Hàng trăm container cá ngừ ùn ứ, doanh nghiệp "cầu cứu" Bộ trưởng
VASEP kiến nghị Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp xem xét chỉ đạo tạo điều kiện giải phóng cho các lô hàng đã ký hợp đồng và xuất bến trong nửa đầu tháng 2/2019
Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thuỷ sản Việt Nam (VASEP) vừa có công văn "cầu cứu" đến Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tình trạng nhiều container cá ngừ nhập khẩu gián tiếp qua cảng trung chuyển bị ách tắc, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp cá ngừ bị ùn ứ.
Tuy nhiên, tới nay đã là 5/3/2018, hoạt động sản xuất, xuất khẩu của các doanh nghiệp cá ngừ này vẫn đang tiếp tục đảo lộn do những lô hàng nhập khẩu vẫn còn nằm tại cảng, chưa về được nhà máy vì không được kiểm dịch để thông quan theo quy định của Thông tư số 36/2018/TT-BNNPTNT về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật thủy sản.
Theo các doanh nghiệp cá ngừ, doanh nghiệp nhận được Thông tư 36 quá trễ, hầu hết là cận ngày hoặc đã qua ngày thông tư có hiệu lực (có hiệu lực ngày 10/2/2019). Ngay cả VASEP và hầu hết các doanh nghiệp đều nhận được thông tư từ 11 -15/2/2019. Một vài doanh nghiệp nhận được qua email của Chi cục thú y. Đặc biệt, số đông các doanh nghiệp khác lại chỉ nhận được thông tin khi VASEP thông báo.
Trong khi đó, các doanh nghiệp đều ký hợp đồng mua nguyên liệu từ trước đó, thậm chí nhiều tháng trước thời điểm Thông tư 36 có hiệu lực. Các container cá được vận chuyển liên tục về Việt Nam. Thời gian vận chuyển các container về Việt Nam thường mất từ 2 - 5 tuần tùy nơi xuất phát và quá trình giao hàng, tuỳ thuộc vào giao 1 nơi hoặc nhiều nơi.
"Do đó các doanh nghiệp không thể kịp chuẩn bị các điều kiện để tuân thủ các yêu cầu của Thông tư 36", VASEP nêu đồng thời khẳng định các container cá ngừ nhập khẩu không thể đáp ứng được điểm G của thông tư, Khoản 2, Điều 1.
Theo hiệp hội này, đa số các cảng trung chuyển của các quốc gia, vùng lãnh thổ như: Salomon, Kiribati, Quần đảo Marshall, Fiji, Quần đảo Cook, Micronesia, Đài Loan, Samoa, Samoa thuộc Mỹ, Nam Phi, Hàn Quốc, Trinidad & Tobago, New Zealand, Suriname, Singapore, Seychelles, Trung Quốc, Sri Lanka, Maldives, Mauritus, Salomon, Indonesia, Malaysia, Tonga, Uruguay, Nhật Bản...đều từ chối cấp giấy xác nhận nói trên.
Hơn nữa, một số ít quốc gia đồng ý cấp giấy xác nhận như Thái Lan, Phillipines song đều theo mẫu giấy xác nhận của các quốc gia này nên thông tin trên giấy xác nhận chuyển tải không thể có đầy đủ như Thông tư yêu cầu. Thậm chí, trên giấy xác nhận của Thái Lan, tên của cơ quan công quyền chỉ được ghi bằng tiếng Thái. Do đó, cơ quan thú y của Việt Nam cũng đã không chấp nhận các giấy xác nhận này khiến các lô hàng được cấp các giấy xác nhận này cũng vẫn bị ách tắc tại cảng.
Quy định tại điểm G, Khoản 2, Điều 1 là các lô hàng thủy sản nhập khẩu gián tiếp từ tàu đánh bắt hải sản nước ngoài chuyển tải tại các cảng trung chuyển của nước ngoài về Việt Nam thì phải cung cấp kèm theo lô hàng "Bản sao giấy xác nhận do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi có cảng trung chuyển cấp (có xác nhận của doanh nghiệp). Nội dung giấy xác nhận thể hiện các thông tin sau: tên; số đăng ký, quốc gia treo cờ của tàu đánh bắt và tàu vận chuyển; tên loại sản phẩm thủy sản, số lượng, thời gian bốc dỡ, địa điểm bốc dỡ, điều kiện lưu giữ sản phẩm, sản phẩm thủy sản được giữ nguyên trạng, không trải qua các công đoạn nào khác ngoài hoạt động bốc dỡ".
Cuối năm 2018, VASEP và các doanh nghiệp ngành cá ngừ Việt Nam đã có báo cáo và góp ý xây dựng xây dựng Thông tư 36 đã kiến nghị về điều này.
Trước thực trạng ách tắc hàng cá ngừ nhập khẩu tại cảng gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp thủy sản, VASEP kiến nghị Bộ trưởng, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét chỉ đạo tháo gỡ cho phép có giai đoạn chuyển tiếp để thực thi Thông tư 36 cho đến hết ngày 31/3/2019 để giải quyết tình trạng ùn ứ ách tắc tại cảng hiện nay cũng như tạo điều kiện để giải quyết các lô hàng đã ký hợp đồng và xuất bến trong nửa đầu tháng 2/2019.
VASEP cũng đề nghị Bộ trưởng hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp việc cho đánh giá thêm kết hợp việc khảo sát thực trạng tại các quốc gia có cảng trung chuyển về hiện trạng cấp Giấy xác nhận chuyển tải ở các quốc gia này, từ đó xem xét giải quyết, tháo gỡ quy định tại Điểm G, Khoản 2, Điều 1 của Thông tư 36 một cách phù hợp nhất để vừa quản lý Nhà nước được chặt chẽ nhất mà sản xuất kinh doanh cũng không bị ảnh hưởng.
Trong những tháng cuối năm 2018, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam vẫn tiếp tục đà tăng trưởng kéo theo kim ngạch xuất khẩu cả năm đạt gần 653 triệu USD, tăng 10% so với năm 2017.