Hàng tồn kho chất bán dẫn của Hàn Quốc đạt mức cao nhất trong 26 năm
Hàng tồn kho chất bán dẫn của Hàn Quốc đã tăng lên mức cao nhất trong 26 năm do nhu cầu tiêu dùng chip suy giảm trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái…
Theo dữ liệu do Statistics Korea tổng hợp, tỷ lệ tồn kho trên doanh số bán chip do các nhà sản xuất chip địa phương sản xuất đạt 265,7% trong tháng 1/2023, mức cao nhất kể từ tháng 3/1997. Xuất khẩu chip cũng giảm 42,5% so với cùng kỳ năm ngoái xuống còn 5,69 tỷ USD vào tháng 2.
Nền kinh tế số 4 châu Á, Hàn Quốc sở hữu hai nhà sản xuất chip bộ nhớ lớn nhất thế giới là Samsung Electronics và SK hynix. Năm ngoái, lượng hàng tồn kho của hai công ty tăng vọt đạt mức cao nhất trong 26 năm.
Theo các nguồn tin trong ngành, tài sản tồn kho của Samsung đạt mức cao nhất mọi thời đại là 52,2 nghìn tỷ won (4,03 tỷ USD) tính đến quý IV năm 2022, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Tài sản hàng tồn kho của SK cũng tăng 75% so với cùng kỳ lên khoảng 15,6 nghìn tỷ won trong cùng thời gian.
THÁCH THỨC CÁC NHÀ SẢN XUẤT CHIP HÀN QUỐC PHẢI ĐỐI MẶT
Tỷ lệ tồn kho cao chỉ ra rằng các công ty đang gặp nhiều rào cản trong việc bán sản phẩm từ chất bán dẫn của họ. Trong tương lai, các nhà sản xuất chip có thể sẽ giảm sản xuất hoặc giảm giá hơn nữa để duy trì doanh số bán hàng, điều này dẫn đến giá chip giảm.
Ngành công nghiệp bán dẫn của Hàn Quốc đang chịu áp lực ngày càng tăng, bao vây bởi những rắc rối cả trong và ngoài nước. Với tỷ lệ tồn kho trên doanh thu cao hơn, giá chip toàn cầu có thể sẽ giảm hơn nữa cùng với áp lực đầu tư từ Mỹ khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Năm ngoái Mỹ đưa ra đạo luật CHIPS cấm các công ty nhận các khoản tiền trợ cấp từ đạo luật này đầu tư vào sản xuất chip tiên tiến ở Trung Quốc. Đạo luật CHIPS của Mỹ đặt Samsung và SK vào thế khó xử khi phải lựa chọn giữa Mỹ và Trung Quốc. Tuy nhiên, rất khó để các công ty lựa chọn đứng về phía nào trong bối cảnh cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng sâu sắc. Nếu họ không tham gia đạo luật điều đó có thể báo hiệu cho Mỹ rằng các công ty không đứng về phía liên minh chip do Mỹ làm trung tâm mà đứng về phía Trung Quốc.
Tuần trước, chính phủ Mỹ đã công bố các điều kiện để được trợ cấp theo đạo luật trị giá 53 tỷ USD. Đạo luật được đề ra với mục đích hồi sinh ngành công nghiệp chip của Mỹ và đảm bảo chuỗi cung ứng. Nhưng đạo luật này đi kèm với những ràng buộc chính bao gồm hạn chế khả năng của người nhận trong việc mở rộng năng lực sản xuất chip ở các quốc gia khác bao gồm cả Trung Quốc trong một thập kỷ. Công ty nhận được trợ cấp từ đạo luật phải chia một phần lợi nhuận với chính phủ Mỹ nếu vượt quá lợi nhuận dự đoán khi nộp đơn .
Một số chuyên gia thị trường cho rằng chương trình trợ cấp của Mỹ có thể được coi là “chén thuốc độc” đối với hai nhà sản xuất chip lớn nhất thế giới, bởi họ phụ thuộc rất nhiều vào các cơ sở sản xuất chip nhớ ở Trung Quốc. Khoảng 40% tổng số bộ nhớ flash NAND của Samsung đang được sản xuất tại nhà máy của họ ở Tây An, Trung Quốc, trong khi SK sản xuất một nửa tổng số DRAM ở Vô Tích, Trung Quốc.
Tại Mỹ, Samsung đang xây dựng một cơ sở sản xuất chip trị giá 17 tỷ USD ở Taylor, Texas và SK đang lên kế hoạch chọn một địa điểm đặt nhà máy đóng gói chip ở đó trong nửa đầu năm nay.
Nhà phân tích Kim Sun-woo của Meritz Securities cho biết: “Samsung Electronics và SK hynix phải xem xét liệu họ có duy trì hoạt động của các nhà máy ở Trung Quốc hay không và đâu có thể là chiến lược rút lui của họ”. Ông cũng chỉ ra rằng họ phải xem xét những lo ngại về tin mật bị rò rỉ và việc chia sẻ lợi nhuận.
“Ngay cả khi các nhà sản xuất chip kiếm được lợi nhuận từ khoản đầu tư của họ ở Mỹ, họ sẽ phải đối mặt việc chia sẻ phần lớn thu nhập của họ với chính phủ Mỹ” nhà phân tích cho biết.
“Samsung Electronics có thể sử dụng các khoản trợ cấp để sản xuất chip DRAM của mình ở đó, nhưng gã khổng lồ công nghệ có thể sẽ tránh sản xuất các sản phẩm có lợi nhuận cao”.