỏ trong vài phút đầu tiên của phiên chiều khi chỉ số tăng chưa đầy 0,3 điểm so với tham chiếu. Lực bán từ khối ngoại gia tăng mạnh nhưng dòng tiền trong nước đón đỡ khá tốt. Càng về cuối phiên giá càng được đẩy dần lên bất chấp lượng cổ phiếu lớn về tài khoản. Tuy vậy do thiếu sức mạnh của nhóm trụ dẫn dắt, chỉ số không thể bùng nổ được...
VN-Index thiếu chút nữa đỏ trong vài phút đầu tiên của phiên chiều khi chỉ số tăng chưa đầy 0,3 điểm so với tham chiếu. Lực bán từ khối ngoại gia tăng mạnh nhưng dòng tiền trong nước đón đỡ khá tốt. Càng về cuối phiên giá càng được đẩy dần lên bất chấp lượng cổ phiếu lớn về tài khoản. Tuy vậy do thiếu sức mạnh của nhóm trụ dẫn dắt, chỉ số không thể bùng nổ được.
Nhóm cổ phiếu tầm trung vẫn mạnh nổi bật so với các blue-chips, dù rổ VN30 vẫn là trụ cột đỡ điểm số. VN30-Index đóng cửa tăng 0,52%, Midcap tăng 1,11% và Smallcap tăng 0,67%.
Dù rổ VN30 có tới 22 mã tăng, chỉ 5 mã giảm, nhưng biên độ tăng ở cổ phiếu lại khá hạn chế. Trong 10 cổ phiếu vốn hóa lớn nhất có khả năng điều tiết VN-Index, duy nhất BID tăng 1,85%, HPG tăng 1,5% và FPT tăng 1,32% là đáng kể. Chỉ số thiếu sự đồng thuận rõ ràng, khi VCB, VHM, VNM, VPB đều kém, VIC lại giảm 0,23%, CTG giảm 0,51%.
Một trong những nguyên nhân khiến nhóm VN30 biến động nhỏ là không có đủ lực mua. Mặc dù toàn thị trường chiều nay thanh khoản có tăng, nhưng riêng rổ VN30 giao dịch lại giảm gần 5% so với phiên sáng, chỉ khớp được gần 1.862 tỷ đồng. Tới 47% mức thanh khoản này lại chỉ tập trung vào 5 mã là HPG, MWG, SSI, VNM và VPB, những cổ phiếu duy nhất của rổ chiều nay đạt thanh khoản thêm hơn 100 tỷ đồng.
Tuy nhiên mặt bằng giá của nhóm blue-chips cũng có tốt hơn buổi sáng: 15/30 cổ phiếu có giá đóng cửa phiên chiều cao hơn mức chốt buổi sáng, chỉ 7 mã tụt giá. BID, FPT, MSN, VJC là nhóm mạnh nhất, tăng thêm hơn 1%. Trong đó BID chốt trên tham chiếu 1,85% là trụ mạnh nhất của VN-Index. FPT tăng 1,32% là trụ mạnh nhất VN30-Index. Còn lại, tổng thể nhóm VN30 tăng giá yếu, chỉ 4 mã đóng cửa tăng hơn 1%.
Nhóm Midcap phiên này ấn tượng với thanh khoản chiếm tới 56% tổng giá trị khớp lệnh của sàn HoSE. Không chỉ có chỉ số tăng ấn tượng 1,11%, độ rộng của rổ Midcap cũng rất mạnh với 48 mã tăng/13 mã giảm, trong đó hơn một nửa số tăng (27 mã) tăng trên 1% so với tham chiếu. Không chỉ vậy, toàn sàn HoSE có 37 mã đạt thanh khoản từ 100 tỷ đồng trở lên thì 22 mã thuộc rổ Midcap.
Một số mã giao dịch lớn với giá tăng mạnh trong nhóm này có thể kể tới CTD tăng 5,28% với 228,3 tỷ đồng; PVD tăng 4,12% với 202,2 tỷ; CII tăng 3,24% với 126,6 tỷ; DCM tăng 273% với 117,1 tỷ; VND tăng 2,36% với 728,2 tỷ; VCI tăng 1,94% với 314,9 tỷ…
Chiều nay thị trường trông chờ lượng hàng khổng lồ của phiên bán tháo hôm 17/11 về tài khoản. Hôm đó tới trên 1,32 tỷ cổ phiếu khớp lệnh chỉ tính trên HoSE và HNX. Trong bối cảnh dòng tiền mua yếu, nếu hàng xả nhiều, thị trường rất có thể sẽ sụp đổ. Tuy nhiên trừ nhịp nhún xuống trong khoảng 30 phút đầu phiên chiều, giao dịch là ổn định, thậm chí có chuyển biến tích cực dần lên. Thời điểm VN-Index chạm đáy trong ngày, độ rộng ghi nhận 221 mã tăng/231 mã giảm, nhưng đóng cửa tới 333 mã tăng/173 mã giảm.
Điểm nhấn là thanh khoản đã không cao trong buổi chiều, HoSE chỉ ghi nhận hơn 6.660 tỷ đồng khớp lệnh thêm, tăng 10% so với phiên sáng. Tính chung cả HNX, giao dịch phiên chiều đạt 7.799 tỷ đồng, tăng 14% so với phiên sáng. Dù giao dịch có tăng lên nhưng tổng mức khớp cả ngày vẫn giảm 14% so với hôm qua, đạt 14.627 tỷ đồng hai sàn. Đây là mức khớp lệnh thấp nhất 10 phiên.
Trong khi giao dịch chậm và nhỏ, mặt bằng giá cổ phiếu có tín hiệu tốt lên. VN-Index cuối phiên sáng mới có 81 mã tăng hơn 1%, kết phiên là 113 mã. Phía giảm cũng chỉ có 40 mã mất hơn 1% và thanh khoản nhóm này chiếm 2,4% tổng khớp sàn HoSE. ITA giảm 3,32% với 40,1 tỷ, EVF giảm 1,54% với 135,5 tỷ, HAG giảm 1,49% với 94,2 tỷ, BCM giảm 1,95% với 20 tỷ là các mã đáng kể nhất.
Khối ngoại chiều nay vẫn tiếp tục xả, bán ròng 291,3 tỷ đồng nữa trên HoSE. Phiên sáng khối này đã bán 276,6 tỷ. VPB bị bán ròng đột biến 211,1 tỷ đồng, VNM -117,2 tỷ. Ngoài ra có VRE -58,8 tỷ, VHM -53,3 tỷ, VIC -38,1 tỷ, DIG -29,5 tỷ, HPG -29,3 tỷ, MWG -23,5 tỷ.