Hãng Trung Quốc đầu tiên tuyển dụng robot làm ... CEO
Việc bổ nhiệm một CEO robot cho thấy môi trường làm việc sẽ có những thay đổi sâu sắc, từ làm việc từ xa đến một văn phòng metaverse...
NetDragon, một công ty Trung Quốc, gần đây đã bổ nhiệm một robot hình người trang bị công nghệ AI làm CEO luân phiên của công ty con hàng đầu Fujian NetDragon Websoft.
NetDragon Websoft, công ty game Trung Quốc nổi tiếng với các trò chơi như Eudemons Online, Heroes Evolved, Conquer Online và Under Oath, đang đặt cược rất nhiều vào thế giới kỹ thuật số mới và các công nghệ liên quan.
Việc bổ nhiệm Tang Yu, tên của Giám đốc điều hành robot ảo do AI điều khiển, “là một động thái tiên phong trong việc sử dụng AI để chuyển đổi hoạt động quản lý doanh nghiệp và đi tắt đón đầu lên một tầm cao mới”, công ty cho biết trong một tuyên bố, CEO ảo đại diện cho một cột mốc quan trọng hướng tới thế giới metaverse.
CHÍNH XÁC THÌ CEO ẢO TANG YU SẼ LÀM GÌ?
Công ty cho biết robot hình người sẽ “hợp lý hóa quy trình, nâng cao chất lượng của các nhiệm vụ công việc và cải thiện tốc độ thực hiện”.
Tang Yu cũng sẽ hoạt động như “một trung tâm dữ liệu thời gian thực và công cụ phân tích để hỗ trợ việc ra quyết định hợp lý trong các hoạt động hàng ngày và cho phép một hệ thống quản lý rủi ro hiệu quả hơn”.
Ngoài ra, “Tang Yu được kỳ vọng sẽ đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển nhân tài và đảm bảo một nơi làm việc công bằng và hiệu quả cho tất cả nhân viên”.
“Chúng tôi sẽ nhờ Tang Yu điều hành công ty và sau đó chúng tôi có thể chuyển các nguồn lực sang các mảng khác giúp chúng tôi phát triển doanh nghiệp”, Tiến sỹ Simon Leung, phó chủ tịch NetDragon, nói.
Tuyên bố không cung cấp chi tiết về việc liệu Tang Yu sẽ đưa ra các quyết định độc lập với tư cách là một giám đốc điều hành, hay liệu vị CEO robot này có bị con người giám sát hay không.
Tuy nhiên, bổ nhiệm một CEO robot cho thấy sẽ có những thay đổi sâu sắc tại nơi làm việc khi các công ty thực sự chấp nhận môi trường làm việc từ xa và metaverse.
VĂN PHÒNG LÀM VIỆC METAVERSE
Môi trường làm việc metaverse có thể làm việc từ mọi nơi trên thế giới, nhờ vào thực tế tăng cường và cảm biến chuyển động của các hình đại diện kỹ thuật số. Không gian làm việc có thể được tùy chỉnh theo các yêu cầu và sở thích của mỗi nhân sự. Không gian và thiết bị văn phòng vật lý, nhu cầu tiếp xúc trực tiếp với nhau có thể … loại bỏ.
Các đồng nghiệp làm việc ở các vị trí địa lý riêng biệt có thể cộng tác như thể họ đang ở trong cùng một phòng, với các tính năng tương tác kỹ thuật số để làm việc nhóm.
Năm nay, Microsoft bắt đầu tung ra Mesh, một hệ thống dành cho các cuộc họp thực tế ảo tăng cường sẽ được tích hợp vào Teams. Theo Gartner, công ty tư vấn quốc tế, 1/4 dân số sẽ dành ít nhất một giờ mỗi ngày trong metaverse vào năm 2026 - cho dù đó là làm việc, mua sắm, giao lưu hay để giải trí.
