Hàng về cắt lỗ ào ạt, thị trường “bổ nhào” sau 2h
Thanh khoản hai sàn tăng vọt 71% so với phiên sáng nhưng là do bên bán chủ động. Cổ phiếu lao dốc trên diện rộng khi lượng hàng bắt đáy tiếp tục thua lỗ bị bán tháo hạ giá từ sau 2h chiều. VN-Index đóng cửa giảm 1,31% tương ứng bốc hơi 14,78 điểm. Bao nhiêu nỗ lực bắt đáy kéo tăng 10,57 điểm hôm qua đã bị xóa sạch và chỉ số có nguy cơ tìm đáy mới...
Thanh khoản hai sàn tăng vọt 71% so với phiên sáng nhưng là do bên bán chủ động. Cổ phiếu lao dốc trên diện rộng khi lượng hàng bắt đáy tiếp tục thua lỗ bị bán tháo hạ giá từ sau 2h chiều. VN-Index đóng cửa giảm 1,31% tương ứng bốc hơi 14,78 điểm. Bao nhiêu nỗ lực bắt đáy kéo tăng 10,57 điểm hôm qua đã bị xóa sạch và chỉ số có nguy cơ tìm đáy mới.
Diễn biến “lật mặt” rất nhanh của thị trường đang chứng minh những rủi ro trong quá trình bắt đáy thậm chí còn lớn hơn là đu đỉnh. Hôm qua xuất hiện nhịp phục hồi và tâm lý khá hưng phấn. Tuy nhiên chiều nay áp lực cắt lỗ đã nhấn chìm thị trường một lần nữa.
Sàn HoSE phiên chiều khớp khoảng 7.375 tỷ đồng, tăng 73% so với phiên sáng. Dù đã có thanh khoản tăng nhưng tính chung cả ngày, giá trị khớp lệnh cũng vẫn giảm 17% so với hôm qua, đạt 11.643 tỷ đồng, thấp nhất kể từ đầu tháng 7/2023.
Thanh khoản tăng và độ rộng của VN-Index co lại rất nhanh xác nhận áp lực bán chủ động ép giá xuống. Cuối phiên sáng HoSE không tích cực nhưng vẫn còn 173 mã tăng/268 mã giảm. Chiều nay giá giảm la liệt và đóng cửa chỉ còn 103 mã tăng/386 mã giảm. Phiên sáng mới có 64 mã giảm trên 1%, chiều nay tới 135 mã.
Nhóm cổ phiếu blue-chips chính thức sụp đổ khi chỉ còn sót lại GVR tăng 1,54% và SSB tăng 0,2%. 27/30 mã của rổ giảm giá với 18 mã giảm trên 1%. Dẫn đầu là PLX giảm 5,1%, MWG giảm 4,47%, POW giảm 3,11%. Xét về trụ, VCB giảm 2,09%, BID giảm 2,12%, CTG giảm 2,77%, GAS giảm 1,86%, VNM giảm 2,28%, VIC giảm 1,08% là các mã ảnh hưởng nặng nhất tới chỉ số. Đây cũng là các cổ phiếu thuộc Top 10 vốn hóa lớn nhất thị trường.
Hiệu ứng giảm giá sâu chiều nay đơn giản chỉ là do lực cầu quá yếu. Thị trường luôn có một lượng hàng ngắn hạn về tài khoản mỗi ngày và nhu cầu bán ra là không thể lường hết được do đánh giá về rủi ro là khác nhau. Có những cổ phiếu lỗ 1-2% đã có thể bị bán ngay nếu như nhà đầu tư cho rằng nguy cơ giảm sâu hơn hiện hữu và cắt lỗ sớm sẽ có lợi thế. Tuần trước một lượng lớn cổ phiếu bắt đáy ở đáy giả vẫn chưa bị bán ra, trong khi hôm qua giá lại phục hồi thậm chí có thể khuyến khích bắt đáy bình quân giá. Nếu có sẵn cổ phiếu nhà đầu tư rất dễ sửa sai bán ngay T+…
Nói chung dù là suy nghĩ như thế nào thì cuối cùng vẫn thể hiện ra bằng hành động, và chiều nay hành động bán khống chế hoàn toàn giao dịch. Giá cổ phiếu giảm liên tục cho tới đợt ATC. Thậm chí nhiều cổ phiếu còn tạo đáy sâu trong phiên ở đợt này bao gồm cả các trụ như VCB, VNM, HPG, CTG, GAS… Mặc dù tổng thể thanh khoản không cao và chưa có tình trạng giảm sàn cả loạt thể hiện lực bán tháo tận sức, nhưng bên mua cũng quá kém. Trong từng thời điểm, cung cầu có liên quan chặt chẽ và nếu bên mua chỉ chấp nhận giá thấp tới rất thấp thì thanh khoản sẽ do bên bán chấp nhận ở mức giá nào.
Sàn HoSE hôm nay có 38 cổ phiếu thanh khoản trên 100 tỷ đồng thì chỉ có 7 mã tăng, tới 29 mã giảm. Trong số giảm có 13 mã giảm từ 3% trở lên, 7 mã khác giảm trong biên độ 1% tới 2%. Các mã bất động sản và chứng khoán chịu áp lực cực lớn là DIG giảm 6,84% thanh khoản 425,5 tỷ đồng; DXG giảm 6,74% với 336,2 tỷ; NVL giảm 5,48% với 243,4 tỷ; VIX giảm 6,27% với 343, tỷ; VCI giảm 5,01% với 182,7 tỷ; VND giảm 3,93% với 372,9 tỷ…
Trong 103 mã đi ngược dòng, 44 mã tăng trên 1% và cũng có một số cổ phiếu thanh khoản khá tốt. TIP, VGC, HAG, PTB, CTD, SZC là các mã nổi bật tăng trên 2% với thanh khoản vượt 20 tỷ đồng.
Nhà đầu tư nước ngoài chiều nay vẫn bán rất nhiều rút ròng thêm 384,8 tỷ đồng nữa, đẩy giao dịch cả ngày lên -730,8 tỷ đồng. Chỉ riêng mức bán ròng hôm nay đã gần tương đương với mức mua ròng cả tuần trước. Loạt blue-chips bị rút vốn mạnh là VNM -44,7 tỷ, CTG -40,3 tỷ, MWG -39,8 tỷ, VIC -34,7 tỷ, SSI -26 tỷ, HPG -21,7 tỷ. Ngoài ra DXG, POW, FRT, PVD, PVT, VCI… cũng bị bán rất nhiều. Đặc biệt không có cổ phiếu nào được mua ròng đáng chú ý, nhiều nhất là VRE vơi s8,9 tỷ đồng.