Osborne Clarke, một tổ chức pháp lý quốc tế cung cấp dịch vụ về tất cả các vấn đề liên quan đến pháp luật, bao gồm vấn đề việc làm, bảo vệ dữ liệu và làm việc kết hợp, đã xuất bản một báo cáo về metaverse vào năm 2021. Olivia Sinfield, đối tác tại Osborne Clarke, nói rằng với một cái gì đó như metaverse, điều quan trọng thực sự là doanh nghiệp phải bắt đầu lên kế hoạch và chuẩn bị cho điều đó ngay bây giờ..
NHỮNG RỦI RO SỨC KHỎE CỦA MỘT VĂN PHÒNG METAVERSE
Bất chấp những lợi ích tiềm năng mà không gian làm việc metaverse có thể mang lại, chẳng hạn như tự do lựa chọn nơi sinh sống, giảm chi phí đi lại và gần như loại bỏ nhu cầu về văn phòng thực, một mối lo ngại xuất hiện: liệu môi trường làm việc metaverse có tốt cho con người?
Văn phòng Châu Âu của Tổ chức Y tế Thế giới đã cảnh báo metaverse có thể gây rủi ro cho sức khỏe cộng đồng. Những tác động đến sức khỏe có thể sâu sắc hơn nhiều so với việc giảm hoạt động thể chất và tiếp xúc với quảng cáo không lành mạnh.
Bởi vì, hành vi xã hội của con người là yếu tố quan trọng đối với sức khỏe và sự sống còn của con người, và nghiên cứu cho thấy các rối loạn tâm thần thường liên quan đến một số gián đoạn hành vi xã hội bình thường. Đó là bởi vì con người là những sinh vật xã hội và nội tiết tố của con người được thiết kế để thúc đẩy sự tương tác xã hội.
Đại dịch COVID-19 đã cho thấy rõ ràng những rủi ro của việc ít tương tác mặt đối mặt. Nhiều nghiên cứu đã cảnh báo việc sử dụng quá nhiều các nền tảng như Facebook, Instagram và TikTok có thể gây ra các triệu chứng trầm cảm, hành vi gây nghiện, cô đơn và lo lắng. Ngoài ra, làm việc từ xa cũng khiến tình trạng cô lập trở nên trầm trọng.
Một cuộc thăm dò toàn châu Âu được thực hiện vào tháng 9 bởi LifeWorks, một công ty dịch vụ phúc lợi, cho thấy 39% người lao động được khảo sát có nguy cơ cao mắc các vấn đề sức khỏe tâm thần. Gần một phần ba số người được hỏi cho biết họ thường cảm thấy cô đơn.
“Chúng ta có thể giao dịch trong các cuộc gọi Zoom kéo dài 20 phút. Nhưng điều đó không tạo nên cảm giác thân thuộc”, Paula Allen, trưởng nhóm nghiên cứu toàn cầu của LifeWorks, nói.
Một nghiên cứu riêng biệt của các nhà nghiên cứu tại Đại học Boston và Đại học Canterbury cho thấy những nhân viên cô đơn nhất là những người làm việc tại nhà.
Nhưng metaverse thể hiện chính nó như một sự kết hợp giữa làm việc tại nhà và làm việc tại văn phòng: nó không hoàn toàn từ xa, cũng không thực sự mang tính hiện đại.
Theo các nhà nghiên cứu, cần thực hiện thêm nhiều báo cáo để hiểu được những tác động tiềm ẩn đối với sức khỏe khi làm việc trong môi trường metaverse, nhưng một số nghiên cứu đã nêu bật những rủi ro có thể xảy ra khác.
Một nghiên cứu năm 2010 cho thấy mọi người có nhiều khả năng sẽ trải qua cảm giác cô độc, sau khi đắm mình trong thực tế ảo. Rối loạn này rất đặc trưng bởi cảm giác bị ngắt kết nối khỏi cơ thể và suy nghĩ của chúng ta và có thể dẫn đến các cơn lo lắng và hoảng sợ nghiêm trọng.
Và lưu ý, các doanh nghiệp, người sử dụng lao động có nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe và hạnh phúc của nhân viên. Vì vậy, họ phải có khả năng trấn an nhân viên nếu thực sự xây dựng một môi trường làm việc metaverse.